08 chính sách và giải pháp mới để phân luồng và tạo việc làm trong giáo dục nghề nghiệp

Thứ sáu - 13/01/2017 03:46
Năm học 2015-2016 sẽ là năm học đánh dấu mốc lịch sử của giáo dục - đào tạo nước ta, với nhiều đổi mới về thi tốt nghiệp trung học phổ thông; về tuyển sinh đại học; về giáo dục nghề nghiệp.
08 chính sách và giải pháp mới để phân luồng và tạo việc làm trong giáo dục nghề nghiệp
Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có một số chính sách, quy định mới về tuyển sinh, đào tạo, chính sách học phí, tiền lương, tuyển dụng, việc làm trong giáo dục nghề nghiệp... tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội to lớn cho học sinh và gia đình khi bắt đầu lựa chọn ngành/nghề, trường đào tạo để trang bị kiến thức, kỹ năng cho con em mình trong nghề nghiệp tương lai, cụ thể như sau:
 
1. Người học được Nhà nước miễn học phí trong các trường hợp sau đây:
 
- Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;
 
- Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp;
 
- Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
 
(Khoản 2 Điều 62 Luật giáo dục nghề nghiệp)
 
2. Người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người học là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật mà có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được hưởng chính sách nội trú theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (Khoản 5 Điều 62 Luật giáo dục nghề nghiệp).
 
3. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp không nhất thiết phải có văn hóa trung học phổ thông. Thời gian đào tạo trình độ trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ còn từ 1 đến 2 năm học tùy theo nghề đào tạo khi học theo niên chế (theo quy định trước đây là từ 3 - 4 năm do phải học thêm văn hóa trung học phổ thông). Đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao hơn thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa trung học phổ thông và đây là nội dung mang tính tự chọn. Như vậy, nội dung văn hóa trung học phổ thông không trở thành nội dung bắt buộc đối với người học như quy định của Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục (Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp).
 
4.  Đổi mới tổ chức quản lý, đào tạo. Nếu trước đây, tổ chức đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chỉ có phương thức đào tạo theo niên chế thì bây giờ Luật quy định rõ trong tổ chức quản lý đào tạo có thêm 2 phương thức đào tạo mới: Đào tạo theo tích lũy mô đun và đào tạo theo tích lũy tín chỉ. Theo phương thức đào tạo này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ là hệ thống mở, linh hoạt, đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng nghề hoặc với các nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân; người học được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, được học theo năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, có thể học nhiều nội dung trong cùng thời gian và được công nhận theo hình thức tích lũy các năng lực; người học có thể học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân người học (Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp).
 
5. Được xét công nhận tốt nghiệp (không nhất thiết phải thi tốt nghiệp) đối với sinh viên học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nếu tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định. Được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành, tùy vào ngành nghề đào tạo (Điểm c, Khoản 1 Điều 38 Luật Giáo dục nghề nghiệp).
 
6. Người học sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang theo quy định (trước đây chưa có quy định về việc này); ưu tiên đối với những người có bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên (điểm a Khoản 8 Điều 62 Luật giáo dục nghề nghiệp).
 
7. Tiền lương cho người đã qua học nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng (Điểm b Điều 5 Nghị định 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động).
 
8. Người lao động được vay tín dụng ưu đãi để tạo việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Nghị định số 65/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm và Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững…).
 
Theo Profiles International (công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tuyển chọn và phát triển lực lượng lao động có hiệu suất cao thông qua các giải pháp quản lý nhân sự đột phá và sáng tạo) thì công việc đầu tiên không phải là công việc cuối cùng của bạn, hay nói cách khác là đời người không chỉ làm một công việc, một nghề. Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, mỗi ngày đều có nhiều công việc mới được tạo ra, vì vậy cần tìm hiểu xem những ngành/nghề nào hiện tại đang phát triển, các ngành/nghề nào trong tương lai sẽ phát triển, nhu cầu lao động của ngành/nghề nào cao để sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm cao và thu nhập tốt, từ đó đặt những ngành/nghề nằm trong lĩnh vực đó lên "bàn cân" rồi bắt đầu tìm kiếm cho mình khóa học, trường đào tạo phù hợp nhất với năng lực, sở thích và nguyện vọng của mình. Không nên chạy theo trào lưu chọn những ngành/nghề "thời thượng", những trường "hot" nếu như không phù hợp với mục tiêu tương lai của mình. 
 
Học tập để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng và trình độ đào tạo là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân và xã hội. Tuy nhiên không nhất thiết cứ phải học đại học ngay bằng mọi giá. Thực tế nhiều người vẫn muốn con em mình vào học đại học, ngay cả khi chưa nhìn thấy cơ hội xin việc cho con ở đâu, thậm chí họ biết học đại học ra không tìm được việc làm; nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con theo học mấy năm đại học xong không tìm được việc lại thêm mấy năm học nghề để có việc làm phù hợp. Đây là cách đi ngược gây lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội. Do vậy, nếu như nhận thấy học một ngành/nghề ở bậc trình độ thấp hơn sẽ là phù hợp hơn với năng lực, sở thích và mục tiêu nghề nghiệp trước mắt của mình thì không nên chạy theo tâm lý bằng cấp, có thể trước mắt theo học trình độ sơ cấp, trung cấp hay cao đẳng, sau đó có việc làm, có tích lũy lại đi học đại học tiếp sẽ thuận hơn.
 
Hy vọng rằng, những thông tin nêu sẽ có ích để giúp học sinh và các bậc phụ huynh có những sự lựa chọn thiết thực nhất khi xem xét, đăng ký ngành/nghề, trình độ và cơ sở đào tạo khi bắt đầu đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cũng như các trường nghề trong năm học 2015-2016./.

Tác giả: TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng TCDN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Danh ngôn

Giáo dục như ánh thái dương phản chiếu cả đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo

Pestalogi

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Bạn biết gì về GDNN.EDU.VN

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây