Một số giải pháp nâng cao kỹ năng nghề của nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Chủ nhật - 15/01/2017 07:36
1. Kỹ năng nghề và một số yếu tố ảnh hưởng để hình thành và phát triển kỹ năng nghề trong đào tạo 
Một số giải pháp nâng cao kỹ năng nghề của nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Một số giải pháp nâng cao kỹ năng nghề của nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Kỹ năng thể hiện ở việc thực hiện một hoạt động, một công việc hoặc một việc làm nào đó đạt các mức độ thuần thục khác nhau với các tiêu chuẩn quy định, dựa trên cơ sở những kiến thức, thao tác đã được tích lũy và được đánh giá bằng chính sản phẩm họ làm ra.

 Cũng giống như mọi nghề khác, để làm nghề người lao động cần phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn của nghề, nhưng đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn kỹ thuật thì cần phải có kỹ năng sư phạm. Vì vậy đào tạo trở thành nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có thêm những yêu cầu riêng và cao hơn đối với đào tạo các nghề khác.

Kỹ năng nghề xem như tài sản có được của mỗi con người sau quá trình định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề nghiệp và sự thích ứng với nghề. Vì vậy phát triển kỹ năng nghề được xác định bởi các yếu tố cơ bản sự lựa chọn nghề phù hợp với những tố chất tiềm năng của bản thân, chất lượng đào tạo nghề mà họ đạt được và hoạt động nghề tại nơi làm việc để họ phát triển nghề nghiệp. Do vậy một số yếu tố ảnh hưởng để hình thành và phát triển kỹ năng nghề trong đào tạo trở thành nhà giáo tại cở sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm:

Một là: Giáo dục và tuyên truyền nghề. Giáo dục nghề nghiệp trong công tác hướng nghiệp là sự tác động có mục đích, có kế hoạch vào thế hệ trẻ, làm cho họ hiểu về nghề, hiểu được nhu cầu về nghề giáo viên dạy nghề, qua đó mà hình thành hứng thú và khuynh hướng với nghề nghiệp. Bên cạnh đó hoạt động tuyên truyền về đặc điểm nghề nghiệp, phạm vi ứng dụng nghề nghiệp, tầm quan trọng của nghề nghiệp là nhân tố hình thành khuynh hướng nghề nghiệp.

Hai là: Tư vấn nghề nghiệp. Tư vấn nghề nghiệp có tầm quan trọng không chỉ với cá nhân mà với cả sự phát triển xã hội; nên cần tiến hành với từng cá nhân học sinh nhằm đảm bảo sự phù hợp trong mối quan hệ: Cá nhân - nghề nghiệp - xã hội. Để phát hiện và đánh giá những năng lực về nhiều mặt của học sinh nhằm giúp các em chọn nghề có hiểu biết và phù hợp với các em. Thông qua tư vấn nghề nghiệp, học sinh có những hiểu biết về nghề, từ đó xác định nghề nghiệp cho bản thân một cách phù hợp; nghĩa là chọn nghề có căn cứ khoa học và phù hợp với sự vận động, phát triển của xã hội.

Ba là: Tuyển chọn nghề. Tuyển chọn vào đào tạo trở thành nhà giáo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp là sự xác định mức độ phù hợp giữa các yếu tố:
+ Xác định về mặt sức khỏe;
+ Xác định lứa tuổi;
+ Xác định nguyện vọng của người xin học;
+ Xác định năng lực và các phẩm chất khác... xem có phù hợp với các nghề cần đào tạo cho họ hay không.

Bốn là: Bằng mọi biện pháp tác động tạo sự thích ứng với nghề diễn ra trong các nội dung:
- Kiến thức cơ sở nghề, kiến thức chuyên môn, kiến thức sư phạm kỹ thuật;
- Kỹ năng cơ bản và chuyên môn nghề, kỹ năng sư phạm kỹ thuật; 
- Thái độ và tác phong nghề nghiệp.

Năm là: Môi trường tập sự và làm việc sau khi ra trường.

2. Kỹ năng nghề của giáo viên yếu tố chủ đạo cho việc hình thành và phát triển kỹ năng nghề của người học còn hạn chế
- Chất lượng đào tạo nghề nghiệp nói chung, kỹ năng nghề của người học sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thất nghiệp (không có việc làm đúng nghề được đào tạo) trong những năm gần đây.
- Trong bối cảnh hội nhập các nước trong khu vực ASEAN và thế giới, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh đó, kỹ năng nghề của người được đào tạo là thế mạnh để có thể có được việc làm tốt.
- Kỹ năng nghề của nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển kỹ năng nghề của người học. Tuy nhiên kỹ năng nghề của giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với nhà giáo dạy lý thuyết tham gia dạy thực hành và dạy tích hợp. Từ sơ đồ mô tả các loại hình đào tạo trở thành giáo viên dạy nghề cho thấy, giáo viên dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyển chọn từ các cơ sở đào tạo rất khác nhau và tạo nên sự đa dạng và phong phú về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp. Theo sơ đồ mô tả thì có 6 loại hình đào tạo trở thành giáo viên dạy nghề, tuy nhiên có thể thống nhất quy về 2 loại mô hình cơ bản đó là:
+ Mô hình đào tạo nối tiếp: Trong mô hình này ưu tiên đào tạo chuyên môn và kĩ năng nghề, sau đó mới đào tạo bổ sung nghiệp vụ sư phạm dạy nghề.
+ Mô hình đào tạo song song: Là sự Kết hợp đào tạo kiến thức chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp với nghiệp vụ sư phạm trong quá trình đào tạo nguồn lực giáo viên nghề.

Một số giải pháp nâng cao kỹ năng nghề của nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Sơ đồ mô tả các loại hình đào tạo giáo viên dạy nghề

Hai mô hình đào tạo giáo viên nghề đã nêu trên đều có những điểm tích cực nhưng cũng bộc lộ một số nhược điểm đó là:
Hầu hết giáo viên dạy nghề đều được tốt nghiệp từ các trường đại học (một số ít từ các trường cao đẳng, công nhân bậc cao, nghệ nhân…), thực tế là, các giáo viên này được đào tạo theo chương trình của các trường đại học không thiết kế cho việc đào tạo để phục vụ công tác giảng dạy và dạy nghề nên phần nhiều là kiến thức lý thuyết, nghiên cứu và lý luận; thời lượng dành cho thực hành ít, chủ yếu tập trung ở giai đoạn thực tập công nhân và thực tập tốt nghiệp (chưa phân tích đến yếu tố ở bậc đại học đào tạo theo chuyên ngành rộng), vì vậy, rất khó có thể giúp sinh viên (các giáo viên dạy nghề sau này) hình thành được kỹ năng nghề và có một kiến thức sư phạm nhất định (ngoại trừ các trường sư phạm kỹ thuật, công nhân bậc cao, nghệ nhân…). Những bất cập này càng rõ hơn với các nghề đặc thù, các lĩnh vực mới mà trong giai đoạn học đại học, sinh viên chưa được tiếp cận. Mặt khác khi tốt nghiệp đại học về giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng không có điều kiện để thực hành nâng cao tay nghề và kỹ năng thực hành, quá trình tổ chức dạy thực hành, giáo viên chỉ làm thao tác mẫu ở giai đoạn hướng dẫn. Với thực trạng như vậy, chất lượng giảng dạy về thực hành khó có thể bảo đảm. Người thầy có thể giúp học sinh hình thành kỹ năng trong giai đoạn thực hành cơ bản tại trường. Tuy nhiên, với điểm xuất phát thực tế như vậy, giáo viên khó có thể đạt được chuẩn kỹ năng nghề như mong muốn sau vài năm giảng dạy.

3. Kỹ năng nghề của giáo viên trong bối cảnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp
Để thực hiện hội nhập sâu rộng với thế giới trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp, trước khi có Luật GDNN, theo sự định hướng và chỉ đạo của Tổng cục Dạy nghề, nhiều chương trình khung đã được biên soạn theo hướng các modul tích hợp, ưu tiên chú trọng về thời lượng thực hành. Tuy nhiên, do còn có những bất cập như đã phân tích, nên việc giảng dạy theo chương trình mới chưa đạt được hiệu quả như bản chất của nó. Cùng với việc thiếu hụt về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy… giáo viên chủ yếu vẫn thực hiện theo phương pháp cũ (dạy lý thuyết xong cho thực hành cơ bản và gửi đi thực tập sản xuất ngoài hiện trường).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Thông tư số 30/2010/TT-BLĐTBXH, ngày 29 tháng10 năm 2010 Quy định chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề. Về cơ bản, Thông tư đã phần nào giúp các trường có cơ sở tuyển chọn, cũng như đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ, song trên thực tế để triển khai thực hiện đánh giá được chuẩn kỹ năng nghề cho giảng viên, giáo viên còn có những hạn chế: số nghề được đánh giá kỹ năng chưa phủ các nghề đang đào tạo. Về yêu cầu “…thực hiện thành thạo các kỹ năng của nghề được phân công giảng dạy” là chưa khả thi và khó thực hiện. Vì để có thể hình thành được kỹ năng nghề và thành thạo các kỹ năng, người học hoặc giáo viên cần phải trải qua nhiều giai đoạn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố thời gian luyện tập và điều kiện thực tập là quan trọng. Để đào tạo một học sinh Cao đẳng nghề hoặc Trung cấp nghề có được kỹ năng nghề của bậc thợ tương ứng khi ra trường, học sinh được học thực hành khoảng 60 - 70% tổng thời lượng chương trình, tức bằng 1,0 năm/1,5 năm đối với Trung cấp nghề và 1,7 năm/2,5 năm đối với Cao đẳng nghề. Trong khi đó, như đã phân tích, giáo viên mới tốt nghiệp từ các trường Đại học không thể có đủ thời gian thực tập như học viên Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề. Mặt khác, kể từ khi về trường giảng dạy, quá trình tổ chức dạy thực hành, giáo viên chỉ làm thao tác mẫu ở giai đoạn hướng dẫn. Với điểm xuất phát và thực tế như vậy, liệu giáo viên có thể đạt được chuẩn kỹ năng nghề như mong muốn sau vài năm giảng dạy; Việc đánh giá kỹ năng nghề cho các giáo viên dạy thực hành và dạy tích hợp là cần thiết, tuy nhiên sẽ rất khó thực hiện và không phản ánh khách quan trình độ kỹ năng nghề của giảng viên, giáo viên. Vì vậy, chúng ta cần có giải pháp nâng cao kỹ năng nghề ngay từ khâu đào tạo nguồn giáo viên dạy nghề.

4. Giải pháp nâng cao kỹ năng nghề của nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
4.1. Giải pháp chung
Xây dựng và phát triển năng lực đội ngũ giáo viên GDNN nói chung và kỹ năng nghề của giáo viên GDNN nói riêng phải được các cơ quan chức năng, cơ sở GDNN triển khai đồng bộ 4 giải pháp: 
- Phát triển và nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên GDNN
- Tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá đối với giáo viên GDNN. 
- Nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề, năng lực sư phạm dạy nghề, cập nhật công nghệ mới và thực tế sản xuất cho giáo viên GDNN.
-Xây dựng các chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có cơ chế thu hút doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hành. Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tiếp nhận giáo viên dạy thực hành, nhưng chưa có quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp trong việc tham gia nâng cao trình độ kĩ năng cho giáo viên GDNN, chưa quy định mức độ chịu trách nhiệm và chế tài xử lý cũng như quyền lợi của doanh nghiệp với riêng vấn đề này.

4.2. Giải pháp cụ thể
*Về khâu đào tạo giáo viên GDNN
- Cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm kỹ thuật theo hướng xây dựng trường đa ngành nghề; đổi mới chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất cho các các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, liên kết với các cơ sở sản xuất để các giáo sinh có điều kiện thực tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sư phạm khi ra trường đủ điều kiện là nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Trao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở xây dựng định mức đào tạo giáo viên GDNN mỗi năm, quy định về kiểm tra, giám sát sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDNN.
- Tổ chức nhiều diễn đàn hợp tác quốc tế về nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực đào tạo giáo viên GDNN, xây dưng chính sách thu hút sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế trong việc đào tạo giáo viên GDNN tại Việt Nam; Việc tăng cường trao đổi giáo viên giữa các cơ sở GDNN trong và ngoài nước cần được quan tâm.

*Sắp xếp, kiện toàn; đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên GDNN tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Sắp xếp, kiện toàn các cơ sở GDNN theo hướng tập trung giảm bớt đầu mối để có điều kiện đầu tư, bảo đảm về cơ sở vật chất thiết bị, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
- Tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giáo viên GDNN, thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên GDNN trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và năng lực của cán bộ, giáo viên, có cơ chế thay thế khi không đáp ứng yêu cầu. Ưu tiên tuyển chọn giáo viên có trình độ sau đại học, sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy từ loại khá trở lên; gắn quy hoạch với việc bố trí sử dụng sau đào tạo, bồi dưỡng.
- Tăng cường việc đào tạo lại, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDNN theo kế hoạch đã được xây dựng. Nội dung gồm: đào tạo lại, bồi dưỡng đạt chuẩn trình độ chuyên môn, kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề; đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm nghề.
- Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ cho đội ngũ giáo viên GDNN về chính trị, đổi mới phương pháp đào tạo, kỹ năng giảng dạy, bồi dưỡng công nghệ mới, ngoại ngữ, tin học để nâng cao năng lực, chất lượng giảng dạy.

*Về chuẩn kỹ năng nghề và đánh giá kỹ năng nghề cho giảng viên, giáo viên GDNN
- Xây dựng được các tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp riêng cho giáo viên. Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề này cần được nghiên cứu xây dựng dựa trên chức năng nhiệm vụ của giáo viên GDNN; phương pháp đào tạo lấy hoạt động học làm trung tâm; kết quả phân tích các công việc của nghề nghiệp; yêu cầu về kỹ năng cho từng công việc; tính chất và lĩnh vực giảng dạy các nghề đặc thù… Bên cạnh đó, phương pháp đánh giá cũng cần phải có cơ sở khoa học, tránh biến những kỳ đánh giá chuẩn kỹ năng nghề cho giáo viên thành những kỳ thi nâng bậc như đối với những công nhân trước mỗi kỳ nâng bậc.
- Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.Nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải định kỳ đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với nghề đào tạo thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sản phẩm thực tập của giáo viên tại cơ sở sản xuất, dịch vụ là cơ sở đánh giá kỹ năng nghề của Nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Tăng cường và tổ chức tốt các hội thi, hội giảng các cấp đối với Nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động này không những tạo phong trào thi đua trong giảng dạy và học tập trao đổi năng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ mà cũng là thước đo đánh giá năng lực của nhà giáo, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Nhà giáo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp.

Kết luận
Năm 2020, Tổng cục Dạy nghề dự tính có khoảng 170.000 giáo viên làm việc ở các cơ sở GDNN. Trong đó: Giáo viên dạy hệ sơ cấp là 18.000 người, hệ trung cấp: 79.000 người, cao đẳng: 72.000 người. 100 % giáo viên dạy các nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và ASEAN được bồi dưỡng đạt chuẩn. Đây là mục tiêu đặt ra trong công tác đổi mới và phát triển giáo viên trong giai đoạn 2016 - 2020 của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh via Xã hội) mới được công bố trong tháng 12/2015 tại Hà Nội.
Nếu thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ chắc chắn kỹ năng nghề của Nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được nâng cao, với chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được cải thiện sẽ là là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

Tài liệu tham khảo
1.Trần Hùng Lượng, (2005), Đào tạo – bồi dưỡng năng lực sư phạm kỹ thuật cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, Nxb Giáo dục.
2. Báo cáo dạy nghề Việt Nam năm 2013 và năm 2014 
3. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
4. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
5. Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020.
6. Quốc hội, (2014), Luật Giáo dục học nghề nghiệp. Nxb Sự thật, Hà Nội.

Tác giả: TS. Nguyễn Đức Hỗ - Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề

Nguồn tin: Tạp chí Khoa học dạy nghề số 31 tháng 4/2016

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Danh ngôn

Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được

Usinxki

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây