Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước
Những năm qua, hệ thống các cơ sở dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng đã có những bước phát triển về quy mô, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã có trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và cao đẳng nghề; đã quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, từng địa phương và trình độ đào tạo. Chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Lao động Việt Nam đã giành nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới…
Tuy nhiên, đứng trước một thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa thay đổi theo kịp với yêu cầu. Mục tiêu chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2015 là đào tạo mới khoảng 9,6 triệu người nhưng kết quả thực hiện chỉ đạt 9,1 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chỉ đạt 53% kế hoạch; tuyển sinh trình độ trung cấp chuyên nghiệp hàng năm giảm 15%/năm.
Cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 88%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 12%. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu. Triển khai đào tạo nghề chất lượng cao (phát triển nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao và thí điểm đào tạo nghề cấp độ quốc tế, khu vực theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài...) còn chậm.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng, miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chương trình, giáo trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia chậm được ban hành; chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Trước yêu cầu mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ của khoa học - công nghệ. Mặt khác, việc Việt Nam ký kết và gia nhập các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới, đã đặt ra cho nước ta nhiều thách thức trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Dự báo đến năm 2025, lao động Việt Nam sẽ có sự dịch chuyển nhanh từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó chủ yếu chuyển sang ngành dịch vụ. Giai đoạn 2016 – 2020 cần đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 12 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng là 1,44 triệu người (chiếm khoảng 12%), trình độ trung cấp là 1,76 triệu người (chiếm khoảng 14,5%), trình độ sơ cấp là 8,8 triệu người (chiếm khoảng 73%).
Thực tế đang đặt ra những đòi hỏi bức thiết về việc cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao; phát triển quy mô tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các cấp trình độ đào tạo; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học; phát triển các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn chặt chẽ với thị trường lao động và xã hội, chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc làm và tạo việc làm bền vững, xuất khẩu lao động và an sinh xã hội. Tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực của xã hội để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; tăng cường khả năng tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Mục tiêu tổng quát đặt ra là phải đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; người học ra trường phải đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, có việc làm và thu nhập tốt hơn; người đáp ứng yêu cầu và có nguyện vọng học cần được theo học các chương trình liên thông; không để tình trạng đào tạo ra không có việc làm, thất nghiệp, lãng phí nguồn lực xã hội…
Để thực hiện được nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp như trên, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp:
- Cần rà soát, tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp và các luật có liên quan, ban hành đầy đủ các chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, chỉnh sửa danh mục ngành, nghề đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức, kỹ năng (chuẩn đầu ra) cho các ngành, nghề tương ứng với từng cấp trình độ đào tạo với sự tham gia của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với khung trình độ và tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đối với các nghề trọng điểm quốc gia cần đảm bảo tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN và các nước phát triển. Xây dựng các bộ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của từng ngành, nghề và trình độ đào tạo. Ban hành các quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng đối với với các trường trung cấp và cao đẳng.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp; phân cấp mạnh chức năng quản lý Nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương. Hoàn thiện và nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu thông qua việc chuẩn hóa cán bộ quản lý các cấp. Nghiên cứu để từng bước giảm can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
- Thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp và liên thông giữa các bậc trình độ và giữa giáo dục nghề nghiệp và bậc đại học; bảo đảm người đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu được học liên thông lên trình độ cao hơn.
- Xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn. Đổi mới cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp.
- Hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp đối với đội ngũ nhà giáo, người học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động và doanh nghiệp tham gia đào tạo cũng như việc phân bổ và sử dụng tài chính theo hướng tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tạo động lực cho xã hội tham gia vào hoạt động này.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Phát triển hệ thống quản lý, đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục nghề nghiệp quốc gia đảm bảo tương thích với các khung tham chiếu của khu vực. Phát triển kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, công nhận trường chất lượng cao, chương trình đào tạo chất lượng cao. Đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp độc lập. Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng cho các trường cao đẳng và trung cấp theo chuẩn các nước phát triển; nhận chuyển giao công nghệ quản lý, quản trị nhà trường từ các nước phát triển. Áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quản lý hiện đại tại các trường trung cấp và cao đẳng (ưu tiên các trường trong danh sách được lựa chọn đầu tư thành trường chất lượng cao và các trường chất lượng cao).
Thứ hai, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp: Cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trở thành nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo ở các nước phát triển, áp dụng chuẩn của các nước phát triển để hình thành đội ngũ giáo viên hạt nhân đạt chuẩn quốc tế có đủ năng lực để đào tạo chương trình chuyển giao từ nước ngoài, đồng thời đào tạo lại các giáo viên khác trong hệ thống. Tăng cường đào tạo tiếng Anh cho các nhà giáo dạy các chương trình ASEAN, quốc tế. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên bằng hình thức tiếp nhận họ đến thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, tiếp cận công nghệ mới.... Đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chuyên nghiệp.
Thứ ba, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở dự báo nhân lực theo lĩnh vực, địa bàn quản lý theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Chỉ thành lập mới trường cao đẳng công lập theo quy hoạch và đảm bảo có lộ trình tự chủ, phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa ngành, đa cấp trình độ đào tạo. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo phù hợp với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ở từng vùng, miền.
Thứ tư, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới chương trình và công tác tổ chức, quản lý đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra. Chuyển giao đồng bộ các bộ chương trình cấp độ quốc tế và nhân rộng đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đã chuyển giao cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng các bộ chương trình tiếng Anh chuyên ngành cho nhóm nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và quốc tế.
Từng bước tiến tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trên cơ sở điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; được tuyển sinh nhiều lần trong năm; được tổ chức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển, thi tuyển; đồng thời được tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở và năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân người học và theo chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu đối với từng chương trình đào tạo, đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong giáo dục nghề nghiệp. Gắn chặt vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp từ khâu xác định yêu cầu ra đề thi gắn với vị trí việc làm, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm đến kiến thức, kỹ năng cần đưa vào đề thi, kiểm tra.
Thứ năm, tiếp tục chuẩn hóa và phát triển cơ sở vật chất thiết bị, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành, nghề theo chuẩn, đẩy mạnh xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm bớt đầu tư trang thiết bị.
Thứ sáu, phát triển mở rộng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các nghề trọng điểm, các doanh nghiệp lớn. Đa dạng, linh hoạt hình thức, cách thức để có thể đánh giá rộng rãi các nghề. Xây dựng mới tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; cập nhật, bổ sung tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đã được xây dựng trong giai đoạn 2011 – 2015 đảm bảo tương thích với tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực ASEAN, APEC với sự tham gia của các Bộ, ngành, doanh nghiệp. Đàm phán, công nhận kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước trong ASEAN; liên kết, hội nhập khu vực và quốc tế về tiêu chuẩn nghề, đặc biệt trong các khung khổ APEC, ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công...
Thứ bảy, tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, hoàn thiện các quy định để doanh nghiệp là chủ thể của giáo dục nghề nghiệp, được tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo. Thí điểm thành lập hội đồng ngành trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các Bộ, ngành, các doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống.
Thứ tám, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn về giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp, bài bản với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN, nhà giáo và các cơ quan có liên quan; chủ động cung cấp thông tin kịp thời chính xác cho báo chí để định hướng dư luận, tạo niềm tin cho xã hội.
Để có thể hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về giáo dục nghề nghiệp góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của tiến trình phát triển đất nước trong giai đoạn mới, nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của Ngành, đặc biệt là những người liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này./.
Tác giả: Đào Ngọc Dung - Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Nguồn tin: www.molisa.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tin xem nhiều
- MẪU CÂU HỎI THI THEO MỨC ĐỘ NHẬN THỨC
- THIẾT KẾ MỘT GIỜ DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
- Quản lý là gì? Sự thống nhất hoàn hảo giữa lí luận và thực tiễn
- Dạy học theo dự án - Phương pháp giáo dục nghề nghiệp hiệu quả
- Thiết kế nội dung bài dạy theo mẫu giáo án tích hợp trong giáo dục nghề nghiệp
Danh ngôn
Philoxêne De Cythêrê
Văn bản
Tìm kiếm
Khảo sát nhanh
Thành viên
Đăng ký thành viên
Hỏi - Đáp
-
Chế độ giờ giảng
22:03 29/11/2021 - Vu Khoi Khoi -
trưởng, phó phòng tài...
20:26 22/02/2021 - vlog Thiên Khôi -
Thắc mắc về hồ sơ lưu...
08:49 03/02/2021 - hai dinh -
Hướng dẫn thành lập...
02:23 02/12/2020 - Lê Trung -
Phụ cấp ưu đãi, phụ...
05:29 19/10/2020 - Honhha Vo