Lựa chọn phương pháp tổ chức dạy học thực hành nghề

Thứ ba - 16/05/2017 21:24

Các phương pháp tổ chức dạy học thực hành nghề được xây dựng dựa trên cơ sở quan sát giáo viên làm mẫu và thực hiện tự lực của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên nhằm hoàn thành các bài tập, các công việc thuộc chuyên ngành. Qua đó, hình thành cho người học các kỹ năng, kỹ xảo mà người công nhân phải thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp thực tiễn.

Lựa chọn phương pháp tổ chức dạy học thực hành nghề phù hợp mục tiêu, nội dung và tính chất của bài dạy
Lựa chọn phương pháp tổ chức dạy học thực hành nghề phù hợp mục tiêu, nội dung và tính chất của bài dạy

Thông thường, một quá trình dạy học thực hành nghề trải qua 3 giai đoạn: 1)giai đoạn chuẩn bị, 2)giai đoạn thực hiện và 3)giai đọan kết thúc. Riêng trong giai đoạn thực hiện, các phương pháp tổ chức dạy học cụ thể được vận dụng một cách khoa học tuỳ thuộc vào mục tiêu, nội dung và  tính chất của bài dạy. Các phương pháp tổ chức dạy học thực hành chủ yếu được xây dựng dựa theo quan điểm của Thuyết hành vi của D.Watson (Behavioral theories – D.Watson), lấy việc lặp đi lặp lại nhiều lần các thao, động tác kết hợp quá trình tư duy để hoàn thiện dần các các thao, động tác, từ đó hình thành kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp.

Đối với giai đoạn thực hiện trong quá trình tổ chức các bài dạy, có 3 phương pháp tổ chức dạy học cơ bản: Phương pháp tổ chức dạy thực hành 4 bước, phương pháp tổ chức dạy thực hành 3 bước và phương pháp tổ chức dạy thực hành 6 bước.

Trong quá trình tổ chức các bài dạy thực hành, căn cứ vào mục tiêu, nội dung và  tính chất của các bài dạy, giáo viên sẽ lựa chọn, vận dụng phù hợp các phương pháp tổ chức dạy học đối với một bài thực hành cụ thể nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, nâng cao hiệu quả của bài dạy.

1. Khái quát các loại bài dạy thực hành nghề

Bài dạy thực hành là loại bài học phổ biến trong đào tạo nghề nghiệp, tuỳ mục tiêu và tính chất của hoạt động dạy và hoạt động học, trong quá trình đào tạo nghề thường có các loại bài học sau:

1.1. Bài thực hành cơ bản: Là loại bài học được thực hiện ở trong xưởng trường nhằm giúp HSSV luyện tập hình thành các kỹ năng cơ bản của nghề nghiệp.

1.2. Bài thực hành nâng cao: Là loại bài học nhằm giúp cho HS-SV luyện tập những kỹ năng chuyên sâu cho nghề nghiệp sau này.

1.3. Bài thực hành sản xuất: Là loại bài học có tính chất và nội dung học tập gắn với môi trường thực tiễn, được thực hiện ở trong xưởng trường hoặc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

2. Thực trạng phương pháp tổ chức dạy học thực hành nghề tại Trường

Các chương trình dạy nghề đang sử dụng hiện nay được xây dựng bao gồm: 1) các mô đun đào tạo kỹ năng nghề cơ bản, 2) các mô đun đào tạo kỹ năng nghề nâng cao và 3) mô đun thực tập sản xuất. Theo khoa học sư phạm dạy nghề, căn cứ vào mục tiêu, nội dung và  tính chất của các bài dạy trong các mô đun đề cập ở trên giáo viên phải lựa chọn, vận dụng phù hợp các phương pháp tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, nâng cao hiệu quả của bài dạy.

Thực tế hiện nay, phương pháp tổ chức các bài học trong các mô đun đào tạo kỹ năng nghề cơ bản và trong các mô đun đào tạo kỹ năng nghề nâng cao chưa có sự phân biệt rõ ràng, các bài dạy được tổ chức theo chu trình cơ bản là giống nhau. Do vậy, quá trình tổ chức các bài học chưa thật sự phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.
 

Lựa chọn phương pháp tổ chức dạy học thực hành nghề phù hợp mục tiêu, nội dung và tính chất của bài dạy
Lựa chọn phương pháp tổ chức dạy học thực hành nghề phù hợp mục tiêu, nội dung và tính chất của bài dạy

 3. Các phương pháp tổ chức dạy học thực hành

3.1. Phương pháp tổ chức dạy học thực hành 4 bước

Phương pháp tổ chức dạy thực hành 4 bước được xây dựng dựa trên quan điểm của thuyết hành vi và được tổ chức thành 4 bước, có sự trình diễn của giáo viên. Phương pháp này tuân thủ theo nguyên tắc giáo viên diễn trình làm mẫu, học sinh làm theo và sau đó tiến hành luyện tập.

Phương pháp 4 bước là một phương pháp quan trọng trong dạy thực hành, đặc biệt thích hợp để giảng dạy các bài thực hành cơ bản.

Kiểu phương pháp dạy thực hành 4 bước có cấu trúc như sau:

Bước 1:  Thông tin mở đầu bài dạy

- Ổn định lớp, tạo không khí học tập;

- Gây động cơ học tập;

- Cung cấp thông tin khái quát về bài thực hành, những kiến thức sơ bộ;

- Xác định các nhiệm vụ của HS, các tiêu chuẩn chất lượng (kỹ thuật, quy trình, thời gian);

- Kiểm tra sự chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu của HS.

 Bước 2:  Giáo viên làm mẫu và giải thích

- Đảm bảo cho toàn bộ HS có thể quan sát được.

- Làm mẫu với với tốc độ vừa phải theo trình tự lôgic kết hợp với giảng giải/ giải thích cách thực hiện cụ thể, ngắn gọn, tránh rườm rà.

- Đặt câu hỏi trong khi làm mẫu nhằm thúc đẩy sự suy nghĩ và lôi kéo sự chú ý của HS vào những điểm chính.

- Nhấn mạnh những điểm chính.

- Một thao tác có thể được làm mẫu một vài lần nếu cần thiết.

Bước 3:  Học sinh làm lại và giải thích

Mục đích của bước này là kiểm tra sự tiếp thu của HS những nội dung vừa quan sát. Nội dung của bước này là:

- HS mô tả lại các bước công việc vừa được quan sát.

- HS làm lại các bước công việc cùng với giải thích.

- GV kiểm tra, điều chỉnh các thao tác cho HS.

Bước 4:  Học sinh luyện tập

 Mục đích của bước này là HS luyện tập kỹ năng. Nội dung của bước này là: HS luyện tập; GV giám sát, kiểm tra, giúp đỡ HS.

Sau khi học sinh đã nắm vững về cách thức thực hành, giáo viên có thể cho học sinh tiến hành thực hành theo nhóm, tổ hay cá nhân và giáo viên tiếp tục theo dõi để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn điều chỉnh sửa chữa kịp thời, cũng như giải đáp những thắc mắc mà học sinh đưa ra trong quá trình thực hành.

3.2. Kiểu phương pháp dạy thực hành 3 bước (thực hành theo quy trình)

Khi HS đã có một số những kỹ năng về hoạt động của nghề, nhằm luyện tập những kỹ năng cao hơn hoặc những kỹ năng cơ bản thì GV sử dụng phương pháp dạy thực hành 3 bước. Kiểu phương pháp dạy thực hành 3 bước có cấu trúc như sau:

Bước 1:  Thông tin mở đầu bài dạy

- Ổn định lớp, tạo không khí học tập;

- Gây động cơ học tập;

- Cung cấp thông tin khái quát về bài thực hành, những kiến thức sơ bộ;

- Xác định các nhiệm vụ của HS, các tiêu chuẩn chất lượng (kỹ thuật, quy trình, thời gian);

- Xác định các yêu cầu về chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu.

 Bước 2:  Trình bày lý thuyết và những điều kiện về bài thực hành

- GV trình bày nội dung lý thuyết về công việc thực hành: Trình bày sơ đồ nguyên lý, các bản vẽ kỹ thuật, công nghệ gia công,...

-  GV trình bày quy trình hướng dẫn luyện tập. Quy trình hướng dẫn luyện tập có nhiều dạng, song cần phải có những nội dung cơ bản sau:

+ Các điều kiện cần thiết cho việc thực hành;

+ Nội dung các bước thực hiện; hướng dẫn công nghệ; tiêu chuẩn thực hiện từng bước công việc, thời gian; dụng cụ, thiết bị cho từng bước công việc.

- Phân nhóm, giao nhiệm vụ.

- Lưu ý các vấn đề về an toàn, vệ sinh công nghiệp.

Bước 3:  Tổ chức luyện tập

- Học sinh luyện tập theo quy trình hướng dẫn.

- Giáo viên quan sát giúp đỡ.

3.3. Phương pháp tổ chức dạy thực hành 6 bước

Sau khi học sinh đã hình thành được kỹ năng thực hành nghề qua quá trình học tập, giáo viên có thể sử dụng phương pháp tổ chức dạy thực hành 6 bước để giúp cho học sinh tiếp tục hình thành được kỹ xảo nghề nghiệp dựa trên việc tự lực luyện tập. Phương pháp tổ chức dạy thực hành 6 bước xây dựng trên cơ sở của lý thuyết hoạt động kết hợp với chức năng hướng dẫn và thông tin tài liệu để kích thích học sinh độc lập, hợp tác giải quyết nhiệm vụ học tập. Các bước của phương pháp này gồm:

Bước 1: Thu thập thông tin. Học sinh độc lập thu nhận thông tin để biết nội dung của công việc cần làm.

Bước 2: Lập kế hoạch làm việc. Học sinh độc lập hoặc hợp tác theo nhóm để tự lập kế hoạch làm việc cho công việc cuả cá nhân hay của nhóm.

Bước 3:Trao đổi chuyên môn với giáo viên. Học sinh trao đổi chuyên môn với giáo viên về việc xác định con đường hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị các phương tiện máy móc…

Bước 4: Thực hiện nhiệm vụ. Bước này học sinh tự tổ chức lao động để thực hiện nhiệm vụ của cá nhân hay của nhóm.

Bước 5: Kiểm tra, đánh giá. Học sinh tự kiểm tra, đánh giá về nhiệm vụ được hoàn thành có đúng như nhiệm vụ đề ra ban đầu.

Bước 6: Tổng kết, rút kinh nghiệm. Học sinh trao đổi chuyên môn để tổng kết kết quả đạt được, xác định những điểm nào cần phát huy, những điểm nào có thể cải tiến để làm tốt hơn cho lần sau.

Phương pháp tổ chức dạy thực hành 6 bước đã tạo điều kiện cho học sinh hoạt động độc lập, học sinh đã thực sự trở thành trung tâm của quá trình dạy học nên có điều kiện phát huy tối đa tinh thần tự lực, nỗ lực bản than. Khi sử dụng phương pháp tổ chức dạy thực hành 6 bước giáo viên chỉ đóng vai trò người quan sát và tư vấn cho học sinh khi họ có nhu cầu.

Trong dạy học thực hành, phương pháp tổ chức dạy 6 bước có thể được áp dụng cho dạy học thực hành nâng cao, thực tập sản xuất và nếu khéo léo có thể sử dụng hiệu quả trong dạy học thực hành các quy trình.

Kết luận:

Trong các chương trình dạy nghề hiện nay, tỷ trọng các nội dung học tập thực hành nghề thường chiếm từ 70-80% tổng khối lượng thực hiện của chương trình. Trong đó, các nội dung dạy học thực hành (trong các môn học, mô đun) được xây dựng theo yêu cầu từ thực hành cơ bản, thực hành nâng cao và thực hành sản xuất. Do vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện các bài dạy nghề, giáo viên cần căn cứ vào mục tiêu, nội dung và  tính chất của các bài dạy để lựa chọn, vận dụng phù hợp các phương pháp tổ chức dạy học đối với các bài thực hành cụ thể nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, nâng cao hiệu quả của bài dạy.

Tài liệu tham khảo:

1. Dương Phúc Tý (2006), Phương pháp dạy học Kỹ thuật công nghiệp, NXB KHKT, Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Tuấn(2007), Phương pháp dạy học kỹ thuật chuyên ngành, NXB ĐH SPKT Tp.HCM.

Tác giả: ThS. Hoàng Thiếu Sơn - Trường CĐN TNDT Tây Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Danh ngôn

Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác

Usinxki

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây