Bàn về “chuẩn đầu ra” và việc xây dựng “chuẩn đầu ra của Trường Cao đẳng nghề du lịch Huế

Thứ tư - 22/03/2017 04:18
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện định hướng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, các trường tiến hành xây dựng “Chuẩn đầu ra” cho các cấp đào tạo của trường mình. "Chuẩn đầu ra" là cụm từ gần đây được nhắc rất nhiều trên các diễn đàn giáo dục - đào tạo, các cuộc hội thảo từ TW đến các trường. Tuy nhiên, việc hiểu và xác định chuẩn đầu ra là gì vẫn chưa có cách hiểu thống nhất. Vậy CHUẨN ĐÂU RA là gì và mục đích của việc xây dựng chuẩn đầu ra có tác dụng như thế nào đối với công tác đào tạo và kết quả đào tạo đang là một vấn đề mà các cơ sở đào tạo cần phải làm rõ để tích hợp trong sản phẩm đào tạo của cơ sở mình trước khi đưa các sản phẩm này thâm nhập thị trường lao động một cách chính thức.
Trong bài viết này tác giả muốn đề cập đến nội hàm cơ bản của “Chuẩn đầu ra”, xác định vai trò của “Chuẩn đầu ra” đối với các thành phần tham gia vào công tác đào tạo nghề và chất lượng đào tạo cùng với việc thiết kế quy trình xây dựng “Chuẩn đầu ra” cho các Hệ đào tạo tại trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế.
Bàn về “chuẩn đầu ra” và việc xây dựng “chuẩn đầu ra của Trường Cao đẳng nghề du lịch Huế
Abstract
According to the direction of Ministry of Labours, Invalids and Social Affairs and Ministry of Culture, Sports and Tourism, as well as the implementation of training adapting to the social needs, institutes begin to develop their “Graduate Standards” for each of their training levels. “Graduate Standards” are much mentioned on many forums and conferences. However, there is no common understanding of this concept in order to identify the standards for each college. It is not necessary to argue on HOW TO IMPROVE THE standard when we cannot understand WHAT IS STANDARD.
In this paper, the “Graduate Standards”, its roles and the process to develop it will be mentioned (in the context of Hue Tourism College).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện định hướng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, các trường tiến hành xây dựng “Chuẩn đầu ra” cho các cấp đào tạo của trường mình. "Chuẩn đầu ra" là cụm từ gần đây được nhắc rất nhiều trên các diễn đàn giáo dục - đào tạo, các cuộc hội thảo từ TW đến các trường. Tuy nhiên, việc hiểu và xác định chuẩn đầu ra là gì vẫn chưa có cách hiểu thống nhất. Vậy CHUẨN ĐÂU RA là gì và mục đích của việc xây dựng chuẩn đầu ra có tác dụng như thế nào đối với công tác đào tạo và kết quả đào tạo đang là một vấn đề mà các cơ sở đào tạo cần phải làm rõ để tích hợp trong sản phẩm đào tạo của cơ sở mình trước khi đưa các sản phẩm này thâm nhập thị trường lao động một cách chính thức.
Trong bài viết này tác giả muốn đề cập đến nội hàm cơ bản của “Chuẩn đầu ra”, xác định vai trò của “Chuẩn đầu ra” đối với các thành phần tham gia vào công tác đào tạo nghề và chất lượng đào tạo cùng với việc thiết kế quy trình xây dựng “Chuẩn đầu ra” cho các Hệ đào tạo tại trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Hiện nay đang có nhiều cách hiểu khác nhau về chuẩn đầu ra. Theo Bộ Giáo dục đào tạo tại thông tư 07/2015 TT-BGDĐT thì “Chuẩn đầu ra là yêu cầu tổi thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện”. Tức là những gì nhà trường hứa, cam kết với xã hội (người học, gia đình, nhà tuyển dụng, nhà nước và toàn xã hội) rằng người học sẽ đạt được sau khi kết thúc khóa học tại trường.
Theo quan điểm dạy để làm nghề, chuẩn đầu ra của các trường dạy nghề là người học sau khi đã được cung cấp kiến thức và rèn luyện thực hành kỹ năng nghề, được trang bị thái độ làm việc theo yêu cầu của một nghề nào đó thì phải hành "nghề" để có thể tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm khi hoàn thành và kết thúc khóa học. Chỉ cần làm được nghề đúng nghĩa chứ chưa cần "lành nghề", bởi lẽ để lành nghề thì cần có thêm nhiều thời gian để tích lũy kinh nghiệm làm việc, rèn luyện thực tế với tỷ lệ thời gian có thể dài bằng hoặc nhiều hơn thời gian học tập đã thực hiện. Và còn một điều kiện khác là tùy vào khẳ năng cá nhân và sự nhạy bén của bản thân trong việc tiếp cận và trải nghiệm nghề nghiệp. Đấy cũng chính là "Chuẩn đầu ra" mang tính định hướng tới thị trường lao động, giúp cho sinh viên tốt nghiệp có thể có việc làm và đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp.
Xét từ quan điểm đào tạo nghề của Úc, đào tạo nghề phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, phải đào tạo theo nhu cầu của xã hội, phải lấy người học làm trung tâm nhằm đạt được trình độ mà nhà tuyển dụng yêu cầu, đồng thời phải có lộ trình để người học có thể theo học ở cấp cao hơn, phải được điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và phải đào tạo theo năng lực. Điều này có nghĩa là phải quan tâm đến vấn đề người học làm được gì sau quá trình đào tạo hơn là vấn đề thời gian đào tạo và phải được Hội nghề nghiệp quốc gia sát hạch, công nhận. Chính vì vậy, đào tạo theo năng lực thường phân bổ theo các mô đun có tích hợp giữa lý thuyết và thực hành và kết thúc mỗi mô đun thì người học đã đảm bảo có một năng lực thực hiện công việc trong một phạm vi nhất định.
Chuẩn đầu ra của một trường đào tạo nghề có thể được hiểu là sự khẳng định (cam kết) của trường (cơ sở đào tạo) đối với người học, gia đình và doanh nghiệp (xã hội), mong muốn một người tốt nghiệp có khả năng LÀM ĐƯỢC nhờ kết quả của quá trình đào tạo. Hay nói một cách khác, “Chuẩn đầu ra” là lời khẳng định của những điều mà trường muốn sinh viên của trường có khả năng làm, biết, hoặc hiểu (thực hiện được một ví trí công việc hoặc là có khả năng thể hiện được kết quả một việc được giao và kết quả đó mang tính định lượng) nhờ hoàn thành một khóa đào tạo của trường.
Chuẩn đầu ra dưới góc độ người học, là năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp là khả năng làm việc cá nhân và làm việc nhóm trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và thái độ đối với nghề. “Chuẩn đầu ra” đối với người học bao gồm kiến thức, kỹ năng, tính chủ động sáng tạo trong giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyên ngành được đào tạo tương ứng đối với mỗi trình độ đào tạo.
Như vậy chuẩn đầu ra của một trường được cấu thành bởi 2 phần: chuẩn chung của cấp đào tạo, nghề đào tạo và chuẩn riêng tăng thêm của từng trường phù hợp với năng lực và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động mà trường đó nhắm đến.
Theo quan điểm trên, mỗi một trường sẽ có nhiều “Chuẩn đầu ra” tương ứng với các chương trình đào tạo khác nhau do trường xây dựng và tổ chức đào tạo. Ví dụ: đối với trường CĐNDL Huế “Chuẩn đầu ra” của hệ trung cấp Kỹ thuật chế biến món ăn khác với “Chuẩn đầu ra” của hệ cao đẳng Kỹ thuật chế biến món ăn hoặc “Chuẩn đầu ra” của hệ Sơ cấp chế biến món ăn...
“Chuẩn đầu ra ” sẽ là cơ sở định hình mục tiêu của chương trình đào tạo và là cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo của các trường (cơ sở đào tạo nghề).
Nội dung của “Chuẩn đầu ra” gồm 3 yếu tố: Hệ thống kiến thức, Kỹ năng người học cần phải có sau khóa đào tạo và ý thức về năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm (còn được gọi là thái độ) mà người học phải có.
Chuẩn đầu ra nhấn mạnh vào người học, nhấn mạnh đến khả năng người học làm được việc gì đó sau khi hoàn thành khóa học.
II. VAI TRÒ CỦA CHUẨN ĐẦU RA ĐỐI VỚI ĐÀO TẠO NGHỀ
1. Vai trò

Việc đào tạo nghề theo định hướng xã hội đòi hỏi phải có “Chuẩn đầu ra” phù hợp với nhu cầu thực tế. “Chuẩn đầu ra” của trường phải được xây dựng từ nhu cầu thực tế, từ ví trí việc làm xác định. Vì vậy, để xây dựng được “Chuẩn đầu ra” của từng ngành, nghề, từng cấp độ đào tạo đòi hỏi trường phải xuất phát từ nghiên cứu thực tế việc sử dụng nhân lực đang diễn ra tại các cơ sở sẽ sử dụng học viên của trường. Việc xác định “Chuẩn đầu ra” phù hợp có tác dụng:
- Đổi mới phương pháp học tập trung vào người học mà không phải giáo viên một cách thực chất.
- Làm rõ vai trò của từng thành tố trong mối quan hệ Dạy - Học - Đánh giá, do đó việc thiết kế chương trình đào tạo sẽ gắn với nhu cầu hơn.
 - Hỗ trợ công tác đảm bảo chất lượng và hình thành các chuẩn đào tạo.
- Người học và doanh nghiệp đều có lợi trong: đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng, đánh giá và tiến bộ nghề nghiệp của mỗi cá nhân.
Cùng với “Chuẩn đầu ra” sẽ hình thành hệ thống tín chỉ, tín chỉ có thể tạo ra “đồng tiền chung” gắn kết giữa các trường giáo dục nghề nghiệp với nhau và với giáo dục đại học tạo điều kiện học liên thông và học suốt đời.
  • Và đặc biệt là với “Chuẩn đầu ra” sẽ khắc phục một số vấn đề tồn tại gắn với truyền thống coi trọng đầu vào trong phát triển chương trình đào tạo, giảng viên dạy những gì mà mình có, nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục có đến đâu thì làm đến đó...
“Chuẩn đầu ra” mang lại nhiều lợi ích cho các thành phần tham gia vào hoạt động đào tạo. Cụ thể là:
- Biết nguồn lao động để tuyển dụng theo nhu cầu của mình.
- Tuyển dụng hiệu quả trên cơ sở nghiên cứu “Chuẩn đầu ra” của từng trường để đối chiếu với nhu cầu lao động.
- Đánh giá khả năng cung ứng nhân lực để có quyết định đầu tư phù hợp.
- Xây dựng đối tác với cơ sở đào tạo để chủ động và phát triển chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tổ chức.
Đối với sinh viên, “Chuẩn đầu ra ” giúp cho sinh viên:
- Biết được điều gì mình cần đạt được một cách khá chi tiết (làm được gì?).
- Biết để lựa chọn ngành nghề đào tạo (tuyển sinh) phù hợp với năng lực.
Đối với doanh nghiệp, “Chuẩn đầu ra ” giúp cho doanh nghiệp:
- Học tập và rèn luyện theo các chuẩn đầu ra.
- Hướng dẫn sinh viên và giúp sinh viên chuẩn bị thi kiểm tra.
- Tăng cơ hội việc làm của sinh viên sau đào tạo.
- Tăng cơ hội lựa chọn, đổi nghề phù hợp với năng lực của bản thân và yêu cầu của thị trường lao động.
Đối với cán bộ giảng dạy, “Chuẩn đầu ra” giúp cho giáo viên:
- Có cơ sở để thiết kế nội dung dạy học,
- Thiết kế kế hoạch dạy học và tổ chức thực hiện.
- Chọn lựa phương pháp, công cụ đánh giá thích hợp, hiệu quả.
- Phấn đấu bản thân để đáp ứng với yêu cầu “Chuẩn đầu ra” cho học sinh, sinh viên...
Đối với cơ sở đào tạo, “Chuẩn đầu ra ” giúp cho trường:
- Lựa chọn được hình thức marketing ngành học phù hợp.
- Theo dõi đánh giá giảng viên, hiệu quả hoạt động đào tạo của các khoa và của trường.
- Tăng cường khả năng hợp tác với doanh nghiệp, đổi mới chương trình đào tạo.
- Nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo         nhu cầu: đào tạo theo tín chỉ, liên thông,...
- Chuẩn đầu ra quan tâm đến triển vọng của sinh viên.
- Chú ý đến thời điểm cuối khóa đào tạo, cuối mỗi học phần, cuối mỗi bài giảng về điều gì sinh viên có khả năng làm được và hiểu biết được khi kết thúc chương trình để tổ chức và quản lý.
2. Xây dựng chuẩn đầu ra
Chuẩn đầu ra là lời khẳng định về điều mà một sinh viên cần biết, hiểu và có khả năng làm được khi kết thúc chương trình học tập, là cơ sở cho việc xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo của trường. Chương trình học tập cần được hiểu một cách rộng là: có thể là một giờ học, một mô đun hay học phần hoặc toàn bộ một khóa học.
Yều cầu với “Chuẩn đầu ra”
- Chuẩn đầu ra cần mô tả đơn giản và rõ ràng, phải có điều kiện thực hiện.
- Chuẩn đầu có thể đo lường và đánh giá được
- Chuẩn đầu ra không đơn giản là một “danh sách của những mong muốn” về điều mà một sinh viên có năng lực để làm khi hoàn tất chương trình học tập, mà là một yêu cầu, một sự cam kết của trường với xã hội và người học.
Quy trình xây dựng “Chuẩn đầu ra”:
- Các khoa hình thành Hội đồng tư vấn chương trình đào tạo (tư vấn ngành). Thành phần: gồm cán bộ quản lý, giảng viên bộ môn có kinh nghiệm, Chuyên gia đại diện doanh nghiệp gắn với ngành đào tạo.
- Rà soát và hoàn thiện lại mục tiêu đào tạo của ngành đào tạo theo hướng: Liệt kê những công việc chính mà một sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm (làm được gì? cụ thể thành các chuẩn); Viết lại mục tiêu đào tạo theo chuẩn được rút ra.
- Rà soát lại nội dung đào tạo (chương trình đào tạo), phương pháp dạy và thi kiểm tra đánh giá phù hợp với chuẩn đầu ra.
W Điều kiện để đảm bảo thực hiện chuẩn đầu ra (lộ trình, nguồn lực).
2.1. Căn cứ để xây dựng chuẩn đầu ra:
- Tiêu chuẩn kỹ năng nghề tại thông tư 01/2014 của Bộ VHTTDL
 - Tiêu chuẩn VTOS
- Khung trình độ quốc gia (tiêu chuẩn nghề quốc gia)
- Tiêu chuẩn nghề du lịch ASEAN
- Định hướng vị trí việc làm của SV sau tốt nghiệp của trường.
- Ý kiến của các chuyên gia về năng lực thực hiện ứng với mỗi vị trí việc làm cụ thể.
Ngoài ra, với những bậc đào tạo khác nhau cần bám sát các yêu cầu của từng bậc đào tạo để xây dựng chuẩn cho phù hợp và có tính khả thi.
2.2. Kết cấu của chuẩn đầu ra:
- Kiến thức
- Kỹ năng
- Năng lực tự chủ và trách nhiệm (thái độ)
Với từng yếu tố trên cần có hệ thống tiêu chí cụ thể có thể đo đếm được:
  • Về kiến thức: Đó là kiến thức lý thuyết, kiến thức thực tế (KHXH, KH cơ bản, kiến thức về nghề nghề cốt lõi, kiến thức về nghề, nghề nâng cao...).
  • Về kỹ năng: Đó là kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp.. .Những kỹ năng đó phải được luyện tập trở thành năng lực của bản thân người học, được nhận thức (nhớ, sàng lọc, lựa chọn) và áp dụng phù hợp vào tình huống cụ thể trong hoạt động thực tiễn.Ví dụ, kỹ năng giao tiếp: ngoài kỹ năng giao tiếp thông thường trong quá trình làm việc còn được được thể hiện ở khả năng trình bày báo cáo, ý tưởng bằng tiếng việt và ngoại ngữ về một vấn đề.
  • Về năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm (thái độ) mà người học phải có. Khi đề cập đến nội dung này, nhiều tài liệu gọi chung là “thái độ” và được diễn giải chung là ý thức trách nhiệm, sự chuyên nghiệp, lòng yêu nghề. Chính vì quan niệm như vậy nên phần “thái độ” thường được đề cập không đầy đủ và thường mang tính chung chung, trong khi đó đối với “Chuẩn đầu ra” thì đây là một nội dung rất quan trọng có ý nghĩa quyết định mà người học phải tích lũy được để chuẩn bị cho sự hòa nhập với công việc thực tế. Vì vậy, nội dung này cần được hiểu một cách đầy đủ là người học phải hình thành được:
- Tố chất cá nhân, thái độ chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, năng lực hình thành ý tưởng, lập kế hoạch tổ chức triển khai và vận hành.
- Phân định được năng lực chung và năng lực cốt lõi của từng nghề, từng vị trí việc làm.
- Định vị vị trí khả năng làm việc sau tốt nghiệp.
- Xác định được khả năng tiếp tục học tập nâng cao của bản thân sau tốt nghiệp.
Hệ thống các tiêu chí của chuẩn đầu ra có thể được cập nhật và thay đổi vào những thời điểm khác nhau, bối cảnh khác nhau sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
III. KẾT LUẬN
Hệ thống các tiêu chí của “Chuẩn đầu ra” quy định đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành/chuyên ngành đào tạo ở từng trình độ của trường Cao đẳng nghề du lịch Huế là một trong những căn cứ quan trọng để trường chuẩn hoá các khâu trong quá trình đào tạo như: xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo, xây dựng kế hoạch giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên, xây dựng quy trình quản lý kết quả học tập của sinh viên, xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học và tổ chức các biện pháp thực hiện... Cũng từ hệ thống các tiêu chí đó, Đảng uỷ trường sẽ có cơ sở để đưa ra các nghị quyết chỉ đạo và tổ chức phối hợp với chính quyền, các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên. xây dựng kế hoạch hoạt động sát với thực tế và phù hợp với các tiêu chí đã đề ra trong đề án phát triển trường tầm nhìn 2020-2030
Chuẩn đầu ra không phải là bất biến nó thường xuyên được cập nhật, chỉnh sửa để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với sự phát triển của trường trong từng giai đoạn.
Việc xây dựng và thực hiện đào tạo theo “Chuẩn đầu ra” sẽ giúp cho Trường CĐNDL Huế ngày càng hoàn thiện, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực Du lịch chất lượng cao có uy tín trong nước và khu vực, thực hiện sứ mệnh “cung cấp sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Luật Giáo dục nghề nghiệp, 2015.
  2. Thông tư 07/2015 TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo.
  3. Thông tư 56/2015 TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn việc xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
  4. Thông tư ^ 01/2014 TT-BVHTTDL ngày 15/1/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc ban hành Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với các nghề thuộc nhóm nghề du lịch.
  5. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt nam - VTCB, Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch Việt nam
  6. Dự thảo Khung trình độ quốc gia.

Tác giả: ThS Lê Đức Trung Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề du lịch Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác

Usinxki

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây