Một số giải pháp nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp
a) Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 - Khóa XI đề ra giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, cụ thể là:
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.
- Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải nhất thiết qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý.
- Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
- Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.
- Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao năng lực và trình độ.
b) Điều 16 của Luật Giáo dục Quy định về vai trò trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục :”
Cán bộ quản lý giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục.
Cán bộ quản lý giáo dục phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và trách nhiệm cá nhân.
Nhà nước có kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục”.
c) Chiến lược phát triển dạy nghề: Để đạt được các mục tiêu chiến lược, cần thực hiện đồng bộ 9 giải pháp, trong đó giải pháp:
- Giải pháp đột phá "Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề" và "Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề".
- Giải giải pháp trọng tâm "Xây dựng khung trình độ nghề quốc gia".
- Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý dạy nghề; hình thành đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề có tính chuyên nghiệp.
- Hình thành Học viện dạy nghề với chức năng đào tạo, bồi dưỡng công nghệ mới; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; nghiên cứu khoa học dạy nghề, trên cơ sở sáp nhập, nâng cấp Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề và một số cơ sở đào tạo nghề.
d) Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định chức năng quản lý nhà nước về GDNN: “Quản lý và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên”.
2. Yêu cầu đối với cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới
- Yêu cầu về phẩm chất chính trị:
(i) Phải có quan điểm chính trị, ý chí kiên định, vững vàng trong công việc, quan điểm đường lối phát triển nhân lực và giáo dục nghề nghiệp sâu rộng, biết đánh giá kết quả theo những tiêu chuẩn chính trị.
(ii) Có khả năng tạo được sự tin cậy của tập thể.
- Yêu cầu về năng lực chuyên môn:
(i) Năng lực chuyên môn thể hiện: Khả năng phân tích và giải quyết các vấn đề tình huống, phát hiện thách thức, cơ hội, nguy cơ, đề xuất các giải pháp tận dụng cơ hội và tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề xung yếu, đột phá của hệ thống hoặc tổ chức; Khả năng xác định đúng phương hướng phát triển hệ thống hoặc tổ chức.
(ii) Phải có kiến thức trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để đạt được hiệu quả mong muốn.
- Yêu cầu về năng lực tổ chức:
Có các kỹ năng khác nhau trong điều hành, giải quyết công việc như:
(i)Tổ chức công việc của bản thân, các phương pháp, quá trình, quy trình làm việc hàng ngày, kết hợp công việc trước mắt và lâu dài.
(ii) Biết cách làm việc với mọi người, hợp tác và tạo ra môi trường phát huy khuyến khích mọi người làm việc phát huy sáng tạo cá nhân.
(iii) Biết kiểm tra, đánh giá và sử dụng đúng năng lực của từng người, Phát hiện được vấn đề tổng quát và chi tiết, nhận biết nhân tố động lực.
- Yêu cầu về đạo đức:
Thể hiện ở các khía cạnh: Quan hệ đồng cảm với mọi người trong đơn vị, trung thực, công bằng, có văn hóa tôn trọng con người, khiêm tốn, thường xuyên học hỏi…
3. Giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp
3.1. Nhóm giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng
Giải pháp 1: Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý GDNN
a)Mục tiêu
Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng quy trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý GDNN đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ.
b) Nội dung giải pháp
Để bồi dưỡng cho cán bộ quản lý GDNN đạt được các mục tiêu đề ra cần thiết kế quy trình xây dựng chương trình đào tạo, tài liệu bồi dưỡng gồm 8 bước (Sơ đồ 1) như sau:
c) Điều kiện
- Phân công rõ trách nhiệm quản lý về GDNN.
- Ban hành chuẩn năng lực cán bộ quản lý GDNN được ban hành.
- Có nguồn lực để triển khai (nhân lực, tài chính…).
Giải pháp 2: Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý GDNN
a) Mục tiêu
Cán bộ quản lý GDNN nhận thức được tầm quan trọng và nâng cao năng lực về phương pháp để áp dụng hiệu quả trong công việc
b) Nội dung
- Đổi mới phương pháp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý GDNN theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học viên, phát huy tính độc lập, sáng tạo của họ, giúp học viên nắm được cách học, cách tự học. Đổi mới phương pháp cần tập trung vào các hướng sau:
- Phát huy tính tự giác, tích cực học tập, kinh nghiệm và vốn sống của cán bộ quản lý GDNN trong quá trình dạy học để biến quá trình đào tạo, bồi dưỡng thành quá trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng.
- Đổi mới phương pháp phải giúp học viên vận dụng tốt tri thức vào quản lý GDNN, huấn luyện các kỹ năng quản lý về nghiệp vụ cụ thể; khai thác tính "tự phát hiện", "tự học" trong học tập.
- Đổi mới phương pháp trên cơ sở sử dụng và khai thác khả năng các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại.
- Đổi mới cách thức kiểm tra - đánh giá trong đào tạo, bồi dưỡng.
- Tổ chức dạy học theo phương pháp "đặt và giải quyết vấn đề" gồm các bước:
+ Đưa ra cho học viên vấn đề học tập (thường là tình huống quản lý giáo dục) và yêu cầu học viên giải quyết.
+ Hướng dẫn học viên tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề.
+ Theo dõi và giúp đỡ, gợi ý chung và riêng cho học viên.
+ Kiểm tra học tập của học viên bằng cách yêu cầu họ trình bày đầy đủ việc giải quyết vấn đề, tổ chức thảo luận và đi đến kết luận chung.
- Tổ chức dạy học "kiến tạo": thực hiện quá trình dạy học kiến tạo được tiến hành theo 3 bước chính:
+ Giao nhiệm vụ cho học viên.
+ Thực hiện hành động giải quyết vấn đề (hay tình huống).
+ Tranh luận, hợp thức hóa và vận dụng kiến thức.
c) Điều kiện
Các cơ sở được giao trách nhiệm và đội ngũ giáo viên:
- Nhận thức đầy đủ và tập trung nghiên cứu phương pháp dạy - học theo hướng tích cực hóa người học.
- Được tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện triển khai các phương pháp dạy học tích cực.
3.2. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Một vấn đề hết sức quan trọng đó là cần có chính sách, chế độ hợp lý trong công tác cán bộ. Thực tế cho thấy chính sách, chế độ công bằng, hợp lý là một trong những nguyên nhân khơi dậy lòng nhiệt thành, sức cống hiến và sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ; khuyến khích sự suy nghĩ sáng tạo, phát huy trách nhiệm và quyền hạn của cá nhân, tạo điều kiện cho cán bộ trở thành người lãnh đạo và quản lý giỏi.
Giải pháp 3: Cơ chế chính sách tuyển dụng cán bộ quản lý GDNN
a) Mục tiêu
Xây dựng chính sách tuyển dụng cán bộ quản lý GDNN đáp ứng nhu cầu đổi mới quản lý trong môi trường luôn thay đổi.
b) Nội dung
- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển cán bộ quản lý GDNN.
- Tuyển chọn cán bộ quản lý GDNN.
- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, sử dụng cán bộ quản lý GDNN.
- Quy định cán bộ quản lý phải có bằng hoặc chứng chỉ quản lý GDNN. Bằng, chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc qua các kỳ thi tiêu chuẩn nghề quốc gia do các trung tâm có thẩm quyền chịu trách nhiệm.
c) Điều kiện
Cơ quan quản lý GDNN ở trung ương ban hành khung và các Tiêu chuẩn năng lực của cán bộ quản lý GDNN.
Giải pháp 4: Cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng cán bộ quản lý GDNN
a) Mục tiêu
Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý GDNN.
b) Nội dung
- Tăng cường công tác quản lý cán bộ, thực hiện tốt việc đánh giá gắn với phân công bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý GDNN. Đây là một nội dung quan trọng, đòi hỏi các cấp phải nghiên cứu quán triệt một cách sâu sắc để mỗi cán bộ quản lý GDNN nắm được và thực hiện.
- Nắm vững chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ.
- Nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, nhất là đối với cán bộ quản lý GDNN chủ chốt và người đứng đầu cơ quan, đơn vị để có đổi mới cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với tình hình mới.
Quá trình thực hiện phải có sự nhất quán nguyên tắc quản lý, tính chiến lược trong xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý GDNN, nhằm đáp ứng yêu cầu nhân sự và chủ động tạo nguồn cho đơn vị có chất lượng cao, đồng bộ về cơ cấu theo yêu cầu của từng giai đoạn. Có quản lý tốt mới có đánh giá chính xác về cán bộ, là cơ sở để phân công, bố trí hợp lý, giúp cán bộ phát huy năng lực sở trường công tác, cống hiến tài năng cho sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình đánh giá cán bộ quản lý GDNN phải đảm bảo tính khách quan, công khai, trung thực và trách nhiệm. Đồng thời đề cao tính trung thực của cán bộ quản lý GDNN khi tự đánh giá về mình và phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong cơ quan, kịp thời phát hiện nhân tài để bồi dưỡng, sử dụng và phát huy hết khả năng của cán bộ.
- Thực hiện đúng quy trình 3 khâu giữa công tác quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.
- Phải căn cứ yêu cầu công việc để xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ thuộc phạm vi quản lý và đề xuất quy hoạch các chức danh thuộc diện cấp trên quản lý.
- Cán bộ trong diện quy hoạch phải là những người đáp ứng cơ bản tiêu chuẩn chức danh cán bộ, nhưng cần được tiếp tục hoàn thiện thông qua đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và thử thách trong thực tiễn; chú trọng lựa chọn nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật; mỗi chức danh quy hoạch phải có từ 2 đến 3 nhân sự và một nhân sự có thể quy hoạch từ 2 đến 3 chức danh, theo hướng “mở” và “động” Sau đào tạo nhất thiết phải gắn với bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quy hoạch, đào tạo cán bộ.
- Tăng cường công tác luân chuyển cán bộ, coi đây là khâu quan trọng, vừa đẩy mạnh việc luân chuyển, vừa thận trọng, giải quyết tốt quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Quá trình thực hiện công tác luân chuyển cần có bước đi thích hợp, làm tốt công tác tư tưởng, nêu rõ mục đích, yêu cầu luân chuyển đối với nơi đi, nơi đến và đối với cán bộ được luân chuyển, đồng thời theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo. Trước hết, phải tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp ra nghị quyết theo hướng ngắn, gọn, thiết thực, mang tính khả thi cao, xác định khâu trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện. Chú trọng việc xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp hoạt động giữa các khối, các ngành, giảm bớt sự chỉ đạo bằng giấy tờ, hội họp. Tăng cường công tác kiểm tra giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, coi trọng công tác thanh tra, xây dựng một đội ngũ cán bộ cốt cán từ trong cơ quan thật sự là hạt nhân lãnh đạo.
- Phải tiếp tục kiện toàn các cơ quan tham mưu, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ đại học, sau đại học chuyên ngành, chuyên sâu từng lĩnh vực để có tầm nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, góp phần làm tốt vai trò tham mưu.
c) Điều kiện
Ban hành quy chế làm việc, quy chế phối hợp hoạt động giữa các đơn vị.
Giải pháp 5: Đổi mới kiểm tra, đánh giá cán bộ quản lý GDNN
a) Mục tiêu
Đánh giá chính xác cán bộ quản lý GDNN là cơ sở vững chắc để đào tạo và sử dụng hợp lí, tạo ra động lực để cán bộ quản lý GDNN cống hiến sức lực, tâm trí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
b)Nội dung
- Đối với cán bộ quản lý GDNN đánh giá theo tiêu chuẩn năng lực (Sơ đồ 2) tại các vị trí được phân công đảm nhiệm
- Lựa chọn thời điểm đánh giá;
- Xác định các bước đánh giá.
c) Điều kiện
Xây dựng được quy chế nội bộ về đánh giá, xây dựng được bộ công cụ đánh giá.
4. Kết luận
Năng lực của cán bộ quản lý GDNN là nhân tố quan trọng bậc nhất, góp phần đổi mới và phát triển GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Thực tiễn GDNN đòi hỏi, người cán bộ quản lý GDNN được đào tạo, bồi dưỡng năng lực ngay trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng và liên tục trong hoạt động nghề nghiệp. Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý GDNN ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng cần đánh giá cán bộ quản lý GDNN theo chuẩn gắn với việc thực hiện đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp dạy học. Thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý GDNN đồng thời triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý GDNN./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN, Chỉ thị 40/CTTW về "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục" ngày 15/6/2004, Hà Nội.
2. Phan Văn Kha (chủ biên), Đổi mới quản lý giáo dục Việt Nam - Một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
3. Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13).
4. Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 27/11/2013 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
5. Nguyễn Đức Trí - Phan Chính Thức,(2010), Một số vấn đề về quản lý cơ sở dạy nghề, Nxb Khoa học kỹ thuật.
6. John S. Oakland,(1994), Quản lý chất lượng đồng bộ, Nxb Thống kê.
Tác giả: TS. Phan Chính Thức - Chuyên gia đào tạo nghề
Nguồn tin: Bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học dạy nghề số 31 tháng 4/2016
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tin xem nhiều
- MẪU CÂU HỎI THI THEO MỨC ĐỘ NHẬN THỨC
- THIẾT KẾ MỘT GIỜ DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
- Quản lý là gì? Sự thống nhất hoàn hảo giữa lí luận và thực tiễn
- Dạy học theo dự án - Phương pháp giáo dục nghề nghiệp hiệu quả
- Thiết kế nội dung bài dạy theo mẫu giáo án tích hợp trong giáo dục nghề nghiệp
Danh ngôn
Albert Einstein
Văn bản
Tìm kiếm
Khảo sát nhanh
Thành viên
Đăng ký thành viên
Hỏi - Đáp
-
Giáo trình giảng dạy...
04:15 30/10/2024 - Mai Thị Thúy -
Chế độ giờ giảng
22:03 29/11/2021 - Vu Khoi Khoi -
trưởng, phó phòng tài...
20:26 22/02/2021 - vlog Thiên Khôi -
Thắc mắc về hồ sơ lưu...
08:49 03/02/2021 - hai dinh -
Hướng dẫn thành lập...
02:23 02/12/2020 - Lê Trung