Quan niệm của Khổng Tử về học sinh

Thứ tư - 29/03/2017 21:13
Lẽ đương nhiên, theo thuyết chính danh, vị thế của thầy phải hơn trò trong trật tự xã hội: quân, sư và phụ (vua, thầy và cha). Như vậy, ngôi thứ của thầy chỉ sau vua, và trên hơn cha. Người cha có vai trò sinh, dưỡng và đặc biệt là giáo dục người con. Tuy nhiên, người cha chỉ lấy kinh nghiệm sống và nhận định riêng của mình để dạy dỗ con cái, chứ không theo hệ thống tri thức và giáo lý nào. Do đó, người cha không thực hiện vai trò giáo dục tốt hơn người thầy, ngoại trừ người cha có nghề chính là thầy. Khổng Tử muốn nhấn mạnh: giáo dục con người khó hơn sinh và dưỡng. Xét về tri thức và đạo đức, nếu trò ở vị thế là người thì trò kém hơn thầy bốn bậc. Do đó, trò phải tôn trọng thầy, cụ thể là khâm phục tài đức của thầy và xem trọng lời của thầy giảng. Cũng xuất phát từ luận điểm này, người Việt Nam ta có câu nói truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Theo Không Tử, muốn ở vào cái danh nào thì trước tiên phải chính cái danh đó. Muốn làm học trò trước tiên phải tu thân để thành người trước cái đã. Muốn tu thân phải biết lễ nghĩa. Khổng Tử nói với học trò: “Này trò, ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa.” Không Tử đề cao đạo đức, muốn là người hữu dụng, muốn học bất kỳ ngành nghề nào, thì trước tiên phải học đạo đức. Người có đạo đức, đến khi có tài mới có thể làm điều tốt cho xã hội; ngược lại, nếu không có đạo đức, đến khi có tài thì chỉ có thể phá hoại xã hội mà thôi. Chính vì thế, ông chủ trương: “Có chí học hành theo đạo, dựa vào đức, ung dung học nghề”. Cũng từ đó, các bậc tiền nhân Việt Nam đã dạy con cháu mình “tiên học lễ, hậu học văn”. 

    Như vậy, theo lý luận sống của Khổng Tử, để trở thành học trò, người đó phải là người cái đã, nghĩa là phải có đạo đức. Học trò muốn học tri thức thì phải tôn trọng người thầy. Lúc đó, danh mới chính mà nghe thầy giảng giải. Khi đạt được luân lý đạo thường rồi, trò mới có thể học tri thức sâu rộng. Đối với Khổng Tử, khi học thì phải “học cho rộng, hỏi cho kỹ; nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng tỏ, làm cho hết sức. Có điều không học, nhưng đã học điều gì thì phải học cho kỳ được. Có điều không hỏi, nhưng khi đã hỏi điều gì thì phải hỏi cho thật hiểu. Có điều không nghĩ nhưng đã nghĩ điều gì thì phải nghĩ cho ra. Có điều không phân biệt, nhưng đã phân biệt điều gì thì phải phân biệt cho minh bạch. Có điều không làm, nhưng đã làm điều gì thì phải cố hết sức mà làm cho bằng được… Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu mà cũng thành sáng, yếu đuối rồi cũng thành ra khoẻ mạnh”. Lời dạy của Khổng Tử có thể khái quát cho trò các phương pháp học sau: 

1. Học đi đôi với hành. 

    Điều này rất quan trọng. Nếu không, ngay câu đầu trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã không nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? (Học phải hành liền, chẳng vui lắm sao?)”. Rõ ràng, Khổng Tử nhấn mạnh lý thuyết và thực hành, mà đến nay những người hiện đại như chúng ta vẫn còn luôn đề cập trong giáo dục. Lý thuyết là cơ sở tri thức, bao gồm những quy luật tự nhiên và xã hội, làm nền tảng để người học vận dụng vào thực tiễn (thực hành) một cách đúng đắn. Còn thực hành là cơ sở kiểm nghiệm lý thuyết, bổ sung cho lý thuyết và rèn luyện thao tác cho người học theo đúng như lý thuyết đã học. Học lý thuyết mà không thực hành thì chỉ nói suông, thực hành mà không lý thuyết sẽ gặp nhiều thất bại. Khổng Tử nhận xét về Nhan Hồi: “Ta tham dự việc học của Nhan Hồi, suốt ngày nó không làm trái, như kẻ ngu đần. Nhưng khi ngẫm kỹ thấy Hồi phát huy thực hành đầy đủ, như thế Hồi không phải kẻ ngu”. Nếu đã học thì hành cho bằng được. Cái gì cũng học, nhưng đến khi làm, chẳng biết làm như thế nào, điều đó chẳng lợi ích gì. Không Tử phê phán cái tri thức phi thực tiễn: “Học thông ba trăm bài Kinh Thi, khi được giao chính sự thì làm không nổi, đi sứ nước ngoài không ứng đối được. Học nhiều thế có ích gì?” 

2. Học với bạn bè (học nhóm). 

    Khổng Tử ngụ ý điều này qua câu nói với người học: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?(Có bạn từ xa đến viếng, chẳng mừng lắm sao?)”. Người học ắt phải có bạn, những người bạn không những gần mà còn ở xa. Những người bạn gặp nhau để trao đổi kiến thức, đàm đạo chuyện lễ nghĩa ở đời; từ đó, bạn bè học hỏi lẫn nhau. Thời xưa, có Bá Nha và Tử Kỳ, đôi bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Điều đó, không đáng mừng lắm sao? 
QUAN NIỆM CỦA KHỔNG TỬ VỀ HỌC SINH

3. Học phải suy luận. 

    Học mà không suy luận, thì kiến thức không thể mở mang. Như thế, học theo kiểu nhồi sọ như con vẹt, học nữa cũng chẳng lợi ích gì. Trong thế giới rộng lớn này, biết bao điều mới lạ bên ngoài, không tư duy, không biện chứng những điều đã và đang học, thì học đến khi nào mới cho thông, mới cho biết. Quan điểm này được Khổng Tử thể hiện rõ trong lời dạy sau: “Kẻ nào chưa uất ức vì chưa hiểu được thì ta không gợi mở cho. Kẻ nào không hậm hực vì chưa thể nói ra được thì ta chẳng hướng dẫn cho nói. Kẻ đã được ta chỉ cho một góc (vuông) mà chẳng biết tự xét ba góc kia thì ta chẳng dạy nó nữa”. Để mau tiến bộ, dù muốn hay không trò cần phải suy luận, phải biện chứng những điều mình học. Trò cần phải tìm những mối liện hệ giữa những cái đã biết đến những cái chưa biết, từ những điều dễ đến những điều khó, từ tri thức gần đến tri thức xa. Trong một lần trò chuyện với Tử Cống, Khổng Tử hỏi: “Ngươi với Nhan Hồi ai giỏi hơn?” Tử Cống đáp: “Con làm sao dám sánh với Nhan Hồi. Hồi nghe một việc thì suy ra được mười việc, con nghe một việc chỉ suy ra được hai việc thôi.” Khổng tử nói: “Chẳng bằng. Ta và ngươi chẳng bằng Hồi.” 

4. Học phải hỏi.

    Khổng tử nói với Tử Lộ (trò Do): “Này trò Do, ta dạy ngươi, có hiểu bài không? Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết. Đó là biết vậy.” Trong quá trình học, dĩ nhiên có những điều chưa biết, những điều còn mù mờ và những điều xem chừng chưa tâm đắc. Vì thế, trò rất cần thiết lời giải thích cặn kẽ của thầy. Nếu không hỏi cho kỹ, thì kiến thức chưa thông. Nếu kiến thức chưa thông thì có thể nói điều không đúng. Nếu nói điều không đúng, thì thiên hạ sẽ khinh thường trò, và chế giễu thầy. Chính vì thế, các bậc tiền nhân đã dạy con cháu “muốn giỏi phải học, muốn học phải hỏi”. 

5. Hiểu rõ nên làm, hiểu ít nên xem xét. 

    Cũng như trên đã đề cập, trò hiểu chưa sâu, biết chưa uyên thâm, nếu nói ra dễ dàng mắc sai lầm. Phải chăng nên giữ lại, tìm hiễu cho kỹ hơn, nghiên cứu sâu rộng hơn, đến khi tri thức đã chắc chắn, thì lúc ấy mới nói ra. Đây cũng là cách lấy lòng thiên hạ. Tử Trương hỏi cách học cầu bổng lộc, Khổng tử nói: “Cần nghe nhiều, điều nghi ngờ giữ lại, điều gì hiểu rõ thì nói ra, như thế ít sai lầm. Phải quan sát nhiều, giữ lại điều nghi ngờ đừng làm, chỉ làm cái điều chắc chắn, như vậy ít hối hận. Nói năng ít sai, làm ít hối hận thì bổng lộc nằm trong ấy rồi.” 

6. Học tập suốt đời. 

    Nhan Uyên ngậm ngùi than rằng: “Đạo của thầy càng ngước lên nhìn, càng thấy cao, càng nghiên cứu càng thấy sâu xa. Mới thấy phía trước, lại thấy phía sau. Thầy khéo léo dẫn giải cho ta hiểu. Thầy dùng đủ loại văn chương làm cho ta hiểu, lại dùng lễ tiết để đưa hành vi của ta vào khuôn phép, khiến ta muốn thôi cũng không được. Ta cố sức học mà vẫn thấy thầy đứng sừng sững trước mặt…Ta muốn theo đến cùng mà khó đạt yêu cầu của thầy ta”. Lê-nin cũng đồng quan điểm này với câu nói nổi tiếng “Học, học nữa học mãi”. Trong thế giới rộng lớn bao la này, kiến thức rất mênh mông, nhưng sức người có hạn, nên cái gọi là học hết, chỉ là điều phi thực tế. Chân trời tri thức không bao giờ tồn tại. Cái mình biết hôm nay sẽ trở nên lạc hậu vào ngày mai. Vạn vật trong thế giới này đều vận động và biến đổi không ngừng. Cái mới mỗi ngày ra đời, bổ sung càng nhiều vào kho tàng tri thức của loài người. Như thế, hà cớ gì con người phải dừng học. 

    Hơn hai ngàn năm, lời dạy của Khổng Tử vần còn thâm thúy cho thế hệ chúng ta đáng suy ngẫm. Tuy lời dạy này mang tính tư tưởng, chưa có cuộc nghiên cứu khoa học thực nghiệm vào thời của ông. Nhưng các nhà tâm lý học giáo dục vào thời nay như: thuyết nhận thức (cognitivism) của Jean Piaget, thuyết kết nối (connectivism) của Siemens and Downes, thuyết hành vi (behaviorism) của John B. Waston và thuyết kiến tạo (constructivism) của Jesse G. Delia đã chứng minh phương pháp dạy và học của Khổng Tử trong thực tiễn. Nhưng trên hết mọi vấn đề đó là đạo đức. Chữ “Lễ”, ý nói đạo đức, đều được đề cập đến trong hầu hết các lời dạy của ông. Giáo dục là nguồn gốc của mọi vấn đề, vì giáo dục hình thành nhân cách và nghề nghiệp cho con người. Giáo dục suy thoái thì tạo ra những con người vô đạo đức và không biết làm chuyện gì, điều đó sẽ kéo theo xã hội hỗn loạn, mất trật tự, nghèo đói và dần dần bị diệt vong. Giáo dục tốt sẽ tạo ra những tinh hoa cho xã hội, làm cho xã hội có trật tự và hưng thịnh. Do đó, giáo dục phải chính danh cái đã; mà cụ thể hai đối tượng chính là thầy và trò, phải chính danh: Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. 

Tác giả: ThS. Lư Thành Long

Nguồn tin: chalkface.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Giáo dục như ánh thái dương phản chiếu cả đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo

Pestalogi

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây