Thiết kế nội dung bài dạy theo mẫu giáo án tích hợp trong giáo dục nghề nghiệp

Thứ ba - 16/05/2017 21:34

I. Đặt vấn đề

Tháng 11 năm 2015, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức tập huấn cho các khoa sư phạm dạy nghề trên phạm vi toàn quốc về “Biên soạn giáo án và tổ chức dạy học tích hợp” theo tài liệu mới. So với các tài liệu hướng dẫn về dạy học tích hợp trước đây, tài liệu tập huấn năm 2015 có một số nội dung đã được thay đổi một cách cơ bản.

Do vậy, việc cụ thể hóa những nội dung mới trong tài liệu “Biên soạn giáo án và tổ chức dạy học tích hợp - 2015”  đề cập ở trên nhằm giúp cho đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề thuận lợi trong quá trình chuẩn bị và tổ chức giảng dạy các bài dạy nghề tích hợp, tác giả biên soạn bài viết Thiết kế nội dung bài dạy theo mẫu chung giáo án dạy học tích hợp trong giáo dục nghề nghiệp”

II. Giải quyết vấn đề

1. Một số khái niệm

1.1. Dạy học tích hợp

Trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, do đặc điểm là đào tạo nghề đáp ứng năng lực thực hiện (NLTH), dạy học tích hợp là vừa dạy nội dung lý thuyết và thực hành trong cùng một bài dạy, trên cơ sở nội dung chương trình được thiết kế theo mô đun theo định hướng phát triển năng lực, nội dung từng bài cũng được thiết kế sao cho có thể tích hợp dạy kiến thức lý thuyết và tiến hành thực hành sao cho người học được trang bị năng lực đáp ứng mục tiêu dạy học.

1.2. Bài dạy tích hợp

Bài dạy tích hợp cũng có thể có nhiều cách phát biểu khác nhau. Trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp có thể hiểu: Bài dạy tích hợp là đơn vị học tập nhỏ nhất có khả năng hình thành nơi người học cả kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để giải quyết một công việc hoặc một phần công việc chuyên môn cụ thể, góp phần hình thành năng lực thực hiện hoạt động nghề nghiệp của họ.

1.3. Nội dung bài dạy tích hợp

Trong Giáo dục nghề nghiệp, nội dung bài dạy tích hợp là kiến thức, kỹ năng và thái độ được xác định từ mục tiêu học tập của bài dạy tích hợp nhằm hình thành cho người học năng lực thực hiện một công việc hay một phần công việc của nghề.

Nội dung bài dạy tích hợp phải được xử lý và cấu trúc theo tiến trình dạy học tích hợp được thể hiện trong quan điểm dạy học án tích hợp chứ không phải sao chép một cách cơ học từ giáo trình, tài liệu.

1.4. Xây dựng/ thiết kế nội dung bài dạy tích hợp

Xây dựng/ thiết kế nội dung học tập chính là xây dựng đề cương của bài dạy, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình chuẩn bị dạy học. Bao gồm: 1)Xác định/ phân tích mục tiêu bài dạy; 2) Xác định các năng lực thành tố trong bài dạy; 3) Xác định kiến thức liên quan của các năng lực thành tố; 4) Xác định trình tự thực hiện các năng lực thành tố.

1.5. Năng lực thành tố

Năng lực thành tố là những phần hợp thành năng lực, là khả năng thực hiện được các công việc hoặc phần công việc của nghề theo các tiêu chuẩn đặt ra.

Một năng lực thành tố gắn với một tình huống nghề nghiệp và được thực hiện thông qua một quy trình nhất định, kết quả sẽ tạo ra một sản phẩm cụ thể hoặc một phần sản phẩm.

2. Các quan điểm về dạy học tích hợp

Theo yêu cầu của từng bộ môn, người ta phân ra làm 4 loại:

Quan điểm “trong nội bộ môn học” (tích hợp trong môn học): Ưu tiên các nội dung của môn học. Quan điểm này duy trì các môn học riêng rẽ.

Quan điểm “đa môn”: trong đó  đề nghị những tình huống, những đề tài có thể được nghiên cứu theo những  quan điểm khác nhau, nghĩa là theo những môn học khác nhau. Theo quan điểm này những môn học tiếp tục được tiếp cận một cách riêng rẽ và chỉ gặp nhau ở một số thời điểm trong quá  trình nghiên cứu. Như vậy môn học chưa thực sự được tích hợp.

Quan điểm “liên môn”: trong đó đề xuất những tình huống chỉ có thể tiếp cận một cách hợp lý qua sự soi sáng của nhiều môn học. Ở đây nhấn mạnh đến sự liên kết của nhiều môn làm cho chúng tích hợp với nhau để giải quyết một tình huống cho trước. Quá trình học tập sẽ không bị rời rạc mà phải liên kết với xung quanh những vấn đề cần giải quyết.

Quan điểm “xuyên môn”: chủ yếu phát triển kỹ năng mà HS có thể sử dụng trong tất cả các môn học, trong tất cả các tình huống. Những kỹ năng này gọi là kỹ năng  xuyên môn. Có thể lĩnh hội các kỹ năng này trong từng môn học hoặc nhân dịp có những hoạt động chung cho nhiều môn học.

Hiện nay, trong Giáo dục nghề nghiệp tiếp cận năng lực thực hiện nhấn mạnh quan điểm “Tích hợp dạy lý thuyết với thực hành” trong cùng một bài học.

3. Nguyên tắc thực hiện dạy học tích hợp

Dạy học theo quan điểm tích hợp phải coi mỗi bài dạy là một chỉnh thể thống nhất, trọn vẹn và hoàn chỉnh về nội dung nhằm từng bước thực hiện các mục tiêu của môn học;

Quan điểm tích hợp phải được quán triệt từ khâu xác định mục tiêu, nội dung chương trình môn học đến khâu cấu trúc bài dạy, lựa chọn PPDH và các hình thức tổ chức dạy học để thiết lập các tình huống dạy học giúp HS vừa củng cố vừa vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học ở các bộ môn.

Dạy học theo quan điểm tích hợp phải có cấu trúc mềm dẻo, linh hoạt, tạo được sự lien thông giữa các loại hình đào tạo.

4. Thiết kế nội dung bài dạy tích hợp

Căn cứ vào quan điểm, nguyên tắc dạy học tích hợp và mẫu giáo án tích hợp, các nội dung bài dạy tích hợp được xác định và cấu trúc theo tiến trình dạy học tích hợp theo trình tự sau:
 

Thiết kế nội dung bài dạy theo mẫu giáo án tích hợp trong giáo dục nghề nghiệp
Thiết kế nội dung bài dạy theo mẫu giáo án tích hợp trong giáo dục nghề nghiệp

Bước 1: Xác định/ phân tích mục tiêu bài dạy

Căn cứ chương trình đào tạo và chủ đề bài dạy để xác định các mục tiêu kiến thức, mục tiêu kỹ năng, mục tiêu thái độ đối với người học.

Những lưu ý khi viết mục tiêu bài dạy:

1) Mục tiêu phải bắt đầu bằng 1 động từ chỉ hành động. Tránh sử dụng các từ chỉ trạng thái, như: “hiểu”, “nắm”, “biết”, “có” khi viết mục tiêu.

2) Mục tiêu phải có tiêu chí để đo (tiêu chí về kỹ thuật, mỹ thuật, sự an toàn, và thời gian thực hiện...)

3) Mục tiêu phải phân định rõ mức độ nắm vững kiến thức, kỹ năng, thái độ (dựa vào các mức độ mục tiêu nhận thức, các mức độ mục tiêu kỹ năng, các mức độ mục tiêu thái độ)

Bước 2: Xác định các năng lực thành tố của bài dạy

Dựa vào mục tiêu của bài, chương trình mô đun và thực tiễn nghề nghiệp để xác định các năng lực thành tố của bài dạy;

Một năng lực thành tố gắn với 01 quy trình thực hiện, kết quả sẽ tạo ra một sản phẩm cụ thể hoặc một phần sản phẩm.

Ví dụ 1:

Tên bàiTHAY BĂNG VẾT THƯƠNG THƯỜNG CHO BỆNH NHÂN

Mục tiêu bài học:

Sau khi học xong bài này người học có khả năng:

- Phân tích được mục đích, nguyên tắc thay băng vết thường cho bệnh nhân.

- Thay băng vết thương thường cho bệnh nhân đúng quy trình, đảm bảo các nguyên tắc quy định của ngành.

- Thực hiện công việc với thái độ ân cần, cảm thông với bệnh nhân.

=> Soạn giáo án dạy năng lực thực hiện một công việc: Thay băng vết thương thường cho bệnh nhân.

Ví dụ 2:

Tên bài: THAY LỐP XE Ô TÔ KHÔNG SĂM

Mục tiêu bài học:

Sau khi học xong bài này người học có khả năng:

- Trình bày được cấu tạo và các thông số ghi trên lốp xe ô tô không săm.

- Tháo, lắp lốp xe ô tô không săm đúng qui trình và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật sau: vành xe không bị trầy, thông số ghi trên lốp mới đúng với thông số ghi trên lốp cũ, áp suất bơm lốp xe đạt 2,3 kg/cm2, bánh xe không bị xì hơi.

- Rèn luyện tính cẩn thận, chính xác, làm việc theo quy trình, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị.

=> Soạn giáo án dạy năng lực thực hiện hai năng lực thành tố:

Năng lực thành tố 1: Tháo lốp xe ô tô không săm

Năng lực thành tố 2: Lắp lốp xe ô tô không săm

Bước 3: Xác định các kiến thức liên quan của các năng lực thành tố

Chỉ xác định những kiến thức vừa đủ, liên quan đến từng năng lực thành tố (dựa vào chương trình, các giáo trình, tài liệu chuyên ngành)

Mô tả chi tiết các kiến thức liên quan bằng ngôn từ chuyên ngành, súc tích; chèn hình vẽ, hình ảnh minh hoạ (nếu có)

Bước 4: Xác định trình tự thực hiện các năng lực thành tố

Xác định các bước thực hiện các năng lực thành tố. Danh mục các bước không nên quá ngắn (2-3 bước), hoặc không nên quá dài (trên một trang)

Sắp xếp các bước thực hiện nối tiếp nhau theo một trình tự hợp lý;

Mô tả các bước, bao gồm: phương pháp thực hiện, tiêu chuẩn  thực hiện, xác định các dụng cụ, thiết bị và phương tiện, các vấn đề an toàn khi thực hiện các bước;

Xác định các sai phạm thường gặp, nguyên nhân, cách phòng và khắc phục khi thực hiện các năng lực thành tố.

Bước 5: Xác định nhiệm vụ thực hành/luyện tập

Căn cứ mục tiêu của bài dạy, điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí học tập giáo viên xác định nhiệm vụ thực hành cho người học. Bao gồm các nội dung sau:

- Xác định nhiệm vụ/ tình huống thực hành đối với cá nhân hoặc nhóm;

- Xác định các yêu cầu về an toàn, vệ sinh,...đối khi thực hành;

- Xác định thời gian thực hiện.

5. Định dạng nội dung bài dạy tích hợp

Tên bài: ....................................................................

Mục tiêu bài học:

Sau khi học xong bài này người học có khả năng:

................................................................................................................................

NỘI DUNG HỌC TẬP:

1. Năng lực thành tố 1

a) Lý thuyết liên quan (chỉ dạy những kiến thức lý thuyết vừa đủ, liên quan đến năng lực thành tố 1)

……………………..................………………………………………................

b) Trình tự thực hiện (hướng dẫn ban đầu thực hiện năng lực thành tố 1)

Bước 1: ………………..

Bước 2: ………………..

Bước n: ………………..

* Sai phạm thường gặp, nguyên nhân và cách phòng tránh, khắc phục

c) Thực hành (hướng dẫn thường xuyên thực hiện năng lực thành tố 1)

- Nhiệm vụ/ tình huống:..........................................................

- Yêu cầu về an toàn, vệ sinh,.................................................

- Thời gian:..............................................................................

 

PHIẾU HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Tên kỹ năng: ...........................................................................

Họ và tên học sinh: ……………....................Ca …..……Lớp:...……...

Thời gian: ................... ......................................... Địa điểm:.................

Trình tự thực hiện:

Tên bước

thực hiện

Hướng dẫn thực hiện

Tiêu chuẩn thực hiện

Lưu ý khi thực hiện

Thời gian

........

........

........

........

...

........

........

........

........

...

n. Năng lực thành tố n

(Các phần tương tự như thực hiện năng lực thành tố 1)

6. Kết luận

Các chương trình dạy nghề trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp được thiết kế theo quan điểm kết hợp môn học và mô đun kỹ năng hành nghề. Các mô đun được xây dựng theo quan điểm hướng đến năng lực thực hiện, tích hợp giữa lý thuyết và thực hành để người học sau khi học xong có năng lực thực hiện được công việc cụ thể của nghề nghiệp.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về tổ chức thực hiện các bài học trong các mô đun đào tạo nghề và nhu cầu cần cập nhật những kiến thức về dạy học tích hợp đối với giáo viên của các cở sở giáo dục nghề nghiệp, nội dung bài viết đã hệ thống và phân tích những khái niệm liên quan đến dạy học tích hợp, phân tích quy trình xây dựng đề cương bài dạy theo mẫu chung giáo án tích hợp để dựa vào cơ sở đó, giáo viên có thể chuẩn bị, tổ chức thực hiện các bài dạy tích hợp trong các chương trình mô đun đào tạo nghề đảm bảo tính khoa học và các yêu cầu về sư phạm kỹ thuật.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 62/2008/QĐ-BLĐTBXH, mẫu giáo án tích hợp.

2. Tổng cục Dạy nghề (2015), tài liệu bồi dưỡng về biên soạn giáo án và tổ chức dạy học tích hợp.

3. Nguyễn Văn Tuấn(2007), Phương pháp dạy học kỹ thuật chuyên ngành, NXB ĐH SPKT Tp.HCM.


Mẫu giáo án tích hợp: tải tại đây

Tác giả: ThS. Hoàng Thiếu Sơn - Trường CĐN TNDT Tây Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu

Danh ngôn

Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình

Can Jung

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây