Tạo chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Thứ tư - 19/04/2017 20:45
Ngày mai, 18.4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của UBTVQH. 
Chia sẻ với Đại biểu Nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Điều tôi quan tâm là làm thế nào để tạo chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục nghề nghiệp phải gắn với thực tiễn, với việc làm, với lao động và thu nhập, qua đó thu hút người học nghề ngày một nhiều hơn”.

Giáo dục nghề nghiệp phải gắn với việc làm

- Thưa Bộ trưởng, sau khi Chính phủ thống nhất giao cho Bộ LĐ, TB - XH quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng và trung cấp theo tinh thần Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), điều mà ông quan tâm là gì?

- Trước tiên, tôi xin cảm ơn Đại biểu Nhân dân đã quan tâm và chia sẻ lĩnh vực GDNN - một trong những lĩnh vực quan trọng do Bộ LĐ, TB - XH đảm nhận.

Việc Chính phủ giao chức năng quản lý nhà nước về GDNN cho Bộ LĐ, TB - XH quản lý, theo tôi đây là sự tin tưởng nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Điều tôi cùng Lãnh đạo Bộ quan tâm là làm thế nào để tạo chuyển biến thực sự về chất lượng lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. GDNN phải gắn với thực tiễn, với việc làm, lao động và thu nhập, qua đó thu hút người học nghề ngày một nhiều hơn, chất lượng dạy nghề ngày một nâng lên, người học nghề ra trường phải có việc làm, thu nhập; người có đủ điều kiện và có nhu cầu được học liên thông lên cao hơn. Đồng thời, nhận thức và sự ủng hộ của xã hội về lĩnh vực GDNN ngày được nâng lên.

- Những vấn đề đó đã được xử lý như thế nào, thưa ông?

Sớm trình Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

Bộ LĐ, TB - XH tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tạo tiền đề cho lao động, nhất là lao động trẻ, thanh niên nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ tiếp cận việc làm bền vững với phương châm: Khởi nghiệp và việc làm cho thanh niên là tiềm năng và động lực phát triển của đất nước. Đặc biệt sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2021.

Bộ trưởng Bộ LĐ, TB - XH Đào Ngọc Dung


- Ngay sau khi Nghị quyết số 76/NQ - CP của Chính phủ ban hành, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động liên quan tới lĩnh vực này.

Thứ nhất, Bộ đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 37 văn bản hướng dẫn Luật GDNN, bảo đảm từ ngày 1.1.2017 việc tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp thực hiện theo quy định của Luật GDNN.

Thứ hai, ngay sau khi tiếp nhận chuyển giao công tác quản lý nhà nước về GDNN từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã kịp thời ban hành văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc bàn giao công tác quản lý nhà nước về GDNN ở địa phương; hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2017, chuyển đổi đăng ký hoạt động GDNN và chuyển đổi chương trình đào tạo trong các cơ sở GDNN.

Thứ ba, tập trung xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.

Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo trên cả nước với nhiều nội dung, đối tượng khác nhau, nhằm rà soát, đánh giá toàn diện hiện trạng lĩnh vực GDNN hiện nay để đưa ra các giải pháp mang tính trọng tâm. Trong đó, phải kể tới Hội nghị toàn quốc bàn về các giải pháp Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN được ví như một “hội nghị Diên Hồng” về lĩnh vực GDNN.

Ba giải pháp trọng tâm

- Theo ông những thách thức lớn nhất đối với GDNN hiện nay là gì?

- Nói về thách thức trong GDNN thì có rất nhiều. Trước tiên là việc phải từng bước khắc phục những khó khăn trong tuyển sinh, nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp trong GDNN và hoạt động thúc đẩy chương trình kiến tạo, khởi nghiệp như Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi. Tiếp đến là việc đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN để hệ thống GDNN bảo đảm cả về số lượng, chất lượng; cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế; giải quyết tốt vấn đề việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Chúng ta đang có 1.989 cơ sở GDNN. Mạng lưới cơ sở dạy nghề cơ bản đã bao phủ khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chúng ta hiện đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, bởi các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm lao động trong một số ngành nghề. Trước thực trạng đáng báo động này, đổi mới giáo dục GDNN, cải tiến chất lượng lao động là yêu cầu cấp bách.

Tạo chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ bàn giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ, TB - XH 
Ảnh: T. Phúc

- Giải pháp nào để vượt qua những thách thức ấy, thưa ông?

- Bộ LĐ, TB - XH đã và đang triển khai xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN trong giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 với 9 giải pháp. Trong số đó, có 3 giải pháp trọng tâm.

Một là, xây dựng và ban hành các chuẩn trong hệ thống GDNN; tiếp cận với các chuẩn mực của khu vực ASEAN và một số nước phát triển (chuẩn đầu ra, các chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị, giáo viên, cán bộ quản lý, chuẩn về kiểm định chất lượng).

Hai là, tăng cường tự chủ của cơ sở GDNN, từng bước chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các cơ sở GDNN công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ theo đầu ra không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập.

Ba là, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN thông qua việc ban hành một số chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia GDNN (thuế, ưu đãi về đất, vay vốn...) và triển khai một số mô hình hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực GDNN của các nước phát triển. Tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, tham gia đào tạo, đánh giá kết quả người học, cung cấp thông tin nhu cầu... đồng hành với các cơ sở GDNN.

Thực hiện thành công 3 giải pháp trọng tâm này sẽ có tác động tới chất lượng của GDNN.

Giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp không hiệu quả 

- Có ý kiến cho rằng, đầu tư cơ sở vật chất cho GDNN vừa qua có nơi còn lãng phí lớn. Ông bình luận gì về ý kiến này?

- Qua công tác kiểm tra, thanh tra, quản lý theo dõi tình hình đầu tư tại các cơ sở GDNN cho thấy có hiện tượng một số nơi sử dụng kinh phí đầu tư từ nguồn NSNN chưa hiệu quả, có nơi để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do việc đầu tư không đồng bộ, không phù hợp quy hoạch ngành, nghề đào tạo và nhu cầu của người học nghề… dẫn đến một số thiết bị mua nhưng chưa sử dụng hoặc hiệu suất sử dụng thấp, tập trung chủ yếu ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều nghề được đầu tư nhưng không tuyển sinh được hoặc số lượng tuyển sinh thấp. Mua sắm thiết bị không đúng nghề trọng điểm đã được quy hoạch…

- Lộ trình xử lý những bất cập này như thế nào, thưa ông?

- Bộ LĐ, TB - XH đã yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương rà soát và điều chuyển thiết bị không khai thác, sử dụng hiệu quả sang các cơ sở GDNN có nhu cầu. Đồng thời có phương án sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề theo hướng:

Đối với các cơ sở công lập: Có phương án chuyển giao, sáp nhập, giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả. Nói chung, không thành lập mới thêm các cơ sở công lập; chỉ xem xét, đề xuất thành lập mới hoặc nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng nghề đối với các cơ sở cam kết tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư khi được thành lập mới hoặc nâng cấp.

Đối với các cơ sở ngoài công lập: Có các chính sách, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích thành lập các cơ sở tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ, TB - XH tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sắp xếp quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN, giải thể hoặc sáp nhập các cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả. Hướng dẫn các địa phương xây dựng danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn phù hợp với yêu cầu nhân lực của địa phương và tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị đầu tư tại các trung tâm cấp huyện có hiệu quả...

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn tin: Thái Bình/daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được

Usinxki

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây