Hãy chọn nghề bạn thích, phù hợp sở trường cá nhân và nhu cầu nhân lực xã hội

Thứ sáu - 13/01/2017 03:50
Chọn nghề đó là việc đối chiếu nguyện vọng, sở trường, khuynh hướng, hứng thú và năng lực của mình với yêu cầu của nghề xem có phù hợp hay không. Việc chọn nghề vô cùng hệ trọng nên phải đắn đo suy nghĩ kỹ. Nếu chọn nghề đúng, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, phấn khởi, hăng say lao động nên năng suất lao động tăng, ngược lại nếu chọn nghề sai sẽ làm cho con người buồn phiền, chán nản, năng suất thấp, không yên tâm công tác, muốn đổi nghề, thậm chí bỏ nghề gây thiệt hại lớn cho gia đình và xã hội.
Vậy làm thế nào để chọn nghề đúng, nhất là trong bối cảnh thế giới nghề nghiệp rộng lớn và biến đổi không ngừng, đa dạng phức tạp đặt ra nhiều thách đố đối với thế hệ trẻ khi chọn nghề. Trong khi đó, với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước đòi hỏi người lao động có trình độ cao, ở bất kỳ nơi nào cũng cần người thợ phải có kiến thức phổ thông, kỹ thuật cơ sở, kỹ thuật chuyên môn vững vàng và tay nghề cao. 
 
Trong những ngày qua, cả nước, cả xã hội đều quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, rất nhiều thông tin về kỳ thi, niềm vui có, buồn có và cả những lỗi lo âu còn hiện hữu trên không ít khuôn mặt của các bạn học sinh. Trước ngưỡng cửa cuộc đời, những quyết định đầu tiên của bạn về nghề nghiệp bị thêu dệt bởi nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa nguyện vọng ngành nghề của cá nhân với nhu cầu nhân lực xã hội (vấn đề việc làm sau tốt nghiệp), giữa tâm lý phổ biến của học sinh và kể cả phụ huynh vẫn coi đại học là con đường tiến thân duy nhất, giữa giấc mơ quá bay bổng và cuộc sống hiện thực… 
 
Tuổi trẻ có những ước mơ đẹp và hoài bão lớn, nguyện vọng của các bạn muốn vào đại học là chính đáng, song các bạn cũng phải hiểu rằng đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất, không phải là con đường duy nhất để vào đời, điều cơ bản là quá trình học tập và rèn luyện suốt đời của bạn mới đem lại những thành công cho bạn. Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử trong nước và thế giới đã có nhiều người thành danh và thành công trong sự nghiệp mà bắt đầu vào đời từ học nghề, có thể kể đến như Bác Tôn của chúng ta đã từng học nghề tại trường Kỹ nghệ Sài Gòn và đã trở thành Chủ tịch nước hay Nhà thiết kế ra vũ trụ đầu tiên trên thế giới – Viện sỹ C.P. Côpôliốp, Anh hùng lao động I.U.A. Gagarin (Liên xô cũ) đã trưởng thành từ học sinh học nghề[1]… Đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đề cao những bạn trẻ có kỹ năng nghề không kể nghề đó là gì, miễn đó là những nghề có ích cho xã hội và giúp họ lập thân, lập nghiệp. Trong những ngày qua, tại São Paulo, Brazil đã diễn ra Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43, Thí sinh Nguyễn Duy Thanh nghề Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin đã xuất sắc giành Huy chương đồng và là thí sinh xuất sắc nhất quốc gia nhận giải "Best of nation" cùng với đại diện của 59 quốc gia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt huy chương tại Kỳ thi tay nghề thế giới. Cùng với Huy chương đồng của Nguyễn Duy Thanh, đoàn Việt Nam đạt 8 Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc ở các nghề: Thiết kế web; Hàn ; Thiết kế kỹ thuật Cơ khí CAD (Xây gạch; Phay; Đường ống nước; Cơ điện tử[2]. Có rất nhiều hình ảnh và thông tin về Kỳ thi đã được truyền tải trên các trang thông tin điện tử về việc vinh danh các thí sinh của các quốc gia với các nghề tại Kỳ thi nhằm tôn vinh giá trị của Kỹ năng nghề, song chỉ vớimột hình ảnh và lời bình dưới đây về chuyên gia và thí sinh dự thi nghề Xây gạch cũng để lại cho mỗi bạn trẻ ở nước ta cần phải suy nghĩ về việc chọn nghề và học nghề trong giai đoạn hiện nay. 
 

 
“Đây là chuyên gia và các thí sinh nghề xây gạch, họ rất đẹp trai, xinh gái, rất yêu nghề nghiệp của mình, nghề này ở các nước phát triển rất được hâm mộ và tôn trọng"[3]
 
Cùng với sở thích, sở trường của bạn đối với nghề, bạn cũng cần nắm bắt các thông tin về tình hình thị trường lao động, nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế địa phương, quốc gia và cả nhu cầu thị trường lao động của khu vực và thế giới nữa (trong bối cảnh hội nhập quốc tế này càng sâu rộng,vấn đềchuyển dịch lao độnggiữa các quốc gia diễn ra phổ biến, cạnh tranh về thị trường sức lao động ngày càng lớn). 
 
Để giúp các bạn có cơ sở lựa chọn ngành nghề phù hợp, sau đây xin giới thiệu với các bạn một số nguyên tắc chọn nghề như sau:
 
Đứng trước việc lựa chọn nghề này hay nghề kia bạn phải trả lời 3 câu hỏi:
 
- Bạn có muốn làm nghề đó không?(Nghề đó là nguyện vọng và hứng thú của bạn)
 
- Bạn có khả năng làm nghề đó không?(Nghề đó phù hợp sở trường của bạn)
 
- Nghề đó có cần cho xã hội không?(Nghề đó cần cho xã hội – có cơ hội việc làm sau tốt nghiệp)
 
Không thể chọn hết được các loại ngành nghề, nhưng cái chốt quan trọng và chủ yếu nhất là hài hòa 3 yếu tố trong đó yếu tố nghề cần cho xã hội đặt lên hàng đầu.
 
Sau khi lựa chọn được nghề phù hợp bạn sẽ tìm thông tin về trường đào tạo và trình độ đào tạo tương ứng mà bạn muốn tham gia học tập. Các thông tin về tuyển sinh đào tạo các trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và sơ cấp của các nghề được đăng tải trên chuyên trang Tuyển sinh của Tổng cục Dạy nghề theo địa chỉ www.tuyensinh.tcdn.gov.vn và các trang điện tử của trường mà bạn muốn học để tìm hiểu thông tin tuyển sinh chi tiết.
 
Trong mùa tuyển sinh năm 2015 này, trước những băn khoăn, vướng mắc trong việc lựa chọn nghề, chọn trường của các thí sinh và những nỗi lo âu của các bậc phụ huynh đối với sự lựa chọn nghề nghiệp của con mình, hy vọng rằng một số thông tin trên sẽ giúp các bạn thí sinh chọn được nghề bạn thích. Đó cũng là yếu tố quan trọng giúp bạn đạt được mục tiêu học tập: học nghề để lập nghiệp; học tập thường xuyên, học tập suốt đời để hướng tới thành công trong tương lai!
 
Nguồn thông tin và Tài liệu tham khảo:
 
[1] PGS.TS Đặng Danh Ánh: Giáo dục hướng nghiệp Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2000.

[2]Việt Nam đạt Huy chương đồng tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43, São Paulo, Brazil -Thông tin ngày 17/8/2015 trên Website: www.tcdn.gov.vn

[3] PGS.TS Dương Đức Lân – Tổng cục Trưởng Tổng cục Dạy nghề, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43. 

Tác giả: ThS. Trần Thị Thu Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu

Danh ngôn

Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học

Comenxki

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây