Một số phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong tổ chức dạy học chủ đề tích hợp

Thứ hai - 06/02/2017 20:29
Bài viết tập trung đi vào các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực chủ yếu sau:
1. Dạy học giải quyết vấn đề;
2. Dạy học theo dự án;
3. Một số kỹ thuật dạy học tích cực.
Một số phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong tổ chức dạy học chủ đề tích hợp
Một số phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong tổ chức dạy học chủ đề tích hợp
A. DẠY HỌC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Để học sinh có thể tự chủ, tích cực trong các hoạt động học tìm tòi xây dựng kiến thức và vận dụng kiến thức của học sinh, giáo viên cần tổ chức tiến trình dạy học giải quyết vấn đề theo các pha, pháng theo tiến trình tìm tòi, khám phá để xây dựng, bảo vệ tri thức mới trong nghiên cứu khoa học. Tiến trình dạy học này gồm 3 pha:
Pha thứ nhất: Chuyển giao nhiệm vụ, bất ổn hoá tri thức phát biểu vấn đề
Pha thứ hai: Học sinh hành động độc lập, tự chủ, trao đổi tìm tòi giải quyết vấn đề
Pha thứ ba: Tranh luận, thể chế hoá, vận dụng tri thức mới.
Có thể thấy mối quan hệ giữa tiến trình dạy học giải quyết vấn đề với tiến trình tìm tòi, khám phá trong nghiên cứu khoa học ở sơ đồ dưới đây:
Tiến trình dạy học giải quyết vấn đề có thể thấy ở các phương pháp dạy học tích cực. Trong các phương pháp dạy học truyền thống cũng có thể áp dụng thuận lợi dạy học giải quyết vấn đề như thuyết trình, đàm thoại để giải quyết vấn đề.
Tiến trình dạy học giải quyết vấn đề là cơ sở để giáo viên vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực một cách hiệu quả.
Sự khác nhau giữa dạy học truyền thống và dạy học theo hướng tích phát huy tính tích cực của người học
Sự khác nhau giữa dạy học truyền thống và dạy học theo hướng tích phát huy tính tích cực của người học

B. DẠY HỌC THEO DỰ ÁN
1. Khái niệm
Dạy học theo dự án là một kiểu tổ chức dạy học, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực tiễn, thực hành, tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện.
2. Phân loại
Dạy học theo dự án có thể được phân loại theo nhiều phương diện khác nhau. Sau đây là một số cách phân loại:
2.1. Phân loại theo chuyên môn
- Dự án trong một môn học: trọng tâm nội dung nằm trong một môn học.
- Dự án liên môn: trọng tâm nội dung nằm ở nhiều môn học khác nhau.
2.2. Phân loại theo quỹ thời gian
- Dự án nhỏ: thực hiện trong một số giờ học, có thể từ 2 - 6 giờ học.
- Dự án trung bình: dự án trong một hoặc một số ngày (“ngày dự án”), nhưng giới hạn là một tuần hoặc 40 giờ học.
- Dự án lớn: dự án thực hiện với quỹ thời gian lớn, tối thiểu là một tuần (hay 40 giờ học), có thể kéo dài nhiều tuần (“tuần dự án”) hay cả năm.
2.3. Phân loại theo nhiệm vụ
- Dự án tìm hiểu: là dự án khảo sát thực trạng đối tượng.
- Dự án nghiên cứu: nhằm giải quyết các vấn đề, giải thích các hiện tượng, quá trình.
- Dự án thực hành: có thể gọi là dự án kiến tạo sản phẩm, trọng tâm là việc tạo ra các sản phẩm vật chất hoặc thực hiện một kế hoạch hành động thực tiễn, nhằm thực hiện những nhiệm vụ như trang trí, trưng bày, biểu diễn, sáng tác.
- Dự án hỗn hợp: là các dự án có nội dung kết hợp các dạng nêu trên.
3. Đặc điểm của dạy học dự án
Có ba đặc điểm cốt lâi của dạy học theo dự án: định hướng người học, định hướng thực tiễn và định hướng sản phẩm.
Trong dạy học theo dự án, dự án được tập trung vào những câu hỏi hay những vấn đề định hướng cho người học để tiếp xúc với những khái niệm và nguyên lí trọng tâm của môn học. Điều này thường được thực hiện thông qua bộ câu hỏi định hướng.
Bộ câu hỏi định hướng gồm câu hỏi khái quát (Essential Question), câu hỏi bài học (Lesson Question) và câu hỏi nội dung (Content Question). Trong đó, câu hỏi khái quát và câu hỏi bài học thuộc loại câu hỏi mở. Loại câu hỏi mở có nhiều hơn một phương án đúng nhằm phát triển năng lực tư duy bậc cao. Loại câu hỏi nội dung chỉ có một phương án đúng duy nhất, còn gọi là câu hỏi đóng.
4. Tiến trình tổ chức dạy học dự án
4.1. Giai đoạn 1: Thiết kế dự án
4.1.1. Xác định mục tiêu
Giáo viên nên bắt đầu thiết kế dự án bằng việc nghĩ đến các sản phẩm cuối cùng. Giáo viên cần xác định những gì học sinh phải biết và có thể làm được khi dự án kết thúc. Cụ thể, giáo viên cần xác định mục tiêu dự án từ chuẩn kiến thức bài học và các kĩ năng cơ bản, những kĩ năng tư duy bậc cao và những kĩ năng thế kỉ XXI và những năng lực mà bài học tích hợp hướng tới.
4.1.2. Xây dựng ý tưởng dự án - thiết kế các hoạt động
Hoạt động dự án phải thiết kế sao cho đáp ứng được các nhu cầu hoạt động và nghiên cứu của người học đối với môn học, liên hệ với thực tiễn cuộc sống của học sinh. Khi soạn kế hoạch hành động, giáo viên cần phát triển những kịch bản dự án sao cho chúng có thể đem lại những trải nghiệm học tập phong phú cho học sinh. Kịch bản cho một dự án hay sẽ đặt người học vào những vai năng động. Một kịch bản hay cần:
- Đặt ra cho học sinh những nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực hoạt động, phải có ớ nghĩa;
- Có tính thực tiễn;
- Nhắm đến các chuẩn kiến thức và kĩ năng và bám sát mục tiêu dạy học.
4.1.3. Xây dựng bộ câu hỏi định hướng
Giáo viên xây dựng bộ câu hỏi định hướng để hướng dẫn dự án và giúp học sinh tập trung vào những ý tưởng quan trọng và những khái niệm mấu chốt của bài học. Câu hỏi khái quát phải thú vị, độc đáo, lôi cuốn người học.
4.1.4. Lập kế hoạch đánh giá và xây dựng các tiêu chí đánh giá
Giáo viên lập lịch trình đánh giá để đánh giá việc học của học sinh vào những thời điểm khác nhau trong suốt dự án. Trước khi tiến hành dự án, giáo viên có thể thiết kế một số câu hỏi để đánh giá nhu cầu về kiến thức và kĩ năng của học sinh liên quan đến dự án sắp thực hiện và nội dung bài học. Trong quá trình thực hiện dự án, giáo viên có thể thiết kế một số công cụ đánh giá để khuyến khích học sinh tự định hướng, đánh giá sự tiến bộ của các em như: bộ câu hỏi định hướng, phiếu quan sát nhóm, phiếu phản hồi bạn học, phiếu tự đánh giá và đánh giá nhóm, tiêu chí đánh giá sản phẩm dự án… Sau khi kết thúc dự án, giáo viên tiến hành đánh giá tổng kết quá trình thực hiện dự án của các nhóm qua sản phẩm mà các em làm được.
4.1.5. Xây dựng nguồn tài nguyên tham khảo
Giáo viên có thể xây dựng nguồn tài nguyên hỗ trợ để đảm bảo việc tìm kiếm thông tin của học sinh đúng hướng, đúng mục tiêu đã đặt ra. Tài nguyên hỗ trợ học sinh thực hiện dự án có thể là sách, báo, website…
4.2. Giai đoạn 2: Tiến hành dạy học theo dự án
Dạy học theo dự án theo các bước sau:
Bước 1: Hướng dẫn học sinh xác định mục tiêu và thảo luận ý tưởng dự án
Bước 2: Đánh giá nhu cầu, kiến thức người học trước khi thực hiện dự án
Bước 3: Chia nhóm và lập kế hoạch thực hiện dự án
Bước 4: Học sinh thực hiện dự án theo kế hoạch đã đặt ra
4.3. Giai đoạn 3: Kết thúc dự án
Học sinh tổ chức trình bày sản phẩm dự án trong phạm vi lớp học hoặc trong nhà trường, ngoài xã hội tuỳ thuộc vào quy mô của dự án. Sản phẩm dự án rất đa dạng tuỳ thuộc vào ý tưởng và kịch bản dự án, có thể là bài thuyết trình, tờ rơi, báo tường, website, vật phẩm cụ thể, phóng sự, phim… Giáo viên và các học sinh còn lại cùng dựa vào các tiêu chí đánh giá sản phẩm để đánh giá phần trình bày của nhóm bạn và sau đó cùng nhau rút kinh nghiệm, tổng kết lại nội dung bài học.
C. MỘT SỐ KỸ THUẬT DẠY HỌC TÍCH CỰC
1. Kỹ thuật KWL
(K: Know - Những điều đã biết; W: Want to know - Những điều muốn biết; L: Learned - Những điều đã học được)
1.1. Khái niệm
Là bảng liên hệ các kiến thức liên quan đến bài học, các kiến thức muốn biết và các kiến thức học được sau bài học.
1.2. Cách tiến hành
Sau khi giới thiệu bài học, mục tiêu bài học, giáo viên phát phiếu học tập “KWL”. Kỹ thuật này có thể thực hiện cho cá nhân hoặc nhóm học sinh theo mẫu sau:
Loại bảng này dùng để khơi gợi lại những kiến thức đã học của học sinh bằng cách hỏi về những gì đã biết về bài học và giúp các em liên hệ với bản thân trước khi tìm hiểu sâu hơn về nội dung bằng việc đưa ra các ớ kiến trong cột “K”. Sau đó, các em độc lập hoặc hợp tác động não đưa ra các câu hỏi trong cột “W”. Cuối cùng, khi trả lời những câu hỏi này trong quá trình học, các em thu nhận thông tin và điền vào cột “L”.
2. Kỹ thuật 5W1H
2.1. Khái niệm
5W1H là sáu từ dùng để hỏi trong tiếng Anh: What (Cái gì) Where (Ở đâu), When (Khi nào), Who (Ai), Why (Tại sao), How (Thế nào). Kỹ thuật này xuất phát từ một bài thơ của nhà văn, nhà thơ người Anh Joseph Rudyard Kipling.
Kỹ thuật này thường được dùng cho các trường hợp khi cần có thêm ý tưởng mới hoặc xem xét nhiều khía cạnh của vấn đề, chọn lựa ý tưởng để phát triển.
2.2. Cách thực hiện
Để trình bày một ý tưởng, tóm tắt một sự kiện, một cuốn sách hoặc bắt đầu nghiên cứu một vấn đề, hãy tự đặt cho mình những câu hỏi như: WHAT? (Cái gì?), WHERE (Ở đâu?), WHEN (Khi nào?), WHY (Tại sao?), HOW (Như thế nào?), WHO (Ai?).
2.3. Ưu, nhược điểm
Ưu điểm:
- Nhanh chóng, không mất thời gian, mang tính logic cao.
- Có thể áp dụng cho nhiều tình huống khác nhau.
Nhược điểm:
- Ít có sự phối hợp của các thành viên.
- Dễ dẫn đến tình trạng “9 người 10 ý”.
- Dễ tạo cảm giác “bị điều tra”.
3. Kỹ thuật 3 lần 3
3.1. Khái niệm
Kỹ thuật “3 lần 3” là một kỹ thuật lấy thông tin phản hồi nhằm huy động sự tham gia tích cực của học sinh.
3.2. Cách tiến hành
Học sinh được yêu cầu cho ý kiến phản hồi về một vấn đề nào đó (nội dung buổi thảo luận, phương pháp tiến hành thảo luận…). Mỗi người cần viết ra: 3 điều tốt, 3 điều chưa tốt, 3 đề nghị cải tiến. Sau khi thu thập ý kiến, giáo viên xử lí và tổ chức thảo luận về các ý kiến phản hồi.
3.3. Ưu điểm
Sử dụng kỹ thuật này, giáo viên có thể kiểm soát được các hoạt động của buổi báo cáo, tránh trường hợp mất trật tự, thiếu tập trung của học sinh. Đồng thời rèn luyện cho học sinh kĩ năng lắng nghe, góp ý tích cực.
4. Kỹ thuật thu, nhận thông tin phản hồi
4.1. Khái niệm
Kỹ thuật này hỗ trợ giáo viên và học sinh thực hiện khâu đánh giá quá trình trong quá trình dạy học, giúp giáo viên có thể hỗ trợ học sinh khi cần thiết, giúp học sinh tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân và tiến độ làm việc của nhóm mình để điều chỉnh các hoạt động kịp thời, hợp lí. Thông tin phản hồi trong quá trình dạy học là giáo viên và học sinh cùng nhận xét, đánh giá, đưa ra ớ kiến đối với những yếu tố cụ thể có ảnh hưởng tới quá trình học tập nhằm mục đích là điều chỉnh quá trình dạy và học.
Những đặc điểm của việc đưa ra thông tin phản hồi tích cực là: có sự cảm thông, có kiểm soát, cụ thể, không nhận xét về giá trị, đúng lúc, có thể biến thành hành động, cùng thảo luận, khách quan.
4.2. Quy tắc trong việc đưa thông tin phản hồi
- Diễn đạt ý kiến một cách đơn giản và có trình tự (không nói quá nhiều);
- Cố gắng hiểu được những suy tư, tình cảm (không vội vã);
- Tìm hiểu các vấn đề cũng như nguyên nhân của chúng;
- Giải thích những quan điểm không đồng nhất;
- Chấp nhận cách thức đánh giá của người khác;
- Chỉ tập trung vào những vấn đề có thể giải quyết được trong thời điểm thực tế;
- Coi cuộc trao đổi là cơ hội để tiếp tục cải tiến;
- Chỉ ra các khả năng để lựa chọn.
4.3. Ví dụ
Trong quá trình học hay thực hiện các dự án học tập, giáo viên yêu cầu mỗi học sinh ghi phản hồi trong sổ tay những thông tin sau: Tôi làm việc tốt nhất khi…, tôi làm tốt nhất trong những hoạt động…, tôi thích làm việc với người khác khi…, vấn đề tôi thích nhất đó là…, phần thú vị nhất của dự án này là…, tôi thích học thêm về…, điều khó khăn nhất với tôi đó là …, tôi cần trợ giúp về… nhằm hỗ trợ học sinh khi cần thiết và giúp học sinh tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân.
5. Kỹ thuật sơ đồ tư duy
5.1. Khái niệm
Sơ đồ tư duy (còn được gọi là bản đồ tư duy) là một cách trình bày rõ ràng những ý tưởng mang tính kế hoạch hay kết quả làm việc của cá nhân hay nhóm về một chủ đề bằng hình ảnh, màu sắc, các từ khoá và các đường dẫn.
5.2. Cách làm
- Viết tên chủ đề ở trung tâm, hay vẽ một hình ảnh phản ánh chủ đề.
- Từ chủ đề trung tâm, vẽ các nhánh chính. Trên mỗi nhánh chính viết một khái niệm, phản ánh một nội dung lớn của chủ đề, viết bằng CHỮ IN HOA. Nhánh và chữ viết trên đó được vẽ và viết cùng một màu. Nhánh chính đó được nối với chủ đề trung tâm. Chỉ sử dụng các thuật ngữ quan trọng để viết trên các nhánh.
- Từ mỗi nhánh chính vẽ tiếp các nhánh phụ để viết tiếp những nội dung thuộc nhánh chính đó. Các chữ trên nhánh phụ được viết bằng chữ in thường.
- Tiếp tục như vậy ở các tầng phụ tiếp theo.
5.3. Ứng dụng của bản đồ tư duy
- Tóm tắt nội dung, ôn tập một chủ đề.
- Trình bày tổng quan một chủ đề.
- Chuẩn bị ý tưởng cho một báo cáo hay buổi nói chuyện, bài giảng.
- Thu thập, sắp xếp các ý tưởng.
- Ghi chép khi nghe bài giảng.
5.4. Ưu điểm của bản đồ tư duy
- Các hướng tư duy được để mở ngay từ đầu.
- Các mối quan hệ của các nội dung trong chủ đề trở nên rõ ràng.
- Nội dung luôn có thể bổ sung, phát triển, sắp xếp lại.
- Học sinh được luyện tập phát triển, sắp xếp các ý tưởng.

Nguồn tin: Internet, http://gdnn.edu.vn tổng hợp và hệ thống hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Thầy giáo bình thường giải thích những rắc rối, thầy giáo có năng khiếu tiết lộ sự đơn giản

Robert Brault

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây