Phương pháp dạy học kiến tạo kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả trong dạy học tích hợp

Thứ ba - 14/02/2017 04:26
1. Đặt vấn đề:
Đổi mới phương pháp dạy học là một trong những mục tiêu lớn của giáo dục nghề nghiệp đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Đổi mới phương pháp bắt đầu từ việc cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống theo hướng phát huy tính tích cực của người học, hướng vào người học, khắc phục lối truyền thụ một chiều. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu vận dụng các lý thuyết mới, quan điểm mới về dạy học như lý thuyết tình huống, lý thuyết kiến tạo, dạy học dự án, lấy người học làm trung tâm,…là một hướng được nhiều nhà sư phạm lựa chọn.Lý thuyết kiến tạo (LTKT) ( Constructivism Theory) đang là một trong những lý thuyết về dạy học vượt trội được sử dụng trong giáo dục. Lý thuyết này khuyến khích sinh viên (SV) tự xây dựng kiến thức cho mình dựa trên những thực nghiệm cá nhân và áp dụng trực tiếp vào môi trường học tập của các em. Mỗi cá nhân SV là trung tâm của tiến trình dạy học, còn giáo viên (GV) đóng vai trò tổ chức điều khiển và là người đại diện cho tri thức khoa học chính thống, đóng vai trò trọng tài để thể chế hóa tri thức mới của bài học.Đổi mới phương pháp dạy học sẽ mang lại những hiệu quả vượt trội hơn khi ứng dụng công nghệ thông tin vào tiến trình dạy học.CNTT sẽ kích thích hứng thú học tập thông qua các khả năng kĩ thuật (kĩ thuật đồ họa; công nghệ Multimedia, phần mềm chuyên dụng, các chương trình trình chiếu ....); góp phần tổ chức, điều khiển tiến trình dạy học; hợp lí hoá công việc của thầy và trò. Sự kết hợp giữa các lý thuyết mới và CNTT trong tiến trình dạy học sẽ tạo nên một tiến trình dạy học mới mà trong tiến trình đó người học chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng hệ thống tri thức cho bản thân.
Phương pháp dạy học kiến tạo kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả trong dạy học tích hợp
Phương pháp dạy học kiến tạo kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả trong dạy học tích hợp

2. Vận dụng LTKT vào dạy học các môn học kỹ thuật với sự hỗ trợ của CNTT
2.1. Tư tưởng của LTKT
Theo quan điểm của LTKT thì tri thức được tạo nên một cách tích cực bởi chủ thể nhận thức chứ không phải tiếp thu một cách thụ động từ bên ngoài. Trong quá trình chiếm lĩnh tri thức bằng kinh nghiệm, kiến thức đã có từ trước thông qua quá trình đồng hóa (Assimilation) và điều ứng (Accomodation) SV sẽ tự xây dựng cho mình một hệ thống tri thức có sắc thái riêng và có khả năng vận dụng hệ thống tri thức này vào giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Theo Piaget đồng hóa là quá trình SV vận dụng kiến thức cũ để giải quyết tình huống mới và sắp xếp kiến thức mới thu nhận được vào cấu trúc kiến thức hiện có. Muốn thế khi tổ chức quá trình dạy học GV cần phải làm cho SV bộc lộ quan niệm của mình về vấn đề học tập, cần tổ chức cho SV hệ thống hóa và khai thác kinh nghiệm cũ nhằm phát triển nhận thức cho bản thân SV và phổ biến cho cả lớp. Để đồng hóa được kiến thức mới và cũ cần phải tiến hành quá trình phân tích, tổng hợp, so sánh,… nhằm đánh giá lại kiến thức cũ từ đó sắp xếp lại hệ thống kiến thức sao cho hoàn thiện, chính xác hơn.
Điều ứng là sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề lý thuyết và thực tiễn. Đây là quá trình mà SV phải thực hiện các thao tác tư duy, làm kiến thức bộc lộ các thuộc tính, bản chất, các mặt mạnh yếu, tìm ra mối liên hệ giữa các yếu tố kiến thức, tính hệ thống của chúng và khả năng vô tận của kiến thức.
2.2. Các loại kiến tạo trong dạy học
Dựa vào bản chất của LTKT có thể phân kiến tạo trong dạy học ra thành hai loại
Kiến tạo cơ bản (Radial constructivism) đề cao vai trò của mỗi cá nhân trong quá trình nhận thức và cách thức xây dựng tri thức cho bản thân. Mặt mạnh của loại kiến tạo này là khẳng định vai trò chủ đạo của SV trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, do coi trọng quá mức vai trò của các nhân nên SV bị đặt trong tình trạng cô lập và kiến thức mà họ xây dựng được sẽ thiếu tính xã hội.
Kiến tạo xã hội (Social constructivism) nhấn mạnh đến vai trò của các yếu tố văn hóa, các điều kiện xã hội và sự tác động của các yếu tố đó đến sự hình thành kiến thức. Kiến tạo xã hội xem xét các tác nhân thông qua các mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực xã hội. Nhân cách của SV được hình thành thông qua sự tương tác của họ với những người khác.
2.3. Mô hình của dạy học kiến tạo, chu trình của dạy học kiến tạo gồm các pha chính sau:
Tri thức cũ → Dự đoán → Kiểm nghiệm (thử và sai) → Điều chỉnh → Tri thức mới. Do đó tiến trình của dạy học kiến tạoBAO Gồm 3 bước sau:
Bước 1: Làm bộc lộ quan niệm của SV: Trong bước này giáo viên giúp SV hệ thống, ôn lại các kiến thức cũ có liên quan đến kiến thức mới bằng cách sử dụng các câu hỏi, các bài tập. Sau đó GV hoặc SVsẽ nêu vấn đề ( bài tập, thí nghiệm, câu hỏi,..) từ đó tạo cơ hội cho SV bộc lộ quan niệm của mình về vấn đề học tập.
Bước 2: Tổ chức điều khiển SV thảo luận: GV tổ chức cho SV đề xuất các giả thuyết, kiểm tra giả thuyết (thử và sai) phân tích kết quả và từ đó rút ra kết luận chung cho cả lớp.
Bước 3: Tổ chức cho SV vận dụng kiến thức: GV tổ chức cho SV vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề về lý thuyết cũng như thực hành qua đó giúp SV khắc sâu hơn kiến thức mới để thực hiện kỹ năng nghề.
2.4. Ứng dụng CNTT vào tiến trình dạy học kiến tạo trong dạy học tích hợp
- Xây dựng diễn đàn trực tuyến để cho SV bộc lộ các quan niệm của mình theo từng chủ đề mà giáo viên đặt ra.
- Sử dụng các phần mềm để mô phỏng các nguyên lý, hoạt động, xây dựng hệ thống câu hỏi ôn tập, kiểm tra các kiến thức cũ, cũng như vận dụng để khắc sâu kiến thức mới cho SV.
- Mô phỏng các quá trình nguyên lý hoạt động, chuyển động kết hợp với để nêu vấn đề.
- Sử dụng các thư viện mô phỏng để SV kiểm tra giả thuyết, phân tích kết quả để rút ra các kết luận.
2.5. Ví dụ minh họa
Vận dụng dạy học kiến tạo với sự hỗ trợ của CNTT để xây dựng tiến trình dạy học nội dung “ Cân bằng khớp nối động cơ điện”
Bước 1: Làm bộc lộ quan niệm của SV
- Ôn tập, tái hiện: GV nêu các câu hỏi về các loại khớp nối, động cơ điện truyền chuyển động đến hộp giảm tốc… qua bộ phận nào trong bài học mới để đưa ra công dụng của việc cân bằng khớp nối động cơ điện.
- Nêu vấn đề:
+ Cho SV quan sát khi khớp nối động cơ điện khi được cân bằng với khớp nối trục truyền chuyển động, và khớp nối giữa động cơ điện không được cân bằng với khớp nối trục truyền chuyển động. Quan sát trường hợp đó và đặt vấn đề: Trong quá lắp đặt động cơ điện với các khớp nối để truyền chuyển động tại sao phải cân bằng chúng?
+ SV quan sát mô phỏng, thảo luận, trao đổi và bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề đặt ra, sau đó đi đến kết luận: Trục truyền chuyển động bị cong, phá hủy khớp nối.
+ GV kết luận: Nếu không cân bằng trước khi vận hành sẽ làm cho động cơ rung lắc, tuổi thọ ổ bi ngắn lại hoặc phá hủy ổ bi. Vậy cân bằng theo mấy hướng và như thế nào thế nào?
- Tập hợp các ý tưởng của SV: Trong bước này GV tổ chức nhóm 4 - 5 SV và yêu cầu các nhóm thảo luận để đưa ra ý tưởng: 
+ Nếu động cơ bị lệch theo phương ngang thì có những trường hợp nào, cách điều chỉnh.

Phương pháp dạy học kiến tạo kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả trong dạy học tích hợp
Hình 1. Hình vẽ quy ước điều chỉnh động cơ điện

+ Nếu động cơ bị lệch do động cơ cao hoặc thấp hơn so với khớp nối điều chỉnh như thế nào.

Phương pháp dạy học kiến tạo kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả trong dạy học tích hợp
Hình2. Hình vẽ lắp đặt đồ gá đồng hồ so

Bước 2: Tổ chức điều khiển SV thảo luận
- Đề xuất giả thuyết: Trong bước này GV tổ chức nhóm 4-5 HS và yêu cầu các nhóm thảo luận để đưa ra giả thuyết là: động cơ bị lệch theo phương ngang, động cơ bị lệch do động cơ cao hoặc thấp hơn so với khớp nối.
- Kiểm tra giả thuyết: Trong bước này giáo viên cho các nhóm học sinh thực hiện hai bước:
+ Xác định độ lệch của động cơ trong hai vị trí khác nhau đó.
+ Quan sát phân tích hình ảnh của mô phỏng động cơ bị lệch theo phương ngang thì có những trường hợp nào, động cơ cao hoặc thấp hơn so cới khớp nối có những trường hợp nào.
- SV các nhóm phân tích kết quả, trình bày cách điều chỉnh động cơ trong các trường hợp đó được cho cả lớp.
Bước 3: Tổ chức cho SV vận dụng kiến thức: đưa ra quy trình cân chỉnh khớp nối.

3. Kết luận
Trong quá trình dạy học sử dụng phương pháp kiến tạo bản thân SV không phải là một quả bóng để GV bơm đầy kiến thức vào đó mà là chủ thể hoạt động trên cơ sở vận dụng những kiến thức hoặc kinh nghiệm đã có từ trước để giải quyết một tình huống mới nảy sinh và sắp xếp kiến thức mới vào hệ thống kiến thức đã có và chỉ khi nào SV tạo được mối liên hệ hữu cơ giữa kiến thức mới và cũ, sắp xếp vào hệ thống kiến thức đã có thì lúc đó kiến thức mới sẽ có giá trị ứng dụng và không bị lãng quên. 
Do vậy, phương pháp dạy học kiến tạo đòi hỏi giáo viên phải có vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp nhất định, khả năng ứng dụng linh hoạt CNTT vào các bước trong quy trình dạy học, phải là người chuyển hóa các tri thức khoa học thành các tri thức dạy học với việc xây dựng các tình huống dạy học chứa đựng những tri thức cần lĩnh hội, tạo dựng nên môi trường mang tính xã hội để SV kiến tạo nên kiến thức của mình, như vậy thì phương pháp dạy học kiến tạo trong dạy học tích hợp mới phát huy được ưu thế vượt trội của nó, mới có thể đào tạo ra những con người lao động sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói chung và giảng dạy lý thuyết ban đầu trong dạy học tích hợp nói riêng./.


Tài liệu tham khảo
1. TS. Trần Hùng Lượng, Đào tạo bồi dưỡng năng lực sư phạm kỹ thuật cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, Nxb Giáo dục. 
2.Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Cục dạy nghề, Nhu cầu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, Nxb Dân trí.
3.Bộ kế hoạch đầu tư, báo cáo tổng hợp: Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam 2011 – 2020.
4.Ngân hàng thế giới, Báo cáo phát triển Việt Nam 2015 - Báo cáo tổng quát.
5.Tổng Cục dạy nghề - Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Báo cáo dạy nghề việt nam 2013 – 2014.
5.Tạp chí Khoa học dạy nghề (số 28, 29)- Tổng cục dạy nghề.

Tác giả: ThS. Đào Ngọc Phương - Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề

Nguồn tin: Bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học dạy nghề số 32 tháng 5/2016

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Danh ngôn

Logic sẽ đưa bạn từ điểm A tới điểm Z còn trí tưởng tượng sẽ đưa bạn tất bất kì đâu

Albert Einstein

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây