Một số ý kiến về đổi mới công tác đào tạo trong cơ sở dạy nghề

Thứ ba - 24/01/2017 01:58
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo trong các cơ sở dạy nghề đang là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập
Một số ý kiến về đổi mới công tác đào tạo trong cơ sở dạy nghề
Một số ý kiến về đổi mới công tác đào tạo trong cơ sở dạy nghề
I. Tại sao phải đổi mới ?
Hiện nay cơ bản các cơ sở dạy nghề vẫn đào tạo theo phương pháp truyền thống, còn gọi là phương pháp tiếp cận theo nội dung. Theo phương pháp này, chương trình đào tạo  bao gồm các môn học lý thuyết và thực hành tương ứng với các bộ môn khoa học. Mục tiêu sau khi học người học phải nắm được nội dung của các môn học có trong chương trình. Phương pháp dạy và học: thầy giảng hoặc làm mẫu (thực hành), trò nghe nghi nhớ thuộc hoặc làm theo. Hình thức tổ chức dạy học theo lớp học, cả lớp học như nhau cùng một chương trình, cùng vào cùng ra. Kiểm tra đánh giá yêu cầu học sinh phải nhớ, thuộc nội dung (lý thuyết) hoặc làm theo đúng mẫu (thực hành). Cách tiếp cận này có ưu điểm là nội dung các môn học được trình bày theo logic khoa học chặt chẽ và chính xác, tài liệu phong phú, độ tin cậy cao, giáo viên dễ ràng truyền tải nội dung môn học cho người học. Tuy nhiên, cách tiếp cận truyền thống có nhiều nhược điểm, trong đó hai nhược điểm chính là:
Một là, không gắn chặt với yêu cầu của người sử dụng lao động, đa số người học sau khi tốt nghiệp tuy có kiến thức, kỹ năng, thái độ nhưng lại không vận dụng được để thực hiện các nhiệm vụ của nghề nghiệp, phải mất nhiều thời gian mới quen được công việc. Có một số năng lực và phẩm chất rất cần như: năng lực thích nghi, giải quyết vấn đề, làm việc tập thể, tư duy sáng tạo, linh hoạt, khả năng lực tự học và một số phẩm chất như tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, tính trung thực,… chưa đươc đưa vào trong chương trình, người học rất khó hội nhập và phát triển nghề nghiệp. Do kiến thức của các bộ môn khoa học ngày càng tăng, chương trình đào tạo có xu hướng ngày càng xa rời thực tế của nghề đào tạo, chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
 
Hai là, phương pháp dạy học một chiều, ít quan tâm đến người học, giáo viên giảng là chính, người học ghi nhớ, làm theo một cách thụ động làm cho người học trở lên trì trệ, thiếu sáng tạo. Quá trình học, người học ít được trao đổi, ít thông tin phản hồi về sự tiến bộ của bản thân, giờ học trở nên nhàm chán. Trình độ đầu vào của người học rất khác nhau về kinh nghiệm và năng lực nhưng đều phải học một chương trình như nhau, cách kiểm tra đánh giá dễ dẫn đến học tủ, học lệch, học đối phó,…
 
II. Đổi mới theo mô hình nào?
Phương pháp tiếp cận theo năng lực trong đào tạo hiện đang được sử dụng ở hầu hết các nước phát triển và một số nước đang phát triển. Cách tiếp cận theo năng lực ban đầu được áp dụng cho đào tạo nghề sau đó, nó đã được áp dụng trong cả lĩnh vực giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Phương pháp tiếp cận theo năng lực tích hợp được ưu điểm của các cách tiếp cận khác và khắc phục được hầu hết nhược điểm của phương pháp truyền thống. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới giáo dục đào tạo cũng nêu rõ mục tiêu “…chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học…”. Để có thể hội nhập, học tập kinh nghiệm của các nước đi trước cũng như để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW các cơ sở dạy nghề nên tìm hiểu và áp dụng phương pháp tiếp cận theo năng lực.
Mô hình giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực chú trọng tới khả năng áp dụng các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ để thực hiện các nhiệm vụ, công việc trong nghề nghiệp hoặc trong cuộc sống. Có nhiều cách phân loại, nhưng đa phần năng lực được phân thành 3 loại: Năng lực cốt lõi (năng lực đọc, viết, tính toán,… được hình thành qua giáo dục phổ thông), năng lực cơ bản (năng lực giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, sáng tạo, giao tiếp…), năng lực nghề nghiệp (là những năng lực để thực hiện nhiệm vụ cụ thể của một nghề).
  Mục tiêu đào tạo là sau khi tốt nghiệp người học phải có được các năng lực đủ để thực hiện các nhiệm vụ của nghề và có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Một số ý kiến về đổi mới công tác đào tạo trong cơ sở dạy nghề

III. Một số yếu tố quan trọng để thực hiện đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực
 
1. Quyết tâm của người đứng đầu cơ sở dạy nghề
Đây là điều kiện tiên quyết, nếu người đứng đầu cơ sở dạy nghề không có quyết tâm cao thì không thể có đổi mới. Người đứng đầu cơ sở dạy nghề phải tìm hiểu kỹ nội hàm của phương pháp tiếp cận mới, xác định cơ hội và thách thức, có niềm tin và khát khao đổi mới, lan tỏa tinh thần đổi mới tới mọi người. Nếu người đứng đầu cơ sở dạy nghề còn băn khoăn thì tạm thời chưa tiến hành đổi mới, không nên làm chỉ vì chạy theo phong trào, theo thành tích, làm như thế sẽ thất bại.
 
2. Vai trò của chuyên gia tư vấn và các nguồn lực bên ngoài
Đây là vấn đề mới, ban đầu nên mời chuyên gia am hiểu và có kinh nghiệm về đào tạo theo năng lực, sau đó có thể mời thêm chuyên gia nghề và chuyên gia sư phạm. Việc mời được đội ngũ chuyên gia giỏi có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng nội lực của cơ sở dạy nghề mới là yếu tố quyết định. Vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của cơ sở phải hết sức chủ động để tiếp nhận và làm chủ công nghệ đào tạo mới. Ngoài ra phải huy động tối đa các nguồn lực khác: như các kết quả của các dự án đã và đang thực hiện (các bộ chương trình, tài liệu, kinh nghiệm...), cơ sở vật chất của các doanh nghiệp, của các đối tác…. Không một cơ sở dạy nghề nào có đủ ngay các nguồn lực để đổi mới, việc huy động các nguồn lực bên ngoài là cần thiết, các nguồn lực bên ngoài cùng với các nguồn nội lực sẽ nâng cao năng lực của trường.
 
3. Vai trò của đội ngũ giáo viên
Giáo viên là lực lượng chính thực hiện tất cả các khâu của quá trình đào tạo, vì vậy họ là yếu tố quyết định. Cách đào tạo truyền thống đã ăn sâu vào từng giáo viên cho nên khi thay đổi không tránh khỏi tư tưởng băn khoăn e ngại, trong khi đó đổi mới toàn diện là một công việc vô cùng khó khăn gian khổ đòi hỏi phải kiên trì, phải hành động quyết liệt, nếu tư tưởng không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đổi mới. Theo phương pháp tiếp cận mới, giáo viên cần được bồi dưỡng để có được hệ thống các năng lực đáp ứng yêu cầu của công nghệ dạy học mới, trước hết họ phải được bồi dưỡng về một số vấn đề quan trọng sau:
- Phương pháp học hiệu quả: với cách dạy và học mới, người học phải tự học, tự tìm hiểu rất nhiều, vì vậy giáo viên phải hướng dẫn cho người học cách học tập hiệu quả. Tuy nhiên đa phần giáo viên chỉ mới được bồi dưỡng về cách dạy, do đó phải bồi dưỡng phát triển năng lực học tập để giáo viên có thể hỗ trợ hình thành năng lực học tập cho người học. Năng lực học tập rất quan trọng đối với sự hình thành các năng lực khác cũng như sự phát triển của mỗi người.
- Năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề: theo phương pháp đào tạo mới giáo viên phải hết sức linh hoạt và sáng tạo, trong quá trình đào tạo phải đề ra được cũng như phải giải quyết được nhiều tình huống thực tế. Năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề có tác dụng rất nhiều cho việc hình thành các năng lực khác, vì vậy nó là năng lực cần phát triển cho người học.
- Năng lực tổ chức hoạt động dạy và học: theo cách đào tạo mới, các bài học chủ yếu là bài tích hợp, phương pháp dạy và học là phương pháp lấy người học làm trung tâm, việc tổ chức các hoạt động dạy và học có rất nhiều điểm khác biệt so với dạy học truyền thống, giáo viên phải được bồi dưỡng cả về thiết kế và thực hiện bài học. Thay đổi cách dạy cách học là một trong các công việc quan trọng nhất của quá trình đổi mới.
  - Năng lực đánh giá: đánh giá là một trong các trụ cột của phương pháp đào tạo mới, đánh giá năng lực là đánh giá đa chiều, đánh giá theo tiêu chí, tiêu chuẩn. Giáo viên phải đánh giá đầu vào, đánh giá tiến bộ trong quá trình hình thành năng lực, đánh giá tổng kết đồng thời cũng phải hướng dẫn người học biết tự đánh giá.
- Bồi dưỡng về phương pháp tiếp cận theo năng lực: tất cả giáo viên phải được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về phương pháp tiếp cận mới để nắm rõ nhưng điểm khác so với phương pháp truyền thống, ưu điểm nổi bật của phương pháp cũng như các vấn đề mà giáo viên cần phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của đổi mới.
Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng phải thực chất, tránh hình thức. Tổ chức làm nhiều đợt kết hợp nghiên cứu thảo luận tập chung (từ 01 buổi đến 03 ngày) và tự nghiên cứu, các lớp đều phải giao đề tài, bài tập ứng dụng… Ngoài các năng lực trên giáo viên còn phải hoàn thiện nhiều năng lực khác.
 
4. Xây dựng đề án đổi mới công tác đào tạo
  Sau khi xem xét, nếu người đứng đầu cơ sở dạy nghề quyết định tiến hành đổi mới thì việc đầu tiên là xây dựng đề án đổi mới công tác đào tạo. Đề án là một công trình khoa học phải được xây dựng công phu, phải tham khảo ý kiến đóng góp rộng rãi của toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở dạy nghề, để tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện đề án. Đổi mới đào tạo theo cách tiếp cận mới là đổi mới toàn diện, vì vậy phải xác định các vấn đề mới, đánh giá đúng thực trạng, những khó khăn, thuận lợi, khả năng huy động các nguồn lực. Phân chia ra nhiều giai đoạn, xác định mục tiêu cho từng giai đoạn, đề ra các giải pháp và nhiệm vụ, các trọng tâm, trọng điểm và kế hoạch hành động cụ thể.
Trong quá trình xây dựng đề án cần chú ý tới hai điểm tựa xuyên suốt của phương pháp tiếp cận theo năng lực là: Đào tạo theo yêu cầu thực tiễn và đào tạo lấy người học làm trung tâm. Cũng cần chú ý rằng việc thực hiện đề án sẽ diễn ra trong thời gian dài, cái mới và cái cũ đan xen nhau, phải có giải pháp đưa dần cái mới thay cái cũ. Cũng phải đưa ra một số kịch bản để có thể linh hoạt trong chỉ đạo thực hiện đề án./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
  2. Công nghệ giáo dục kỹ thuật và dạy nghề (2002), Quèbec.
  3. Hướng dẫn xây dựng chương trình đào tạo dựa trên năng lực (2010), Đại học công nghệ Quensland Brisbane Australia.
  4.  Nguyễn Văn Tuấn (2010), Phương pháp dạy học tích hợp.
  5. Trần khánh Đức (2013), Nhu cầu về xây dựng mô hình đào tạo theo năng lực trong lĩnh vực giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Vũ xuân Hùng (2016), Về hệ thống năng lực dạy học của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tiếp cận năng lực thực hiện, Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề.

Tác giả: Nguyễn văn An - Nguyên Hiệu trưởng trường CĐN Cơ khí Nông nghiệp

Nguồn tin: tcdn.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi

Ngạn ngữ Trung Quốc

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây