Đổi mới quản lý nhà nước, quản trị đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thứ hai - 28/10/2019 05:14
Dưới tác động và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ khoa học công nghệ, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các hoạt động quản lý nói chung và quản lý nhà nước nói riêng đã, đang và sẽ thay đổi để thích ứng. Quản lý nhà nước sẽ chuyển mạnh từ cai trị dựa vào quyền lực sang quản trị dựa vào công nghệ đang và sẽ là xu hướng chung của thế giới và Việt nam cũng không đứng ngoài xu hướng này. Trong bối cảnh chung đó, quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và các hoạt động quản trị nhà trường cũng phải đổi mới cho phù hợp. Bài viết sẽ trình bày những vấn đề của quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm những bất cập của quản lý, quản trị hiện hành, những yêu cầu đổi mới và những nội dung đổi mới. Từ những phân tích này, tác giả đề xuất những hàm ý chính sách nhằm đổi mới quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế hướng tới chất lượng, hiệu lực và hiệu quà.
 
  1. Quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp
    1. Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp
Tiếp cận QLNN về GDNN
Quản lý nhà nước (QLNN) và hoạt động QLNN, như đã biết, tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người, từ khi có nhà nước. QLNN được hiểu từ nhiều cách tiếp cận khác nhau như quản lý theo chức năng, quản lý theo mục tiêu, quản lý theo quá trình.. .Theo các quan niệm truyển thống (quản lý theo chức năng), QLNN là sự tác động mang tính quyền lực của các cơ quan nhà nước (các chủ thể quản lý) lên đối tượng quản lý (bao gồm các cá nhân, tổ chức và cả các quá trình xã hội), hướng tới đạt được mục tiêu quản lý. Từ cách tiếp cận này, QLNN là sự tác động của quyền lực nhà nước ở cả ba chức năng cơ bản là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Từ ba chức năng này hình thành ba phân nhánh quyền lực là Lập pháp (Quốc hội và các cơ quan Quốc hội); Hành pháp (Chính phủ và các cơ quan Chính phủ) và Tư pháp (Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan xét xử). Trong bài viết này chỉ đề cập đến chức năng hành pháp của QLNN, tức là các hoạt động điều hành, quản lý các hoạt động, các quá trình kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển chung của đất nước của Chính phủ và các cơ quan Chính phủ.
QLNN về GDNN là một trong các hoạt động QLNN, theo cách hiểu truyền thống (và theo nghĩa nêu trên), là sự tác động bằng quyền lực của các cơ quan hành pháp đối với các hoạt động GDNN, nhằm đạt mục tiêu phát triển hệ thống GDNN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước trong các giai đoạn khác nhau.
Chủ thể QLNN về GDNN
QLNN về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở nước ta hiện nay có một số đặc điểm sau:
  • Thứ nhất, Chính phủ thống nhất QLNN về GDNN trên phạm vi cả nước. Với các chức năng được Hiến pháp và Pháp luật quy định, Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội các sắc luật về GDNN và các luật có liên quan; xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện pháp luật về GDNN; tổ chức, điều hành các hoạt động của hệ thống GDNN theo đúng các quy định của pháp luật.
  • Thứ hai, Chính phủ giao cho một cơ quan của Chính phủ (cụ thể, mới đây là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) trực tiếp thực hiện chức năng QLNN về GDNN trên phạm vi cả nước. Các chức năng QLNN về GDNN của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cụ thể là:
+ Trình Chính phủ các Dự án luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, dự án Pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị định của Chính phủ theo chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ về GDNN đã được phê duyệt và các Nghị quyết, dự án, đề án về GDNN theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
+ Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án trong lĩnh vực GDNN.
+ Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định, Chỉ thị, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia, Chương trình hành động quốc gia và các văn bản khác về GDNN.
+ Ban hành thông tư và các văn bản khác về QLNN về GDNN.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia, các dự án và các văn bản khác có liên quan về GDNN sau khi được phê duyệt.
+ Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về GDNN.
  • Thứ ba, tham gia QLNN về GDNN còn có các Bộ, ngành khác có liên quan và UNND các cấp theo thẩm quyền hoặc ủy quyền.
Như vậy, có thể thấy, chủ thể QLNN về GDNN là Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ ở cấp trung ương và UBND các cấp ( quản lý ngành hoặc/và lãnh thổ).

Đối tượng QLNN về GDNN
Khi đã có quản lý thì luôn luôn có người (chủ thể) quản lý và người ( đối tượng) bị quản lý. Trong QLNN về GDNN, đối tượng quản lý ở đây là toàn bộ hệ thống GDNN, bao gồm bản thân hệ thống (cấu trúc, cơ chế hoạt động, các hoạt động về GDNN); các cơ sở GDNN; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực GDNN.
Nội dung QLNN về GDNN và một số vấn đề đặt ra
Với cách tiếp cận chức năng nêu trên, hoạt động QLNN về GDNN tập trung vào một số nội dung sau:
  •  Thứ nhất, là thiết lập các cơ chế, chính sách, pháp luật về GDNN. Trong thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc Hội ban hành các Luật, Nghị quyết trong lĩnh vực GDNN và các lĩnh vực có liên quan, gần đây nhât là Luật GDNN, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động GDNN trên phạm vi cả nước. Thực hiện chức năng quản lý thuộc thẩm quyền, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Luật GDNN. Theo thống kê từ năm 2014 đến nay đã Chính phủ đã ban hành 5 Nghị quyết có liên quan đền GDNN; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 Quyết định có liên quan đến GDNN, trong đó có 02 Quyết định rất quan trọng là Quyết định 1981/QĐ-Ttg ngày 18/10/2016 về “Phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” và Quyết định 1982/QĐ-Ttg ngày 18/10/2016 về “Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt nam”. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, theo chức năng quản lý của mình, trong giai đoạn 2014-2018 cũng bàn hành 45[1] quyết định, thông tư và các văn bản khác điều hành, hướng dẫn các các hoạt động GDNN. Đây là những văn bản pháp luật rất quan trọng để triển khai Luật GDNN trong thực tiễn. Ngoài ra, với chức năng quản lý của mình, các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản điều hành, quản lý về GDNN trong phạm vi ngành, lãnh thổ.
  • Thứ hai, là bằng các cơ chế, chính sách và công cụ quản lý, triển khai các hoạt động hành pháp để quản lý GDNN trong phạm vi cả nước, bao gồm cả huy động các nguồn lực, nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật về GDNN được tuân thủ, hướng tới nâng cao chất lượng của cả hệ thống GDNN cũng như chất lượng đào tạo, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực qua đào tạo cho các ngành kinh tế trong nước và cho xuất khẩu lao động.
  •  Thứ ba, hoàn thiện tổ chức bộ máy QLNN về GDNN ở các cấp từ trung ương tới các địa phương. Ở cấp trung ương, Chính phủ đã có Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục GDNN. Ờ cấp địa phương, UBND Tỉnh, Thành phố đã hình thành các phòng GDNN thuộc sở Lao động- Thương binh và Xã hội để thực hiện chức năng quản lý GDNN trên địa bàn Tỉnh, Thành phố. Các Bộ, ngành có liên quan cũng đã hình thành các bộ phận có chức năng quản lý GDNN. Tính đến cuối năm 2018, toàn ngành GDNN đã có 1559 người làm công tác QLNN về GDNN ( không bao gồm các Bộ, ngành khác), trong đó ở cấp trung ương (Tổng cục GDNN) là 139 người[2].
  • Thứ tư, thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động GDNN nhằm đảm bảo các hoạt động này đúng các quy định của pháp luật, phát hiện các vi phạm, các “chuệch choạc” của các tổ chức và cá nhân trong hoạt động GDNN để kịp thời ngăn chặn, điều chỉnh kịp thời. Trong thời gian từ 2014-2018, chỉ riêng thanh tra ngành Lao động- Thương binh và Xã hội (Tổng cục GDNN) đã tổ chức 24 đợt thanh tra các hoạt động đào tạo tại 24 cơ sở GDNN và đã phát hiện nhiều vi phạm về tổ chức đào tạo và sử dụng kinh phí và đã yêu cầu thu hồi trả NSNN trên 27 tỷ đồng.[3]
Với các hoạt động quản lý nêu trên, hệ thống GDNN nước ta đã ngày càng phát triển; chất lượng đào tạo nghề nghiệp dần được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu sử dụng nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, QLNN về GDNN còn bộc lộ khá nhiều bấp cập, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới. Có thể nêu một số bất cập sau:
  1. Chưa khắc phục được sự manh mún và chống chéo cả về chức năng và hoạt động QLNN về GDNN trong một thời gian dài. Cho đến tận giữa năm 2016, vẫn chưa có sự thống nhất QLNN vê GDNN mặc dù Luật GDNN có hiệu lực thi hành từ 1/7/ 2015. Thực chất, việc QLNN về GDNN vẫn do hai Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo cung đảm nhận. Cho đến đầu tháng 9/2016 Chính phủ mới chính thức giao cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng QLNN về GDNN. Mặc dù vậy, ở các địa phương vẫn có sự chồng chéo về quản lý giữa hai ngành lao động- thương binh và xã hội và ngành giáo dục đào tạo. Điều này dẫn đến tình trạng không thống nhất và khó kiểm soát, cản trở các hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả hệ thống GDNN.
  2. Chưa định hình được mô hình quản lý phù hợp. Hiện tại, QLNN về GDNN cũng như quản lý nhiều lĩnh vực khác vẫn mang dáng dấp của quản lý thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, nghĩa là vẫn đang quá trình chuyển quản lý kiểu Nhà nước “cai trị” sang Nhà nước “quản lý và phục vụ”, nhưng khá chậm chạm. Hệ thống GDNN cũng ngày càng phức tạp hơn, do số lượng các trường công cũng như tư ngày càng tăng, nhất là các trường tư, do vậy nhiệm vụ quản lý là một việc đang trở nên đòi hỏi cao hơn và chuyên nghiệp hóa hơn. Điều này cho thấy mô hình cũ (hiện tại) về một cơ quan trung ương về GDNN thực hiện kiểm soát toàn bộ hệ thống theo kiểu hành chính, “cai trị” là một mô hình không còn phù hợp cần có những mô hình khác thay thế theo hướng quản trị hệ thống. Điều này đòi hỏi thay đổi mô thức quản lý tập trung một cách chi tiết kiểu “cầm tay chỉ việc” cho các trường sang một mô thức khác hẳn dựa vào những hình thức giám sát hay quản lý chất lượng “đầu ra” tinh tế hơn. Neave và Van Vught (1994) đã miêu tả sự tiếp diễn của một đầu bên này là “mô hình nhà nước kiểm soát”, ở đó cơ quan trung ương tìm cách kiểm soát tất cả các trường trực thuộc mình, và đầu bên kia là “mô hình nhà nước giám sát” ở đó cơ quan quản lý trung ương quản lý và điều chỉnh các trường. Với cách quản lý cũ này, các cơ quan QLNN còn thể hiện quyền lực bằng việc làm thay, còn ôm đồm quá nhiều công việc không đúng với chức năng quản lý mà đúng ra đó là các công việc của nhà trường, của địa phương, thậm chí là của cộng đồng. Kết quả là cấp dưới (địa phương, cơ sở GDNN) trông chờ, ỷ lại vào cấp trên (Trung ương), không phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cơ sở GDNN. Đồng thời, với mô hình quản lý này rất dễ nảy sinh hiện tượng độc quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi mà thiếu sự giám sát. Cơ chế xin- cho vẫn hiện hữu trong hoạt động QLNN của hệ thống GDNN. Tinh thần “kiến tạo” mà Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh, dường như chưa “thấm” được nhiều vào các cơ quan quản lý, đến đội ngũ QLNN về GDNN ở các cấp. Với mô hình quản lý này, cùng với việc hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ làm cho hiệu lực và hiệu quả QLNN về GDNN chưa cao. Đã đến lúc cần phải đối mới mô hình quản lý, đẩy mạnh quá trình chuyển từ mô hình Nhà nước quản lý sang mô hình Nhà nước phục vụ và kiến tạo ( theo tinh thần của Điều 3 Hiến pháp năm 2013).
  3. Còn thiếu sự tham gia, giám sát, phản biện xã hội trong hoạt động QLNN về GDNN. Sự “thiếu” này là một trong những nguyên nhân một số văn bản pháp luật ban hành tính khả thi không cao vừa ban hành đã bộc lộ bất cập, cần phải sửa đổi, điều chỉnh hoặc không theo kịp thực tiễn, vừa ban hành đã thấy sự lạc hậu. Đồng thời, với sự “thiếu” này, các hoạt động của hệ thống GDNN chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
  4. Sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan QLNN còn khá hạn chế, vẫn còn tâm lý cục bộ, “so kè” quyền lực, khó “ngồi” với nhau để cũng giải quyết vấn đề. Điều này dẫn đến việc nhiều chủ trương của Đảng, nhiều chỉ đạo của Chính phủ chậm được triển khai trong thực tiễn.
1.2. Quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp và một số vấn đề đặt ra
Theo Trung tâm về quản trị, Trường Đại học Ottawa, Canada[4], thuật ngữ quản trị(governance) đã tồn tại bắt đầu từ khi có những chiếc thuyền băng ra biển khơi và chúng cần sự “lèo lái” (steering) hoặc “điều khiển” (navigation).Quản trị(governance) liên quan đến hướng dẫn (guiding). Nó liên quan đến tiến trình mà tổ chức loài người tự quản lý lấy. Nếu như việc điều khiển đi sai đường, cho dù chiếc xe có tốt hoặc đẹp như thế nào đi nữa thì nó cũng không thể đi đến đích muốn đến.
Về nội dung, thuật ngữ "Quản trị” là một danh từ khó định nghĩa. Nhiều khái niệm khác nhau được đưa ra và chưa có sự thống nhất hoàn toàn nào về định nghĩa này. Mỗi một tác giả khi đề cập đến quản trị đều có một định nghĩa của riêng mình. Một trong những định nghĩa phổ biến: Quản trị là hoạt động cần thiết phải được thực hiện khi con người kết hợp với nhau trong các tổ chức nhằm thành đạt những mục tiêu chung. Hoặc phát biểu theo cách khác, quản trị là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra họat động của các thành viên trong tổ chức, sử dụng các nguồn lực nhằm đạt đến sự thành công trong các mục tiêu đề ra. Theo quan điểm hệ thống, quản trị còn là việc thực hiện những hoạt động trong mỗi tổ chức một
cách có ý thức và liên tục.
Theo Gallagher, (2001, p.1), Quản trị là cấu trúc của các mối quan hệ nhằm mang đến sự kết dính, ủy nhiệm chính sách, kế hoạch và ra quyết định, chịu trách nhiệm trước nhà trường, cộng đồng xã hội và người học về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả chi phí quản lý. Lãnh đạo là nhìn thấy được những cơ hội và phương hướng chiến lược và hoạch định về năng lực nhân sự nhằm phát triển mục đích và giá trị của tổ chức. Quản lý là việc đạt được những thành quả dự kiến thông qua việc phân công trách nhiệm và nguồn lực, và kiểm soát tính hiệu lực và hiệu quả của chúng. Điều hành là việc thực hiện các bước, các thủ tục đã được ủy nhiệm và việc ứng dụng của hệ thống nhằm đạt được kết quả trong mục tiêu đã thỏa thuận.”
Theo John Fielden (Những xu hướng quản trị đại học, 2012), “Quản trị nhà trường là cấu trúc của các mối quan hệ nhằm mang đến sự kết dính, ủy nhiệm chính sách, kế hoạch và ra quyết định, chịu trách nhiệm trước nhà trường, cộng đồng xã hội và người học về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả chi phí quản lý”.
 
Đổi mới quản lý nhà nước, quản trị đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Hình 1. Các thành tố trong quản trị nhà trường

Quản trị trong một nhà trường tồn tại trong một hệ thống bao gồm các khâu, các phần, các bộ phận có mối liên hệ khăng khít với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và thúc đẩy nhau phát triển để đạt được mục tiêu chung của nhà trường. Cụ thể hơn, quản trị nhà trường là quá trình xây dựng và tập hợp các quy tắc, hệ thống nhằm vận hành và kiểm soát toàn bộ hoạt động của một nhà trường; là những phương cách để những người có thẩm quyền lãnh đạo hướng dẫn và giám sát các mục tiêu và giá trị của nhà trường thông qua các chính sách và quy trình thực hiện.
Qua cách trình bày nêu trên, có thể hiểu Quản trị cơ sở GDNN là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra họat động của các thành viên trong nhà trường, sử dụng các nguồn lực nhằm đạt đến sự thành công trong các mục tiêu đề ra. Quản trị cơ sở GDNN là một hoạt động liên tục và cần thiết khi các thành viên, các bộ phận kết hợp với nhau trong hoạt động của nhà trường.
Quản trị cơ sở GDNN bao hàm các hoạt động như (i) quản trị chiến lược, (ii) quản trị hệ thống tổ chức, (iii) quản trị nhân lực, (iv) quản trị các hoạt động đào tạo ( bao gồm cả đánh giá kết quả người học), (v) quản trị tài chính, cơ sở vật chất nhà trường và (vi) quản trị hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng đào tạo, thông qua
huy động, sử dụng các nguồn lực, giám sát, đánh giá trên cơ sở tự chủ, có trách nhiệm giải trình để phát triển nhà trường theo sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu đào tạo của cơ sở GDNN.
Với những tiếp cận nội dung quản trị nhà trường như trên, có thể thấy hoạt động quản trị cơ sở GDNN ở Việt nam còn tồn tại những bất cập sau:
  • Thứ nhất, chưa có được triết lý quản trị rõ ràng. Tư duy quản trị theo kiểu quản lý hành chính vẫn hiện hữu trong các cơ sở GDNN ở Việt nam. Tính năng động, chủ động của các bộ phận chưa được phát huy. Vẫn còn tồn tại kiểu quản lý chỉ huy, mệnh lệnh, trên bảo, dưới chấp hành, thiếu tính sáng tạo, nhất là tính phản biện của các thành viên trong nhà trường.
  • Thứ hai, chưa định hình được quản trị chiến lược, các định hướng, các đề án phát triển đường như theo một khuôn mẫu, thiếu tính khả thi, tính bền vững.
  • Thứ ba, một trong những vấn đề của quản trị cơ sở GDNN công hiện nay là chưa có được tính tự chủ, nhất là tự chủ về nguồn nhân lực. Cơ chế, tuyển dụng, tuyển chọn, đánh giá nhân lực còn khá cứng nhắc, chưa dựa vào năng lực để đánh giá, tuyển dụng nhân lực, nên chưa tuyển được nhân lực như mong muốn, đồng thời không/khó thay thể nhân lực làm việc không hiệu quả. Mô hình tổ chức bộ máy thiếu linh hoạt là chất lượng, hiệu quả hoạt động không cao. Vai trò của các chủ thể quản lý, nhất là Hội đồng trường khá mở nhạt. Mối quan hệ giữa các bộ phận trong trường khá lỏng lẻo, chưa tạo được sức mạnh chung trong hoạt động đào tạo của nhà trường
  •  Thứ tư, vẫn còn tư duy quản lý cũ trong hoạt động đào tạo, từ việc xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo, quản lý việc dạy học của giáo viên và việc học tập của sinh viên.Các hoạt động hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp còn khá hình thức, theo kiểu “quan hệ” chứ chưa dựa trên cơ sở “lợi ích”. Nhà trường dường như chưa có chiến lược hợp tác rõ ràng, chưa tạo ra được những đối tác chiến lược. Đặc biệt, trong hoạt động đào tạo, tính dự báo nhu cầu thị trường của các cơ sở GDNN còn khá hạn chế, vẫn chù yếu đào tạo dựa trên “cái mình có”, chứ chưa thực sự xuất phát từ các tín hiệu của thị trường lao động, từ các yêu cầu về kỹ năng, năng lực của người lao động trong doanh nghiệp.
  1. Nhận thức mới và những yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước và quản tri
cơ sở GDNN
    1. Nhận thức mới
Cùng với sự phát triển của sản xuất công nghiệp và biến đổi xã hội, nhiều mô hình quản lý xã hội mới đã hình thành để điều chỉnh các hoạt động trong xã hội. Xu hướng chung của thế giới là Quản lý nhà nước sẽ chuyển mạnh từ cai trị dựa vào quyền lực sang quản trị dựa vào công nghệ và Việt nam cũng đang đi theo xu hướng này. Chính phủ đã có định hướng đối mới mô hình quản lý, đẩy mạnh quá trình chuyển từ mô hình Chính phủ quản lý sang mô hình Chính phủ phục vụ và kiến tạo. Nhà nước kiến tạo với đặc trưng là bộ máy phục vụ phát triển thay vì bộ máy thống trị, cai trị; có sự thay đổi căn bản vị trí và vai trò trong mối quan hệ giữa nhà nước với các chủ thể phát triển của xã hội. Như vậy các chức năng QLNN truyền thống về GDNN sẽ đổi mới theo hướng quản trị, chỉ đạo, giám sát, không quản lý chi tiết các hoạt động của nhà trường. Chức năng quản trị của nhà nước (Chính phủ) đối với GDNN gồm (i) Xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch phát triển GDNN;(ii) Tạo môi trường pháp lý (cơ chế, chính sách, thể chế) và điều kiện cho các hoạt động GDNN trong xã phát huy hiệu quả cao nhất; (iii) Giám sát để các hoạt động GDNN phát triển đúng hướng, phù hợp với sự phát triển KT - XH và nhu cầu sử dụng nhân lực trong từng giai đoạn phát triển.
Do đó, các cơ quan nhà nước (cơ quan Chính phủ) phải có năng lực lập kế hoạch để thực hiện chiến lược phát triển GDNN, huy động và thực hiện phân bổ nguồn lực một cách phù hợp. Mở rộng giao quyền, ủy quyền và phân quyền; các cơ quan trung ương không làm thay địa phương, không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN mà tăng cường các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Về phía các cơ sở GDNN, quản trị là sự gắn kết các cấu trúc trong nhà trường, từ các khâu lãnh đạo, quản lý, điều hành và kiểm tra, đánh giá.. .Theo các nhà quản trị học, quản trị nhà trường hiện đại phải chuyển mạnh từ mô hình “Quản lý nhà nước” (mệnh lệnh, chỉ thị, chỉ đạo từ trên xuống), sang mô hình kết hợp giữa quản trị “cứng” và quản trị “mềm”. Quản trị “cứng” liên quan đến cấu trúc của tổ chức ( chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức) với những quy định, quy chế, các mối quan hệ về thẩm quyền ( giữa Hội đồng trường với Ban giám hiệu; giữa Hiệu trưởng với các đơn vị trong nhà trường.) mà các chủ thể có liên quan phải tuân thủ. Quản trị “mềm” là quản trị có tính tương tác giữa các chủ thể có liên quan, bao gồm cả với học sinh, sinh viên, từ lãnh đạo, tới hành động và phối hợp; tương tác giữa nhà trường và xã hội, nhằm giúp cho các hoạt động của cơ sở GDNN được duy trì và hiệu quả nhất, đạt được mục tiêu đã được xác định. Quản trị hiện đại cơ sở GDNN dựa trên nguyên lý linh hoạt, mở, rõ ràng, minh bạch trong các hoạt động dựa trên nền tảng tự chủ, trách nhiệm giải trình trong một môi trường quản trị vĩ mô (Quản trị Chính phủ- Chính phủ phục vụ và kiến tạo) phù hợp.
    1. Những yêu cầu đổi mới
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), như đã biết, đã mở đầu cho kỷ nguyên số trên phạm vi toàn cầu. Sự dịch chuyển từ cuộc CMCN lần thứ ba sang cuộc CMCN 4.0 thực chất là sự chuyển dịch từ cách mạng số (đơn giản, máy móc) sang cuộc cách mạng của sự sự sáng tạo (dựa trên sự kết hợp giữa các công nghệ). Cuộc cách mạng này đang và sẽ buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất và cách thức hoạt động kinh doanh của mình. Trong cuộc CMCN 4.0 này, kỳ vọng sẽ tạo ra sự bùng nổ về năng suất lao động. Công nghệ đã giúp các doanh nghiệp có những thiết bị mới, bao gồm cả thiết bi ảo để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với phương thức cung ứng mới (đặt hàng và cung hàng qua mạng. ). Mặt khác, cuộc CMCN 4.0 và với những phiên bản 4.1; 4.2.. sẽ tạo ra sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp, giữa các nền kinh tế và năng lực con người chứ không phải là nguồn vốn tài chính sẽ trở thành nhân tố quyết định của nền sản xuất. Cả bề rộng lẫn chiều sâu của CMCN 4.0 báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội và theo đó là những thay đổi của GDNN.
Trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp.
CMCN 4.0 tác động lên toàn bộ hoạt động đời sống xã hội, trong đó có GDNN, thể hiện ở những điểm sau :
  •  Quy mô và tốc độ của sự đổi mới công nghệ xét trên cả hai phương diện: sự phát triển và tính phổ biến của CMCN 4.0 diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Bên cạnh tốc độ và qui mô CMCN 4.0 còn tích hợp rất nhiều lĩnh vực khác nhau (ví dụ công nghệ chế tạo số có thể tương tác với thế giới sinh học; kỹ thuật vật liệu liên quan đến tương tác giữa các vi sinh vật, cơ thể người ...). Những đột phá KH&CN mới dường như là vô hạn, diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực và nhiều nơi khác nhau, với tốc độ chưa có tiền lệ đang phá vỡ hầu hết khuôn khổ mọi ngành công nghiệp ở mọi quốc gia,. Tất cả phát minh công nghệ mới đều có đặc điểm chung: tận dụng sức mạnh của số hóa và công nghệ thông tin (CNTT). Điều này đòi hỏi GDNN phải thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo một cách thường xuyên và linh hoạt.
  • Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi NNL có năng lực thích ứng nhanh. Một thế hệ công dân toàn cầu đang hình thành để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, họ phải được trang bị và sử dụng thành thạo 2 công cụ: CNTT và Ngoại ngữ. Cơ cấu trình độ, sự phân tầng chất lượng sẽ phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, cứng nhắc, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng phương thức đào tạo linh hoạt với mục tiêu cao nhất là cung cấp cho CMCN 4.0 nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng với các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thay đổi. Điều này đòi hỏi các hoạt động quản trị nhà trường phải thay đổi, từ tư duy quản trị truyền thống, khuôn mẫu, sang tư duy quản trị động, thích ứng.
  • CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho GDNN, các ngành nghề mới xuất hiện, CTĐT có tính liên ngành, hướng tới đào tạo ngành rộng để người học có kiến thức nền tảng, từ đó hình thành kỹ năng sáng tạo và thích ứng với nhiều công việc khác nhau.
Những sự thay đổi này của sản xuất và cơ cấu nhân lực trong thị trường lao động tương lai, đặt ra nhiều thách thức đối với GDVN, đó là:
-Thứ nhất, để đáp ứng được nhu cầu nhân lực có chất lượng cao và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế 4.0, các cơ sở GDNN phải đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra những “sản phẩm”- người lao động tương lai có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay “sức ỳ” của nhiều năm đào tạo theo hướng cung với những chương trình đào tạo cứng và phương pháp đào tạo lạc hâu là lực cản của sự đổi mới này. Trong khi cuộc CMCN 4.0 đang và sẽ tác động nhanh và mạnh mẽ đến thị trường lao động Việt nam, thì các cơ sở GDNN nơi cung cấp nhân lực kỹ thuật chủ yếu cho nền kinh tế thích ứng khá chậm chập, vẫn chủ yếu đào tạo theo cách đã cũ. Học sinh, sinh viên với các kiến thức, kỹ năng đang được dạy trong nhà trường hiện nay, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia, còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 3.0 hiện tại, có thể hoàn toàn không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 hoặc đang dễ dàng bị robot thay thế trong tương lai gần ở một số ngành nghề
  • Thứ hai, để đáp ứng nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo, đòi hỏi phải thay đổi các hoạt động đào tạo, nhất là phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT. Tuy nhiên, hiện nay các điều kiện đảm bảo cho sự thay đổi này vẫn còn hạn chế. Hiện nay, ở đa số các các cơ sở GDNN, sự đổi mới phương thức và phương pháp dạy và học còn khá chậm trễ do hạ tầng CNTT còn lạc hậu (ngoại trừ một số cơ sở được đầu tư thành trường chất lượng cao) và không đồng bộ.
  • Thứ ba, sự thay đổi mạnh mẽ trong quản trị nhà trường, nhất là quản trị nguồn nhân lực. Cách mạng 4.0, như đã nêu, đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ CNTT. Đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tác động đến bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên của các cơ sở GDNN. Đội ngũ này phải được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT và điều này dẫn đến sự thay đổi về quy mô và cơ cấu giáo viên (cả về trình độ và kỹ năng), sẽ xuất hiện hiện tượng thừa và thiếu nhân lực. Tuy nhiên, với cơ chế tuyển dụng và sử dụng như hiện nay, đây là vấn đề đang được đặt ra trong các cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, việc đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ( nhu cầu vừa đa dạng, vừa thay đổi nhanh), đòi hỏi tổ chức các hoạt động đào tạo ( phát triển chương trình, tuyển sinh, lập kế hoạch đào tạo...) phải linh hoạt và có tính thích ứng cao. Tuy nhiên, với cách quản trị nhà trường hiện tại, như đã nêu trên, khó có thể đáp ứng yêu cầu này, đòi hỏi phải có sự thay đổi có tính cách mạng.
  • Thứ tư, song song với việc nâng cao chất lượng “máy cái” ( đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý), đổi mới mô hình nhà trường là giải pháp rất cần thiết. Cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần” và hướng tới chỉ đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”.Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung: cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống. Mặc dù vấn đề này đã được đề cập khá lâu, nhất là từ khi có Luật dạy nghề (2006), nhưng mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; giữa đào tạo và sử dụng nhân lực qua đào tạo vẫn còn rất ‘lỏng lẻo”, chỉ được thực hiện một cách tự phát, trên cơ sở các mối “quan hệ” thân thiện, chứ chưa trở thành phổ biến, chưa trở thành “trách nhiệm xã hội” của các doanh nghiệp. Điều này có nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về pháp lý và nhận thức. Mới đây Luật GDNN (2015) đã có quy định cụ thể hơn về vấn đề này, tuy nhiên chưa có kết quả trên thực tế để đánh giá.
  • Thứ năm, vấn đề đổi mới quản lý/quản trị cả ở cấp vĩ mô và cấp cơ sở đối với hệ thống GDNN. Với sự xuất hiện ở những lớp học ảo, nghề ảo, chương trình ảo, và những yêu cầu của thị trường lao động với những kỹ năng sáng tạo mới, đòi hỏi có sự quản trị nhà trường hiện đại để một mặt hướng tới sự đảm bảo “mặt
bằng” chất lượng; mặt khác, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế sáng tạo và cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này cũng đang là vấn đề của hệ thống GDNN, khi hệ thống cơ sở pháp lý đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện. Về mặt quản lý vĩ mô, để thống nhất mặt bằng chất lượng, đòi hỏi phải tiến hành xây dựng các chuẩn và tổ chức xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội/Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang triển khai khẩn trương các hoạt động này nhưng nguồn lực và kinh nghiệm còn hạn chế, đòi hỏi có sự hợp tác mạnh mẽ giữa các chuyên gia; giữa các tổ chức trong và ngoài nước. Mặt khác, về mặt quản lý, như đã nêu trên, sự chưa đồng bộ, còn chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các Bộ ngành; sự chưa rạch ròi giữa các chức năng quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là những hạn chế đã được chỉ ra và cần được khắc phục.
Trước những thách thức đó, quản trị GDNN trong cuộc CMCN 4.0 ở nước ta sẽ như thế nào cả ở cấp độ vĩ mô và cấp độ nhà trường? CMCN 4.0 cùng với những thay đổi nhanh chóng và rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đời sống xã hội đặt các nhà quản lý GDNN trước những thách thức ở mức độ chưa từng có về yêu cầu đổi mới tư duy, phát triển hệ thống GDNN, xây dựng tầm nhìn, mục tiêu, nội dung, chương trình phương thức tổ chức đào tạo chất lượng và hiệu quả, năng lực quản trị sự thích ứng với những thay đổi.
  1. Một số khuyến nghị hàm ý chính sách
  • Đối với QLNN về GDNN
  •  Phân định rõ công tác QLNN với quản trị của cơ sở GDNN. Phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý GDNN địa phương theo hướng chuyển dần vai trò từ chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ sang giao quyền, hỗ trợ và giám sát. Thực sự thực hiện mô hình quản lý lấy nhà trường làm cơ sở. Xác lập vai trò thực chất của Hội đồng trường là đại diện chủ sở hữu, đại diện tinh thần phát triển và đại diện giải trình.
  • Theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục- đào tạo, tự chủ của các cơ sở GDNN phải hướng tới mục tiêu, bình đẳng giữa trường công và trường tư trong hoạt động đào tạo; hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, trong thời gian tới các cơ quan Chính phủ phải tiếp tục rà soát về cơ chế, chính sách để trao quyền hoàn toàn cho các cơ sở GDNN, gắn với trách nhiệm giải trình và sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội. Quan điểm của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới GD-ĐT cũng đã nêu rõ vấn đề tự chủ các cơ sở GD-ĐT, nhất là đối với giáo dục đại học và GDNN và tách bạch quản lý nhà nước và quản trị nhà trường. Đây là cơ sở quan trọng đề thực hiện mô hình quản trị nhà trường trong môi trường tự chủ và nhà nước thay vì quản lý theo kiểu “cầm tay chỉ việc” chuyển sang giám sát hoạt động.
  • Mô hình quản trị cơ sở GDNN phải gắn với mô hình quản lý nhà nước về GDNN. Như trên đã nêu, hiện nay có một xu hướng quốc tế rất mạnh mẽ trong việc tăng cường quyền tự chủ của các trường học công, thông qua việc chuyển các trường thành những tổ chức tự quản theo mô hình bán độc lập hoặc/và độc lập. Với sự thay đổi này, quản lý nhà nước về GDNN cần chuyển mạnh từ hệ thống nhà nước kiểm soát chi tiết sang hệ thống nhà nước chỉ đạo và giám sát. Nói cách khác, nhà nước trao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở GDNN, nhất là Hội đồng trường và Hiệu trưởng nhà trường trong hoạt động đào tạo của trường, đây chính là tạo môi trường tự chủ. Đồng thời huy động nguồn lực phát triển trường và quy định quyền tự chủ của cơ sở GDNN đối với các hoạt động đào tạo và quản lý tài sản trong nhà trường. Để thực hiện tự chủ cơ sở GDNN, cần hướng tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản của các Bộ hiện nay đang chủ quản. Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội, theo Luật định là cơ quan QLNN chung về GDNN.
  • Đối với quản trị cơ sở GDNN
  •  Quản trị nhà trường trong môi trường tự chủ - một yêu cầu tiên quyết của quản trị trường học. Quản lý nhà trường phải chuyển đổi mạnh sang quản trị “tổ chức trường học” bao gồm: tổ chức vận hành nhà trường; tổ chức lớp học - thầy giáo - học sinh - các bên lợi ích liên quan; phân bổ nguồn lực và cơ chế giám sát, đánh giá. Xu hướng mới nhấn mạnh quyền tự chủ của nhà trường như là một tổ chức khởi nguồn và cũng là nơi đón nhận kết quả của đổi mới giáo dục để làm nên chất lượng. Như vậy, cơ sở GDNN phải là nơi huy động, sử dụng và khai thác nguồn lực một cách chủ động nhất; và với mục tiêu vì chất lượng và phát triển bền vững.
  •  Theo David (1989), quản trị cơ sở GDNN trong môi trường tự chủ và trách nhiệm xã hội thể hiện ở những điểm cơ bản sau:
+ Cơ sở GDNN là đơn vị quyết định chủ yếu những vấn đề liên quan đến thực hiện vai trò, sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ trước, trong và sau khi vận hành. Từ đó, cần tăng quyền tự chủ về tài chính và quản lý, giảm thiểu khống chế từ các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN ở trung ương và địa phương.
+ Quyền sở hữu (hoặc đủ tư cách và trách nhiệm đại diện quyền sở hữu) là điều kiện chủ yếu để cải cách theo hướng tự chủ và trách nhiệm xã hội nhưng các bên có lợi ích liên quan phải hợp tác cùng đưa ra quyết sách.
+ Tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội, cơ sở GDNN phải có trách nhiệm giải trình với các bên liên quan (cấp trên, giáo viên, học sinh, gia đình và cộng đồng) về chất lượng đào tạo, hiệu quả quản lý, tính an toàn của môi trường giáo dục, chế độ chính sách và những vấn đề mà học sinh, gia đình, cộng đồng xã hội kì vọng ở nhà trường.
  • Cơ sở GDNN là đơn vị quyết định chủ yếu trên các mặt:
  1. Quyết định mục tiêu, sứ mệnh, quyết định giải pháp thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà trường các quy định đã ban hành;
  2. Tự chủ quản lý quá trình đào tạo theo chương trình đào tạo quy định;
  3. Tự chủ về tuyển dụng và quản lý nhân sự và giáo viên;
  4. Tự chủ về quản lý, sử dụng nguồn ngân sách được cấp từ phía nhà nước, chủ động huy động và sử dụng nguồn lực trong khuôn khổ pháp luật cho phép;
(đ) Đối với mỗi loại hình sở hữu, các bên có lợi ích liên quan hợp tác, đưa ra các quyết sách theo cơ chế hội đồng. Tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội - trách nhiệm giải trình.
Trong bối cảnh hiện nay và với xu hướng phát triển của hệ thống GDNN, khuyến nghị một số mô hình quản trị nhà trường như sau:
  1. Đối với những cơ sở GDNN tự chủ hoàn toàn, việc quản trị nhà trường được thực hiện như nêu trên (nhà trường được thực hiện các nhiệm vụ từ (a) đến (đ) và nhà nước chỉ thực hiện chức năng giám sát. Mô hình quản trị này sẽ làm mô hình phổ biến trong tương lai cho cả trường công và trường tư;
  2.  Đối với những cơ sở GDNN tự chủ một phần, việc quản trị nhà trường được toàn quyền thực hiện đối với các hoạt động (a) và (b). Đối với các hoạt động khác, nhà trường vẫn chịu sự quản lý, chỉ đạo của các cơ quan QLNN có liên quan, nhưng được trao một số quyền, như:
  • Đối với hoạt động (c) Nhà trường được quyền tuyển dụng giáo viên, nhưng đối với các bộ, nhân viên, phải thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm đã được phê duyệt. Đối với hoạt động (d), việc sử dụng ngân sách phải tuân thủ Luật ngân sách và các cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công. Đối với hoạt động (đ), Hội đồng trường là cơ quan cao nhất trong trường, nhưng việc bổ nhiệm, miễn nhiệm vẫn phải tuân thủ theo quy định về quản lý công chức, viên chức của nhà nước;
Mô hình quản trị nhà trường theo kiểu này, theo chúng tôi, chỉ là mô hình đệm, trong tương lai sẽ chuyển sang mô hình thứ nhất.
  1. Đối với những cơ sở GDNN thực hiện nhiệm vụ đặc thù (đào tạo nghề ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở GDNN cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...) vẫn do ngân sách nhà nước đảm bảo hoạt động chi thường xuyên, việc quản trị nhà trường, về cơ bản thực hiện theo mô hình (2) nhưng chủ yếu tự chịu hoạt động đào tạo (hoạt động (b)) và tự chủ các khoản thu ngoài ngân sách. Mô hình này chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan QLNN về GDNN, nhất là đối với quản trị tổ chức, nhân sự; quản trị tài chính và tài sản nhà trường.
Trong kỷ nguyên số, quản trị nhà trường với mô hình tự chủ nêu trên có điều kiện thực hiện được thông qua ứng dụng CNTT. Nhà nước thực hiện giám sát chất lượng hoạt động đào tạo, nhất là chất lượng đầu ra của nhà trường trên nền tảng của CNTT.
Thay lời kết luận
“Nếu công tác quản trị là việc điều khiển và điều hành thì công tác quản trị có hiệu quả sẽ bao gồm những kiến thức về các điều kiện khác nhau trong điều hành quản lý và nhu cầu về các công cụ quản lý đầy đủ, kỹ năng và năng lực của người cầm chèo, và quan trọng nhất là sự hiểu biết được chia sẻ giữa những người lèo lái con thuyền, những người đi trên thuyền cũng như những hành khách đang đợi thuyền ở những bến khác nhau để sử dụng những hàng hóa mà con thuyền đang chở. ’ (Vukasovich ,2006, p.205).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Avans P. (1995), Embedded Autonomy, State and industrial transformation, Princeton, Princeton University Press.
  2. Back H. and Hadenius A (2008), Democracy and State Capcity: Exploring a J-Shaped Relationship, Governance: An International Journal of Policy, Administration and Institutions.
  3. Đặng Quốc Bảo (2014), Tiếp cận quản lý hiện đại vận dụng vào quản lý nhà trường, Học viện QLGD.
  4. Donnelly, J.H.; Gibson, J.L. và Ivancevich, J.M. (2000), Quản Trị Học Căn Bản. Người dịch: Vũ Trọng Hùng, Nhà xuất bản thống kê.
  5. Nguyễn Duy Huân (1997), Quản trị học, Nhà xuất bản thống kê.
  6.  Vũ Xuân Hùng^ (2018), Đổi mới QLNN về GDNN theo định hướng TTLĐ và HNQT, Đề tài KH cấp Bộ.
  7. Kaus Schwab (2016) Industrial Revolution 4.0, the World Economic Forum in Davos, Switzerland, May.
  8.  Vũ Minh Khương (2009) Việt Nam trước thách thức xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, Tuần Việt Nam.
  9. Ngô Tuyết Mai (2012), Cải cách trường đại học công nhằm nâng cao chất lượng đào tạo: Điều Việt nam có thể học hỏi từ các nước trên thế giới, Hội thảo Quốc tế, tại TP. Hồ Chí Minh.
  10. Lê Minh Quân (2016), Nhà nước kiến tạo, Tạp chí Lý luận chính trị số 8
  11. Robbins, S.P. và Coultar, M. (1996); Management, Tái bản lần thứ năm. Nhà xuất bản Prentice Hall International.
  12.  Mạc Văn Tiến (2012), Đổi mới căn bản, toàn diện GDNN trong giai đoạn mới, Đề tài khoa học cấp Bộ.
  13.  Mạc Văn Tiến (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống GDNN Việt nam, Hội Thảo Quốc tế, TP.HCM
  14. White G.(2006), Towards a Democratic Developmental State, IDS Bulletin, 37(4).
  15. Wily.H. (1991) School- Based Management and it linkages with School Effectiveness, Researching educational Management Administration:Theory Prctice. ACEA.
 
[1] Nguồn: Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, 2018
[2] Nguồn: Tổng cục GDNN, 2018
[3] Nguồn: Thanh tra Tổng cục GDNN, 2018
[4] Dẫn theo Ngô Tuyết Mai, (2012)

Tác giả: Mạc Văn Tiến - Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

hông phải là tôi đã thất bại, chẳng qua chỉ là tôi đã thực hiện hàng nghìn cách chưa có hiệu quả

Thomas Edison

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Bạn biết gì về GDNN.EDU.VN

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây