Bản hiến chương soi sáng những nền giáo dục đang trưởng thành

Chủ nhật - 05/08/2018 02:08
Cách đây đã nửa thế kỷ, cái ngày 20/11 hàng năm thuở ấy chúng tôi gọi là ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”, mặc dù cũng không ai được nhìn thấy bản Hiến chương đó.
Bản hiến chương soi sáng những nền giáo dục đang trưởng thành
Bản hiến chương soi sáng những nền giáo dục đang trưởng thành

Năm nay, những ngày này, tôi chợt nhận ra rằng, mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết nội dung của Hiến chương này!  

Tôi tìm kiếm... Và khi đọc, tôi càng ngạc nhiên hơn, không hiểu vì sao, hình như người ta đã và đang như bỏ quên một văn kiện quan trọng nhất đối với các nhà giáo tiến bộ trên toàn thế giới.

Năm 1946, ở Paris, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập mang tên: “Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục” (Féderation International Syndicale des Enseignants) viết tắt là FISE.

Ba năm sau đó - năm 1949, tại Warszawa, thông qua một hội nghị quốc tế, FISE  đã xây dựng một bản The Teachers' charter - Hiến chương các nhà giáo, gồm 15 chương,

Công đoàn giáo dục Việt Nam là thành viên của FISE từ năm 1953. Còn Hiến chương các nhà giáo được thông qua vào những ngày 9-11/8 năm 1954, tại hội nghị lần thứ XIX của Liên hiệp quốc tế các công đoàn nhà giáo tại Moscow.

Sau đó, từ ngày 26-30/8/1957, tại Warszawa, hội nghị FISE gồm 57 nước tham dự, trong đó bao gồm Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Bạn đọc có thể tham khảo Hiến chương các nhà giáo qua bản dịch như dưới đây. 

Hiến chương các nhà giáo
Hiến chương các nhà giáo

Lời mở đầu

Các nhà giáo thực hiện một chức trách quan trọng trong xã hội, vì giáo dục trẻ em là một vấn đề cốt tử, không chỉ cần cho sự phát triển cá nhân, mà còn cho sự tiến bộ của toàn xã hội. Nghề dạy học đặt cho người thầy những trách nhiệm, và những trách nhiệm này đòi hỏi những quyền tương ứng. Các nhà giáo cần có quyền thực hiện một cách tự do toàn bộ những quyền dân sự và nghề nghiệp.

Thừa nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục, nhà giáo phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập.

Điều 1. Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là phải tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển khả năng, chăm lo quá trình giáo dục và đào tạo, luôn hướng tới việc hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa con người với nhau.

Điều 2. Quyền của nhà giáo không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, màu da, không phụ thuộc vào niềm tin và định kiến cá nhân, miễn là họ không áp đặt niềm tin và định kiến ​​của mình cho trẻ.

Nhà giáo không  bị  phạt nếu việc giáo dục học sinh tuân thủ các quy định ở Điều 1.

Điều 3. Nhà giáo có quyền có các thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống lại quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ công việc và nghề nghiệp của họ. Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được thực thi để chống lại các quyết định tùy tiện về tuyển dụng, tập sự, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật bãi nhiệm.

Điều 4. Liên quan đến chương trình học và thực hành giáo dục, sự tự do sư phạm và tự do chuyên môn của nhà giáo phải được tôn trọng, các sáng kiến ​​cần được khuyến khích, đặc biệt trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy và sách giáo khoa, cũng như trong việc nghiên cứu các vấn đề sư phạm và chuyên môn, thông qua đại diện nhà giáo.

Điều 5. Nhà giáo phải có quyền tự do tham gia tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức ấy phải có quyền đại diện cho nhà giáo trong mọi hoàn cảnh.

Điều 6. Tất cả các nhà giáo phải có quyền được đào tạo về mặt học thuật và chuyên môn theo các tiêu chuẩn cao nhất có thể, bao gồm cả những yêu cầu về giáo dục để có thể theo học ở bậc đại học.

Hoàn cảnh xã hội và tài chính không được trở thành một rào cản để ngăn cấm một sinh viên theo học để trở thành nhà giáo.

Điều 7.  Nhà giáo cần được tạo cơ hội để tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên môn. Họ có quyền tham gia các khóa học bổ trợ với sự hỗ trợ tài chính ở mức cần thiết, kể cả việc tạo điều kiện đặc biệt để họ có thể tham quan, trao đổi ở nước ngoài, nhằm giúp họ có kiến ​​thức thực tế về cuộc sống của chính họ ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Điều 8. Nhà giáo được hưởng tiền lương phù hợp với tầm quan trọng của chức năng xã hội và giáo dục mà họ đảm nhận, để có thể cống hiến hoàn toàn cho nghề nghiệp mà không phải lo lắng về tài chính.

Đối với những nhà giáo có trình độ và thâm niên công tác ngang nhau, cần áp dụng nguyên tắc trả lương công bằng, công việc như nhau thì lương cũng như nhau, không phân biệt.

Điều 9. Nhà giáo được nghỉ có lương trong toàn bộ thời gian nghỉ của trường học, được nghỉ ốm có lương và hưởng chế độ trợ cấp đầy đủ, kể cả trợ cấp cho góa phụ, trẻ em và người phụ thuộc.

Điều 10.  Nhà giáo có quyền được làm việc trong điều kiện thích hợp, với các trang thiết bị cần thiết và quy mô các lớp học đủ nhỏ để giảng dạy hiệu quả.

Điều 11. Trang thiết bị trường học không nên phụ thuộc vào địa vị xã hội của học sinh cũng như thể loại trường mà chỉ phụ thuộc vào mục đích hay nhu cầu giáo dục. Các trường cần được cung cấp nơi ăn ở phù hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên đủ trình độ, có thể đảm đương các dịch vụ chuyên biệt được giao như chăm sóc y tế và nha khoa, cung cấp bữa ăn tại trường và giáo dục thể chất. 

Trường học cũng cần có các phòng thí nghiệm, phòng hội thảo và thư viện.

Điều 12. Nhà trường cần đóng góp vào sự phát triển nhân cách. Một nguyên tắc nhân đạo, phù hợp với lòng tự trọng của cả học sinh và nhà giáo, là phải loại trừ áp bức và bạo lực.

Điều 13. Trẻ em lệch lạc về hành vi cần được giảng dạy trong các lớp học đặc biệt nhằm điều chỉnh càng sớm càng tốt để các em có thể vào lớp học bình thường và có cuộc sống bình thường.

Trẻ khuyết tật về thể chất không thể tham gia vào hoạt động học đường bình thường cần được giáo dục trong các trường đặc biệt, bằng các phương pháp phù hợp với đặc điểm và tình trạng khuyết tật của các em.

Điều 14. Cần hỗ trợ các nghiên cứu giáo dục tại các cơ sở giáo dục, nơi mà các thực nghiệm về phương pháp có thể được tiến hành trong điều kiện thích hợp, nhằm có thể đẩy mạnh tiến bộ của lý thuyết và thực hành về giáo dục. Cần có dịch vụ thông tin để công bố các kết quả nghiên cứu.

Điều 15. Thông qua đại diện do mình bầu, nhà giáo cần có cơ hội để xây dựng các chính sách nhằm cải thiện hoạt động quản lý các trường học và thực thi nghề nghiệp của mình.

Hiến chương các nhà giáo, hiển hiện như một trong những văn bản tinh hoa, được soạn thảo bởi những cá nhân ưu việt, thấm nhuần những tư tưởng giáo dục tiến bộ, những giá trị vĩnh hằng, được sản sinh ra từ các nền giáo dục văn minh và từng trải.

Nó không phụ thuộc vào thể chế chính trị, hay tôn giáo, sắc tộc nào cả. Chắc chắn nó như một ngọn hải đăng, soi sáng, hướng đạo cho mọi nền giáo dục, nhất là những nền giáo dục còn đang trưởng thành.

Không biết các nhà giáo và giáo dục Việt Nam đã làm những gì để đáp ứng một trong những tiêu chí được đề ra trong bản hiến chương: “Thừa nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục, nhà giáo phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập”.

Hay không biết Điều 8 đến bao giờ mới trở thành hiện thực?...

Hy vọng tiến trình giáo dục nước nhà là một lộ trình luôn tương thích với mọi tiêu chí của bản Hiến chương mang tính phổ quát này. 

Và vì nội dung của Hiến chương như đã nói thay ước vọng của biết bao thế hệ học trò cũng như các nhà giáo trên toàn thế giới, nên tôi xét thấy không cần phải bình luận gì thêm. 

Tôi mong muốn bản Hiến chương này cần phải được coi là một trong những văn bản quan trọng nhất, và cần được phổ biến sâu rộng ở mọi cơ sở giáo dục.

Tác giả: Dương Quốc Việt

 Tags: mặc dù

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Phải tôn kính thầy dạy mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng tử tế

Philoxêne De Cythêrê

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Bạn biết gì về GDNN.EDU.VN

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây