Doanh nghiệp - Mắt xích quan trọng và là khâu đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ năm - 03/10/2019 04:46
I. Đặt vấn đề: Đại hội Đảng lần thứ XII và các kỳ hội nghị đã xác định xu hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều rộng gắn với chiều sâu, lấy phát triển chiều sâu là hướng chủ đạo; trọng tâm là nâng cao tính bền vững, chú trọng tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bên cạnh đó toàn cầu hóa và hội nhập là cơ hội lớn cho Việt Nam sử dụng nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên nó cũng mang lại những thách thức lớn, như nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nền công nghiệp tri thức cũng như đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt Tây Nguyên là vùng có số dân ít, khoảng 5,5 triệu người và được phân bố không đồng đều, mật độ dân số thấp, nhưng lại đa dạng về dân tộc, trong đó có tới 30% số dân là người dân tộc thiểu số. Đây là vùng sinh sống khó khăn của đất nước, kèm theo những vấn đề còn tồn đọng về dân cư, việc làm, dân trí cũng như là văn hoá tại Tây Nguyên cần được quan tâm và cải thiện.
Doanh nghiệp - Mắt xích quan trọng và là khâu đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Doanh nghiệp - Mắt xích quan trọng và là khâu đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Trước những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, GDNN cần có những chuyển biến thích nghi với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới, cần gắn kết, phát huy ưu điểm của việc liên kết các bên trong đào tạo. Trong chiến lược phát triển của mình, một số trường đào tạo nghề đã xác định phát triển mối liên kết doanh nghiệp là một trong những điểm then chốt để đột phá, cụ thể trong các lĩnh vực:
Doanh nghiệp - Mắt xích quan trọng và là khâu đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Doanh nghiệp - Mắt xích quan trọng và là khâu đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

II. Thực trạng
Luật Giáo dục nghề nghiệp ban hành có hiệu lực từ 7/2015 đã quy định cụ thể quyền của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN tại Điều 51 với các nội dung cụ thể về cho phép doanh nghiệp được thành lập cơ sở GDNN; được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo cho người khuyết tật vào học tập và làm việc cho doanh nghiệp; được phối hợp với các cơ sở hoạt động GDNN khác để tổ chức đào tạo các trình độ; quy định các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế... Ngoài ra, còn có các văn bản khác hướng dẫn thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp: Nghị định 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2015 của Thủ tướng chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật GDNN; Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH "Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo"; Công văn số 786/LĐTBXH-TCGDNN về việc “Gắn kết GDNN với doanh nghiệp”.
Hiện nay, nguồn nhân lực kỹ thuật cao hầu hết xuất phát từ các trường đào tạo khối kỹ thuật. Tuy nhiên, việc đào tạo tại nhiều cơ sở GDNN vẫn nặng về lý thuyết và thực hành cơ sở, các cơ sở đào tạo chưa thể đáp ứng việc đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghề nghiệp với các trang thiết bị hiện đại tương đồng với hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp. Một trong những giải pháp được đưa ra là sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp, qua đó giải quyết vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Trong thời gian qua bước đầu đã có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong dạy nghề. Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có nhiều ưu điểm như người học nghề được học những nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; các kiến thức và kỹ năng nghề mà người học được đào tạo đáp ứng được lợi ích của cả người học và người sử dụng lao động. Người học nghề ngoài việc học lý thuyết nghề tại trường còn được thực tập ngay trên các máy móc, thiết bị đang sử dụng tại doanh nghiệp, giúp cho người học có thể vận dụng được những kiến thức đã học, đồng thời nâng cao được kỹ năng nghề. Việc gắn kết đào tạo trên đã làm tăng mối quan hệ hiểu biết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cơ sở GDNN không phải tăng đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị thực hành, người học có thể tiếp thu bài học nhanh hơn. về phía doanh nghiệp có thể sử dụng được những học sinh học nghề để tạo ra những sản phẩm mới hoặc có cơ hội lựa chọn được những người lao động có ý thức, kỷ luật và kỹ năng tay nghề tốt cho mình, giảm hiện tượng phải đào tạo lại cho phù hợp với thực tiễn tại doanh nghiệp.
Có nhiều hình thức hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, như tổ chức cho học sinh sinh viên thực tập, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị thực tập nghề cho cơ sở GDNN; doanh nghiệp đặt hàng cơ sở GDNN đào tạo và các hoạt động hợp tác khác để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều trường và doanh nghiệp phối hợp để học sinh sinh viên sau khi học lý thuyết tại trường được thực tập, thực hành tại doanh nghiệp. Các trường còn phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho giáo viên đi thực tế tại các công trình, trực tiếp hướng dẫn sinh viên ngay tại hiện trường. Các cơ sở GDNN và doanh nghiệp có nhiều hình thức đào tạo rất linh hoạt thông qua chuỗi liên kết đào tạo tại các doanh nghiệp thành viên trong cùng tập đoàn (đào tạo tại chỗ làm việc - liên kết nội bộ). Một số doanh nghiệp đã trực tiếp đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở GDNN để có thể đào tạo được những nghề ở những trình độ doanh nghiệp mong muốn, như các doanh nghiệp ô tô (TOYOTA Việt Nam, Huyndai...).
Hình thức đào tạo theo hợp đồng đang trở thành xu hướng hiện nay trong hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thông qua việc thống nhất từ khâu tuyển sinh, nội dung, mục tiêu, chương trình đào tạo, đến mô hình dạy nghề...
Ngoài sự hợp tác trong đào tạo, giữa nhà trường và doanh nghiệp có sự phối hợp tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Về phía doanh nghiệp, đó là tư vấn về những công việc, những yêu cầu mà một người lao động cần có, để từ đó học sinh có thể lựa chọn nghề học phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Về phía nhà trường, đó là tư vấn, giới thiệu về khả năng thu hút lao động của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp để họ có thể đến làm việc trước và sau khi tốt nghiệp...
Có thể thấy sự phối hợp giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp là một cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu về nhân lực của xã hội.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, sự phối hợp này chưa liên tục, chưa có sự ràng buộc chặt chẽ đảm bảo hiệu quả. Sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo nghề còn hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách để thu hút người có kỹ năng nghề cao của doanh nghiệp tham gia đào tạo. Mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo (cả về trách nhiệm và quyền lợi), nên trên thực tế việc đào tạo theo khả năng “cung” của các cơ sở GDNN nhiều hơn là thực sự đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp; để có thể đạt được những bước tiến trong liên kết đào tạo với doanh nghiệp một cách hiệu quả như một số mô hình tiên tiến (ví dụ như mô hình Hệ thống “đào tạo kép” của Đức[1]), chúng ta cần nhiều nỗ lực trong thời gian tới, phát triển các cơ chế, chính sách và áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Theo thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với các cơ sở GDNN vẫn còn ở mức khiêm tốn và chưa có nhiều đột phá. Theo kết quả thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (tháng 11/2018): cả nước có 1.954 cơ sở GDNN, trong đó có 538 cơ sở thuộc doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp có hoặc thỉnh thoảng hợp tác với doanh nghiệp mới chỉ chiếm 41,5%; doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên với trường nghề chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 12,3%, trong khi có đến 46,2% doanh nghiệp không có bất kỳ hoạt động hợp tác nào với cơ sở GDNN.
Đối với Tây Nguyên là vùng có số dân ít, đa dạng về dân tộc, trong đó có tới 30% số dân là người dân tộc thiểu số, đây là vùng khó khăn của đất nước, trình độ sản xuất trung bình thấp so với cả nước, lĩnh vực hoạt động chủ yếu dịch vụ du lịch, là sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản; không thuận tiện cho việc hình thành các khu công nghiệp lớn với công nghệ cao. Các doanh nghiệp địa bàn Tây Nguyên chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ sản xuất thấp, mối liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ sở GDNN còn hạn chế. Trong thời đại hội nhập, phát triển công nghệ mạnh mẽ, Tây Nguyên càng thể hiện những khó khăn nhất là chênh lệch về trình độ công nghệ, chênh lệch về trình độ sản xuất, những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số cần có những chính sách hiệu quả kết hợp giữa doanh nghiệp, các cơ sở GDNN và chính quyền địa phương trong việc thu hẹp những khoảng cách về trình độ công nghệ, tay nghề lao động; tạo nhiều cơ hội việc làm, phát triển kinh tế nhằm đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.
Các nhân tố khó khăn khi doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo:
Xem xét với góc độ hợp tác giữa các doanh nghiệp với các cơ sở GDNN, tại các khoản 3, 4, 5, Điều 51 Luật Giáo dục nghề nghiệp có thể thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và sự ảnh hưởng của doanh nghiệp đến quá trình xây dựng các chuẩn nghề, chương trình đào tạo và sự hình thành kỹ năng nghề nghiệp của người học qua quá trình đào tạo. Theo thông tư 29/2017/TT- BLĐTBXH quy định, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo. Trong đó, doanh nghiệp đảm nhận 40% chương trình đào tạo. Với quy định này, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần cơ bản, các modul thực hành cơ bản, còn lại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các modul kỹ năng nghề tại doanh nghiệp cho sinh viên. Dù chủ trương đẩy mạnh phối hợp giữa trường nghề và doanh nghiệp đã được triển khai, song thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa mấy mặn mà.
Khó khăn trong hợp tác doanh nghiệp, từ góc nhìn doanh nghiệp:
- Sự tham gia của doanh nghiệp trong thiết kế chương trình còn hạn chế;
- Tính phù hợp của việc đào tạo kỹ năng nghề tại các trường với thực tiễn
nghề nghiệp tại doanh nghiệp;
- Nếu triển khai tự đào tạo lao động, kinh phí đầu tư cao, rủi ro tương đối lớn;
- Yêu cầu bí mật công nghệ và yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm; hoặc trình độ sản xuất, mức độ chuyên môn thấp ở doanh nghiệp;
- Việc hợp tác đào tạo ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hơn là mang lại hiệu
quả.
Từ góc nhìn người học:
- Không phải sinh viên nào cũng có ý thức cao về nghề nghiệp; thiếu tính chủ động và biện pháp xử lý phù hợp;
- Sinh viên tốt nghiệp thiếu các kỹ năng thực hành, thiếu kiến thức về quy trình sản xuất;
- Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp và đặc biệt là thái độ nghề nghiệp chưa được chú trọng đào tạo.
Sự tham gia của các trường đào tạo:
- Thiếu cơ chế ràng buộc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp;
- Thiếu sự chủ động tạo mối liên hệ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp;
- Trong thiết kế chương trình: thiên hướng đào tạo lý thuyết, đào tạo “chay” vẫn chưa hoàn toàn được chuyển đổi sang đào tạo thực hành, tích hợp;
- Thiết kế chương trình chưa linh hoạt để đảm bảo thuận lợi triển khai đào tạo song hành cùng doanh nghiệp;
- Điều kiện cơ sở vật chất;
- Tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, phù hợp với thực tiễn sản xuất của trang thiết bị rất hạn chế (các xưởng thực hành cấp độ 2 và 3 theo khung tiêu chuẩn Đức);
- Chưa phát triển mô hình trung tâm thực nghiệm sản xuất, doanh nghiệp trong nhà trường.
III. Kiến nghị, đề xuất
Để phát triển mối quan hệ nhà trường - doanh nghiệp, chủ động và tăng cường liên kết trong đào tạo kỹ năng các kỹ năng nghề nghiệp, trường kiến nghị một số giải pháp thực hiện sau:
Về phía các cơ sở GDNN:
- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập trong khu vực và quốc tế. Chủ động xác định số lượng nghề đào tạo, quy mô đào tạo trên cơ sở năng lực của cơ sở và nhu cầu của doanh nghiệp; chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đổi mới phương pháp, quy trình đào tạo, lấy học sinh, người học nghề làm trung tâm và nhu cầu của doanh nghiệp làm định hướng đào tạo.
- Có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo: trong Hội đồng nhà trường; trong việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình; trong quá trình giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; phản hồi chất lượng “sản phẩm” đào tạo.
- Dạy kiến thức nghề cho người lao động đã có kỹ năng nghề được đào tạo tại doanh nghiệp hoặc tích lũy được trong quá trình lao động để được cấp phát các văn bằng, chứng chỉ.
- Phối hợp có hiệu quả với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu của doanh
nghiệp và hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo; đẩy mạnh việc ký hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp, trong đó có quy định về lợi ích và trách nhiệm của người dạy, người học. Cơ sở GDNN phải chủ động điều tra để có được thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp (nghề, trình độ, mức độ kỹ năng...) để tổ chức đào tạo phù hợp.
- Phát triển các mô hình trung tâm thực nghiệm, sản xuất, doanh nghiệp trong nhà trường nhằm tiệm cận xu thế tự chủ tài chính và tăng tính chủ động trong đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người học.
về phía doanh nghiệp:
- Chủ động phối hợp với các cơ sở GDNN trong đào tạo kỹ năng, hỗ trợ đầu tư, phát triển cơ sở GDNN tại doanh nghiệp; đẩy mạnh dạy nghề tại chỗ và bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động;
- Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ sở GDNN về nhu cầu lao động (quy mô, cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo, kỹ năng nghề...);
- Tạo điều kiện cho học sinh sinh viên tại các cơ sở GDNN thực tập trên các thiết bị của doanh nghiệp; giáo viên dạy nghề được đi thực tế tại doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng nghề, thiết kế chương trình và tham gia giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề; tham gia đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động qua đào tạo;
- Hỗ trợ cung cấp sản phẩm mới của doanh nghiệp cho cơ sở GDNN làm thiết bị đào tạo;
- Tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau cho những lao động tuyển mới chưa qua đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề; cấp chứng chỉ nghề cho người lao động;
- Tạo điều kiện cho người lao động được học tập nâng cao trình độ.
Về cơ chế chính sách:
- Phát triển các cơ chế chính sách khuyến khích, ràng buộc và quy định trách nhiệm cụ thể đối với doanh nghiệp. Hướng dẫn cụ thể về các quyền lợi cho doanh nghiệp nhằm huy động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và phát triển cơ sở GDNN tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có hoạt động đào tạo nghề, các chi phí đào tạo được tính trong chi phí giá thành; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc được trích một phần thu nhập trước thuế để thực hiện đào tạo nghề;
- Chính sách đối với người lao động qua đào tạo nghề (tại doanh nghiệp) và tự nâng cao tay nghề trong quá trình làm việc;
- Phát triển các chính sách ưu đãi với những nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại khó tuyển sinh, tuyển dụng;
- Giao tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở GDNN để các trường năng động hơn, đặc biệt trong hoạt động đào tạo và tìm kiếm doanh nghiệp;
- Có chính sách đầu tư đặc biệt cho dạy nghề để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao giỏi về chuyên môn; thành thạo về kỹ năng;
- Có chính sách ưu đãi cho một số vùng kinh tế khó khăn như các vùng hải đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. nhằm phát triển đào tạo GDNN, để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, phát triển kinh tế địa phương, kéo gần trình độ phát triển công nghệ, phát triển hòa vào các vùng kinh tế xã hội của cả nước và khu vực;
- Có chính sách để tăng cường các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở GDNN và tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp khi vào trường; đồng thời những thông tin cần thiết về chỗ làm việc khi sắp tốt nghiệp;
- Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để xây dựng danh mục và tiêu chuẩn nghề, cần có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và các Hội nghề nghiệp. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các Hiệp hội (VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa .) và các Hội nghề nghiệp khác vào hoạt động dạy nghề. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước về lao động với đại diện doanh nghiệp, đại diện người lao động, đại diện của các hội nghề nghiệp và cơ sở GDNN trong việc xác định nhu cầu của doanh nghiệp về lao động và xây dựng danh mục, tiêu chuẩn nghề./.
- Khai thác tối đa ưu thế trang thiết bị, kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp của doanh nghiệp trong việc triển khai thực tập nghề nghiệp cho học sinh sinh viên và nhà giáo;
- Khai thác nhu cầu việc làm cho học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là việc làm đáp ứng nhu cầu chất lượng cao cho doanh nghiệp;
- Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất tại doanh nghiệp.
 
 

[1] Mô hình “Đào tạo kép” của Đức: là một trong những mô hình đào tạo nghề tiên tiến nhất hiện nay. Khi học chương trình này, sinh viên vừa được đào tạo lý thuyết tại trường dạy nghề và thực hành nghề tại các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng về nhân lực sẽ lập kế hoạch và lên chương trình tuyển sinh. Nếu doanh nghiệp đó có cơ sở dạy lý thuyết thì sinh viên vừa học lý thuyết kết hợp với thực hành ngay tại doanh nghiệp. Trong trường hợp ngược lại, doanh nghiệp không có cơ sở đào tạo lý thuyết thì sẽ kết hợp với một trường dạy lý thuyết nghề.
Hình thức học lý thuyết và kỹ năng ở trường dạy nghề và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 - 3,5 năm, tùy theo nghề học. Tuy nhiên, ngay cả việc học lý thuyết tại trường cũng được tiến hành trên các module thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình. Khi xuống doanh nghiệp, học viên hoàn toàn thực hành các kiến thức, kỹ năng đã được học tại trường trên máy móc. Họ được giao các công việc từ đơn giản đến phức tạp tương ứng với thời gian học nghề và được hướng dẫn tỉ mỉ.
Học viên học nghề tại doanh nghiệp được ký hợp đồng với doanh nghiệp, được hưởng hỗ trợ về tài chính trong quá trình học và được nhận vào làm sau khi tốt nghiệp mà không phải thực tập nghề nữa.

Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Giáo dục như ánh thái dương phản chiếu cả đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo

Pestalogi

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây