Tiếp cận đào tạo giáo viên dạy nghề theo chuẩn năng lực thực hiện

Thứ bảy - 21/01/2017 20:55
Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 8- Khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định những biện pháp quan trọng để phát triển đội ngũ nhà giáo: “Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo” và “Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp”.
Tiếp cận đào tạo giáo viên dạy nghề theo chuẩn năng lực thực hiện
Tiếp cận đào tạo giáo viên dạy nghề theo chuẩn năng lực thực hiện
 
Tiếp cận đào tạo giáo viên dạy nghề theo chuẩn năng lực thực hiện

Trong đào tạo, tiếp cận đào tạo theo năng lực là xu hướng phát triển và là phương pháp tiên tiến đang được áp dụng trong giáo dục nghề nghiệp các nước phát triển và nhiều nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên đây là vấn đề mới, vì vậy cần có những nghiên cứu sâu, trao đổi rộng rãi và thực nghiệm khoa học trước khi đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.
1. Một số khái niệm liên quan 
 1.1. Khái niệm về năng lực, năng lực thực hiện 
 William Blank phát biểu “Năng lực của con người thể hiện ở khả năng thực hiện. Chỉ có tri thức không thôi sẽ ít có giá trị”. Như vậy có thể hiểu:
 - Sự thực hiện là: Một quy trình có thể quan sát được, đòi hỏi cả kiến thức, kỹ năng và thái độ để làm một việc gì đó theo tiêu chuẩn thực hiện được chấp nhận và đem lại một sản phẩm, dịch vụ hay một quyết định (Quy trình là các bước được thực hiện theo một trình tự thích hợp để hoàn thành một kỹ năng). 
 - Tiêu chuẩn thực hiện được chấp nhận: Tiêu chuẩn này thường xuất phát từ thực tế sản xuất, kinh doanh. Tiêu chuẩn có thể là mức độ chất lượng của sản phẩm hoặc thời gian đòi hỏi để hoàn thành một kỹ năng hoặc bao gồm cả 2 nội  dung trên.
 - Năng lực thực hiện (NLTH) là khả năng thực hiện được các hoạt động (nhiệm vụ, công việc) trong nghề theo tiêu chuẩn đặt ra đối với từng nhiệm vụ và công việc đó. NLTH là các kĩ năng, kiến thức, thái độ đòi hỏi đối với một người để thực hiện hoạt động có kết quả các công việc trong một nghề. Như vậy NLTH  bao gồm: Các kĩ năng thực hành, giao tiếp, giải quyết vấn đề và các kĩ năng trí tuệ; thể hiện đạo đức nghề nghiệp; khả năng thích ứng để thay đổi; khả năng áp dụng kiến thức của mình vào thực hiện công việc; khả năng làm việc cùng với  người khác trong tổ, nhóm v.v....
 Khái niệm NLTH bao gồm tất cả các khía cạnh của sự thực hiện công việc và bao gồm:  Sự thực hiện ở một trình độ chấp nhận được của kỹ năng;  Tổ chức việc hoàn thành các công việc; Tuân thủ và phản ứng lại một cách thích hợp khi có vấn đề sai hỏng;  Hoàn thành đầy đủ vai trò của mình theo tiến độ công việc; Vận dụng các kiến thức và kỹ năng vào các tình huống ...
 1.2. Chuẩn năng lực  
Khái niệm rộng về năng lực liên quan đến khả năng của một cá nhân thực hiện nhiệm vụ được giao theo các tiêu chuẩn của vị trí làm việc. NLTH không phải là kỹ năng riêng mà nó là sự kết hợp với kiến thức và thái độ của cá nhân đó để có thể thực hiện trong môi trường hoạt động nghề nghiệp.
Chuẩn năng lực là các thông số yêu cầu đối với một cá nhân được thể hiện bằng văn bản tại môi trường làm việc. Các chuẩn năng lực được phân ra hai loại:
 - Các năng lực cơ bản là năng lực chung, không liên quan đến kỹ thuật, và cần thiết để thực hiện thành công trong bất cứ việc làm nào. Nó là các năng lực và hành vi cốt lõi quyết định chất lượng kết quả công việc. Những năng lực này tạo thành một phần của tiêu chuẩn năng lực và có thể mở rộng sự áp dụng theo vai trò công việc được giao của cá nhân. Theo ILO, đây không phải là mô tả kỹ thuật của công việc cụ thể, nhưng là năng lực cơ sở cho một cá nhân để làm việc có hiệu quả và hiệu suất.
 - Các năng lực cốt lõi là năng lực chuyên biệt và cụ thể cho một việc làm. Đây là những kiến thức, kỹ năng và thái độ cụ thể về kỹ thuật mà một người phải có để thực hiện công việc theo các tiêu chuẩn về thời gian, số lượng và chất lượng đã được thiết lập.
 2. Tiếp cận đào tạo dựa trên chuẩn năng lực 
Theo William E.Blank trong đào tạo theo NLTH thì: (i) Các tiêu chuẩn dựa trên kết quả  đầu ra (chính là các NLTH) luôn luôn được sử dụng làm cơ sở để lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá quá trình cũng như kết quả học tập; (ii) Đào tạo theo NLTH gắn rất chặt chẽ với nhu cầu của người sử dụng lao động và các tiêu chuẩn của công nghiệp.
Theo John Collum thì: Đặc điểm của đào tạo theo NLTH là định hướng đầu ra, người có NLTH là người: (i) Có khả năng làm được gì (liên quan tới nội dung chương trình đào tạo); (ii) Có thể làm được tốt như mong đợi (liên quan tới việc đánh giá kết quả học tập của người học).  John Collum cho rằng hai  thành phần chủ yếu của hệ thống đào tạo theo NLTH là: (i) Dạy và học các NLTH; (ii) Đánh giá và xác nhận các NLTH.
Như vậy có thể thấy rằng: Điều quan trọng nhất trong đào tạo theo NLTH là học viên phải đạt được tiêu chuẩn thực hiện công việc được đề ra ngay từ đầu. Quá trình học tập, thời gian cần thiết để tiếp thu được năng lực và địa điểm đào tạo chỉ có vị trí quan trọng thứ hai. 
Đào tạo theo năng lực thực hiện sẽ tạo ra khả năng công nhận kiến thức đã có: công nhận các kỹ năng nghề cụ thể có được theo cách nào, dù là – đào tạo chính quy hay không chính quy – cũng không quan trọng, miễn là học viên có thể thực hiện công việc đạt tiêu chuẩn quy định thì năng lực đó vẫn được công nhận và được cấp chứng chỉ. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp xác định được những khiếm khuyết trong đào tạo và như vậy, học viên sẽ dễ dàng hơn trong việc đào tạo, tự đào tạo nâng cao hoặc bồi dưỡng kỹ năng của mình và duy trì khả năng làm việc bền vững trong hoạt động nghề nghiệp. 
 2.1. Cấu trúc chuẩn năng lực 
 Theo Nguyễn Đăng Trụ cấu trúc chuẩn năng lực  được xác định thông qua:
1. Tên đơn vị năng lực - là một mô tả phạm vi các hoạt động, kiến thức, kĩ năng và thái độ và sản phẩm mong đợi, quyết định hoặc dịch vụ. 
2. Mô tả đơn vị năng lực – là một phát biểu rõ ràng và chính xác bao phủ được đơn vị năng lực bao gồm các kiến thức, kĩ năng và thái độ. Mô tả cung cấp thông tin bổ sung liên quan tới mục đích của đơn vị năng lực. 
3. Thành tố năng lực - mô tả các hoạt đông hoặc kết quả do một giáo viên dạy nghề làm việc với một đơn vị năng lực cụ thể có thể trình diễn và đánh giá được.
4. Tiêu chí thực hiện - là các phát biểu về mức độ yêu cầu của sự thực hiện hoặc hoạt động đã được thực hiện tốt như thế nào. Mức độ yêu cầu của sự thực hiện sẽ cung cấp bằng chứng về năng lực đã đạt được.
5. Tiêu chí đánh giá/ Hướng dẫn bằng chứng - là các phát biểu chắc chắn liên quan tới các tiêu chí thực hiện. Nó dẫn dắt người đào tạo và người đánh giá tới bối cảnh và phạm vi thích hợp của việc áp dụng năng lực. Hướng dẫn bằng chứng phải cho thấy một cách cụ thể rằng năng lực thiết yếu được trình diễn phù hợp với thực tế dạy-học hiện tại, các yêu cầu về sức khỏe và an toàn, các qui trình giao tiếp, thái độ nghề nghiệp v.v... Nó giúp xác định các khía cạnh quan trọng nào của bằng chứng nhất thiết phải trình diễn. Nó cũng chỉ ra phương pháp đánh giá thích hợp nhất để đạt được bằng chứng.
2.2. Nguyên tắc đào tạo theo chuẩn năng lực
Một trong những nguyên tắc quan trọng của cách tiếp đào tạo theo năng lực  là tập trung vào kết quả, hiệu quả hay kết quả học tập chứ không phải quá trình học tập. Những kết quả này phải thể hiện bằng những con số cụ thể, được xác định ngay trong quá trình phân tích và phải được công bố rộng rãi và dễ tiếp cận. Có như thế các cơ sở đào tạo nghề, chủ sử dụng lao động hay người lao động mới có thể tiếp cận những tiêu chuẩn này.
Tiếp cận đào tạo theo chuẩn năng lực cho giáo viên dạy nghề (GVDN) dựa trên nguyên tắc: 
- Tiêu chuẩn năng lực được xây dựng trên cơ sở khung trình độ GVDN;
- Tiêu chuẩn năng lực là tiêu chuẩn tối thiểu cho mỗi cấp trình độ GVDN;
- Các năng lực GVDN được xác định bằng phương pháp phân tích chức năng”;
- Tích hợp/lồng ghép kiến thức với kĩ năng trong các tiêu chuẩn năng lực GVDN;
- Tiêu chuẩn năng lực GVDN định hướng làm được và đánh giá khách quan;
2.3. Trọng tâm và yêu cầu  đào tạo giáo viên  theo chuẩn năng lực  
Đào tạo theo chuẩn năng lực đặt trong tâm vào: 
- Việc giải quyết vấn đề, hơn là tập trung vào giải quyết nội dung; 
- Việc đánh giá kết quả học tập của học viên dựa vào các tiêu chí và tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên; 
- Sự thành công của chương trình đào tạo giáo viên được đánh giá theo tỉ lệ người tốt nghiệp được hành nghề dạy học, hơn là dựa trên tỷ lệ  tốt nghiệp đạt khá giỏi.
Yêu cầu đào tạo theo chuẩn năng lực 
Đào tạo theo chuẩn năng lực  đòi hỏi cơ sở đào tạo giáo viên phải thay đổi các quy trình và những cơ chế liên quan tới:  
- Xây dựng chương trình: các cơ sở đào tạo giáo viên phải có khả năng xác định và áp dụng chương trình đào tạo theo NLTH;
- Phải cấu trúc lại chương trình đào tạo, cũng như cách tổ chức quá trình đào tạo;
- Phải thay đổi hoàn toàn quy trình đánh giá và kiểm tra để có thể tiến hành đánh giá các NLTH qua hành động của giáo viên trong các môi trường thay đổi;
- Phải thay đổi hoàn toàn cách bố trí lớp học và xưởng thực hành sao cho giống với điều kiện làm việc thực tế;
- Ngoài ra cũng cần thay đổi quy trình dạy và học, các quy trình giải quyết vấn đề đang  trở thành tiêu chuẩn trong cách tổ chức đào tạo theo NLTH.
2.4. Đặc điểm về tổ chức, quản lí quá trình dạy học theo chuẩn năng lực  
- Hoàn thành chương trình đào tạo khi chứng tỏ là đã thông thạo tất cả các NLTH được xác định trong chương trình, không phụ thuộc vào thời lượng (số giờ hay tiết học) thực học;
-  Người học có thể học theo khả năng và nhịp độ của riêng mình và không phụ thuộc vào người khác. Do vậy, người học có thể vào học và kết thúc việc học ở những thời điểm khác nhau; 
-  Hồ sơ học tập của người học được ghi chép, lưu trữ. Người học được phép chuyển tiếp hoặc ra khỏi chương trình mà không cần học lại những NLTH mà họ đã thông thạo, được công nhận và tích luỹ bằng các tín chỉ.
2.5. Lợi ích đào tạo giáo viên dạy nghề theo chuẩn năng lực
Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên  phương pháp đào tạo dựa trên năng lực mang lại những ưu điểm sau: 
- Các cơ sở đào tạo giáo viên  sẽ linh hoạt hơn trong việc tổ chức đào tạo theo yêu cầu của các cơ sở đào tạo  hoặc nhu cầu đào tạo của người học;
- Các cơ sở đào tạo giáo viên  có thể phản ứng kịp thời và có những giải pháp đào tạo phù hợp  với yêu cầu thay đổi,  
- Hoạt động đào tạo sẽ linh hoạt hơn và có nhiều cơ hội đào tạo hơn, nhất là trong  học tập suốt đời.

Tác giả: TS. Phan Chính Thức

Nguồn tin: Tạp chí Nghiên cứu Khoa học dạy nghề

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên

Gôlôbôlin

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây