Đưa thực tiễn sản xuất vào quá trình đào tạo

Thứ tư - 09/10/2019 04:26

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế, song thách thức cũng không hề nhỏ khi mà các ngành nghề ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ và kỹ thuật cao. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu mới. Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một khâu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết 29-NQ/TW nhấn mạnh: “Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế”.

Đưa thực tiễn sản xuất vào quá trình đào tạo
Đưa thực tiễn sản xuất vào quá trình đào tạo

Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2014, theo đó chức năng quản lý nhà nước về đã được sắp xếp, bố trí lại. Điều này giúp cho công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN được rõ nét hơn, đồng thời cũng giúp các cơ sở GDNN xác định được hướng phát triển phù hợp hơn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, GDNN còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác tuyển sinh. Ngoài những nguyên nhân khách quan như việc mở rộng quy mô của các trường đại học, tâm lý ưa chuộng bằng cấp, quá trình phân luồng giáo dục ... thì có một nguyên nhân từ chủ quan các cơ sở GDNN, đó là còn xa rời thực tiễn sản xuất. Điều này dễ nhận thấy nhất là tại các trường cao đẳng, trung cấp trước đây thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc ít tham gia vào hoạt động nghề nghiệp dẫn đến cả thầy và trò đều thiếu kiến thức, kỹ năng thực tế;sinh viên sau tốt nghiệp buộc phải được đào tạo lại trong một khoảng thời gian nhất định mới có thể bắt kịp với thực tế sản xuất.

2. Thực trạng

Như đã nêu trên, tại các cơ sở GDNN (đặc biệt là các trường trước đây thuộc quản lý chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo) đội ngũ nhà giáo có kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động nghề nghiệp còn rất hạn chế. Đa số giáo viên, giảng viên được tuyển dụng là các sinh viên khá, giỏi từ các trường Đại học. Họ, sau một thời gian ngắn tập sự, liền trực tiếp tham gia giảng dạy, do đó kỹ năng “nghề” còn rất yếu.
Chính bởi kỹ năng “nghề” của đội ngũ giảng dạy còn yếu nên chương trình đào tạo, nội dung bài giảng còn mang nặng tính hàn lâm, coi trọng lý thuyết, đặt nhẹ tính ứng dụng thực hành và hầu như không có tính cập nhật thực tế sản xuất. Theo đó, phương pháp giảng dạy cũng không được đổi mới, vẫn duy trì lối mòn truyền thống là truyền đạt kiến thức.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quy định về chế độ làm việc của nhà giáo GDNN (Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH). Theo đó, mỗi năm giáo viên phải dành 4 tuần thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, việc triển khai quy định này còn nhiều lúng túng. Chất lượng và hiệu quả của thời gian thực tế còn nhiều vấn đề còn phải xem xét. Việc phối hợp giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng thời gian thực tế nghề nghiệp của các giáo viên còn chưa tốt. Nhiều giáo viên đi thực tế chỉ mang tính hình thức, chỉ nhằm đảm bảo hoàn thành thời gian theo quy định.
Ra rời thực tế còn thể hiện ở cơ cấu ngành, nghề đào tạo của các trường. Có những ngành nghề hiện không còn hoặc còn rất ít nhu cầu đào tạo từ xã hội. Vấn đề đổi mới cơ cấu ngành, nghề đào tạo để đáp ứng gần hơn nhu cầu thực tế cũng là khó khăn lớn đối với các cơ sở GDNN. Để có thể bổ sung hoạt động GDNN đòi hỏi phải có đội ngũ giáo viên, giảng viên chuyên ngành, chuyên nghề. Việc tuyển mới giáo viên vấp phải rào cản từ lượng lớn giáo viên hiện đang dư thừa từ các ngành, nghề cũ không còn nhu cầu đào tạo.
Bên cạnh đó, tồn tại một thực tế nữa trong các cơ sở GDNN mà có thể nhận ra rõ sự xa rời thực tiễn, đó là vấn đề tự chủ về cơ cấu tổ chức, tự chủ về tài chính còn rất yếu và mang tính thụ động. Mô hình “doanh nghiệp” trong Nhà trường hầu như không có hoặc còn rất manh nha. Phân tích tài chính của các cơ sở GDNN cho thấy nguồn thu chủ yếu của các đơn vị này là từ ngân sách và học phí. Nguồn thu từ dịch vụ còn rất ít, chủ yếu là từ cho thuê cơ sở vật chất chứ không phải từ hoạt động nghề nghiệp của thầy và trò.
Vấn đề sống còn của các cơ sở GDNN là cần phải thâm nhập thực tế, theo sát thực tế và tự đổi mới mình.

3. Một số giải pháp đã áp dụng tại Trường Cao đẳng Xây dựng số 1

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bám sát yêu cầu thực tiễn, ngay từ năm 2016 khi còn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, trường Cao đẳng Xây dựng số 1 đã áp dụng một số biện pháp nhằm cải thiện thực trạng cũng như tạo định hướng phát triển trong thời gian tiếp theo. Cụ thể như sau:

3.1. Triển khai phân công giáo viên đi thực tế nghề nghiệp

Khuyến khích các giáo viên, đặc biệt các giáo viên tham gia giảng dạy các môn học, mô đun chuyên môn, đăng ký đi thực tế nghề nghiệp với thời gian từ 1 đến 3 tháng, có trường hợp kéo dài đến 6 tháng.
Nội dung: Giáo viên chủ động đề xuất nội dung trải nghiệm thực tế. Các nội dung thực tế thường là các vấn đề cần bổ sung vào nội dung giảng dạy hoặc những nội dung các thầy, cô còn yếu về kỹ năng.
Địa điểm: Các cơ sở sản xuất theo lĩnh vực nghề nghiệp.
Quyền lợi: Giáo viên được hưởng nguyên các chế độ như khi đi giảng dạy.
Quy trình thực hiện: Giáo viên xây dựng đề cương thực tế, được thông qua hội đồng xét duyệt các cấp từ bộ môn, khoa đến Nhà trường. Sau thời gian thực tế, giáo viên xây dựng báo cáo kết quả thực tế và phải được đánh giá qua hội đồng nghiệm thu các cấp.
Sau khoảng thời gian 3 năm thực hiện triển khai công tác thực tế nghề nghiệp của giáo viên, Nhà trường đã có những đúc kết những điểm đạt và chưa đạt. Cụ thể như sau:
Những điểm đạt được:
- Cá nhân các giáo viên bước đầu xây dựng được mối quan hệ với doanh nghiệp, có thêm các kỹ năng nghề nghiệp;
- Có những giáo viên đã tạo thêm thu nhập ngay từ trong quá trình đi thực tế và trở thành cộng tác viên chuyên môn lâu dài với các doanh nghiệp;
- Những nội dung giáo viên đi thực tế đã góp phần làm sinh động bài giảng, thực tế hóa những nội dung lý thuyết khô khan, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Những điểm tồn tại:
- Việc đi thực tế nghề nghiệp được quy định đối với nhà giáo GDNN, vì vậy giáo viên tất cả các khoa, kể cả các giảng dạy lý luận, khoa học cơ bản đều đăng ký thực hiện. Chính vì vậy, hiệu quả chưa thực sự rõ rệt.
- Tồn tại những giáo viên thực hiện quá trình đi thực tế nghề nghiệp một cách hình thức với tâm lý chỉ để đảm bảo khối lượng, do đó kết quả không thực sự như mong muốn.

3.2. Nhà trường ký kết với các doanh nghiệp trong quá trình dạy và học những môn học chuyên môn

Nhà trường ký kết với một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp của chính các cựu sinh viên của trường với nội dung liên kết đào tạo sinh viên giai đoạn trước và trong quá trình thực tập tốt nghiệp.
Mỗi sinh viên sẽ được hai người hướng dẫn trong quá trình học tập các môn học thực tập tốt nghiệp, trong đó có một người là giáo viên của Nhà trường, một người là cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp.
Hàng tuần hai người hướng dẫn trao đổi với nhau về nhiệm vụ mà sinh viên cần thực hiện. Sinh viên sẽ được trực tiếp làm chuyên môn dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Việc đánh giá kết quả thực tập sẽ được thống nhất giữa hai người hướng dẫn.
Kết quả:
- Hầu hết các sinh viên có hứng thú với môn học, kết quả học tập được đánh giá theo từng công việc cụ thể trên công trường nên đảm bảo độ chính xác và khuyến khích người học cố gắng trong học tập.
- Sinh viên không những được tiếp cận môi trường nghề nghiệp thực tế ngay trong quá trình đào tạo, nhiều em còn có thu nhập của bản thân khi được doanh nghiệp giao việc trong thời gian học tập tại doanh nghiệp và đạt kết quả công việc tốt.
- Việc giáo viên cùng đồng hành với sinh viên mình hướng dẫn trong quá trình thực tế nghề nghiệp tại doanh nghiệp không những giải quyết việc tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình học tập, thực tập của sinh viên mà còn tăng cơ hội nâng cao nghiệp vụ của bản thân thông qua hoạt động thực tế tại doanh nghiệp.

3.3. Nhà trường đã thành lập các trung tâm tham gia hoạt động sản xuất

Năm 2018, Nhà trường thành lập các Trung tâm trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, bao gồm: Trung tâm Tư vấn xây dựng, Trung tâm Thí nghiệm và kiểm định xây dựng; Trung tâm Kỹ thuật Hạ tầng đô thị.
Đây là các đơn vị thuộc trường nhưng hoàn toàn tự chủ về tài chính. Đây cũng là nơi để các giáo viên tham gia vào các hoạt động sản xuất, qua đó có thêm các kỹ năng nghề nghiệp đồng thời tăng thu nhập.
Tuy nhiên, việc tham gia của các giáo viên còn rất ít do các hoạt động này còn chưa lồng ghép vào các hoạt động giảng dạy và các giáo viên còn ngại thay đổi.

4. Một số đề xuất

Hiện nay phần lớn các giáo viên tham gia dạy nghề nhưng không tham gia các hoạt động sản xuất do vậy chưa giỏi nghề. Để giải quyết vấn đề này, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
- Cần xây dựng đội ngũ giáo viên vừa có phương pháp sư phạm vừa giỏi nghề. Giáo viên trước khi giảng dạy cần phải trải qua quá trình sản xuất của nghề, ngoài các kiến thức đã được học ở trường đại học, giáo viên cần phải có các kỹ năng cơ bản và nâng cao của nghề.
- Các cơ sở giáo dục cần xem xét lại việc tổ chức đào tạo, cần tăng hơn nữa thời gian thực hành, thực tập tại xưởng trường và tại nơi sản xuất.
- Thành lập các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất nghề nghiệp trong trường, đưa các công việc thực hành sản xuất vào nội dung các môn học thực tập nghề nghiệp. Việc tham gia của thầy và trò vào công việc sản xuất được tính là thời gian giảng dạy, học tập. Học tập thông qua công việc thực tế sẽ tăng thêm hứng thú cho sinh viên đồng thời tăng thêm thu nhập cho giáo viên.
- Ký kết với các doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo, nhờ đó thầy và trò có thể tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp; Nhà trường tận dụng được cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại của doanh nghiệp ứng dụng vào giảng dạy và học tập; Giáo viên và sinh viên được tiếp cận trực tiếp với các công nghệ hiện đại trong sản xuất,đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng thích nghi ngay với thực tiễn sản xuất.
- Ký kết với các đối tác ngoài nước trong việc đào tạo người lao động đi xuất khẩu nghề. Qua đó, tận dụng được các tiến bộ công nghệ trong thực tiễn sản xuất của nghề nghiệp do đối tác cung cấp.
- Cử các giáo viên đi thực tập sinh cho các đối tác nước ngoài nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên nghề nắm vững các tiến bộ khoa học, công nghệ, giỏi ngoại ngữ và được trải nghiệm qua thực tiễn sản xuất nghề nghiệp tại các nền sản xuất tiên
tiến hơn.

5. Kết luận

- Chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển;
- GDNN có vai trò to lớn trong việc tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ
năng và thái độ phù hợp với sự phát triển kinh tế trong thời kỳ mới;
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ thống GDNN còn chưa đáp ứng được vai trò của mình, trong đó có một nguyên nhân chủ quan từ chính đội ngũ giáo viên đó là: còn nhiều giáo viên, giảng viên dạy nghề nhưng chưa giỏi nghề;
- Các cơ sở GDNN cần phải thay đổi từ cơ chế chính sách, cách thức tổ chức giảng dạy, nội dung chương trình đào tạo... và phải tạo ra môi trường hoạt động sản xuất cho giáo viên và học sinh tham gia trực tiếp vào đó. Cần phải xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi nghề và giỏi dạy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI
2. Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 (Luật số: 74/2014/QH13)
3. Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội “Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo”
4. http://lilama2.edu.vn/home/tin-tuc/dao-tao-nghe-theo-mo-hinh-cua-duc-Mo-hinh-kep,-loi-1205.html
5. https://baomoi.com/gan-ket-giua-giao-duc-nghe-nghiep-voi-doanh-nghiep/c/27031786.epi


 

Tác giả: Phạm Quốc Hoàn - Trường Cao đẳng Xây dựng số 1

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu kính thầy

Tục ngữ Việt Nam

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây