Kiểm định chất lượng Giáo dục nghề nghiệp - Thực trạng và một số khuyến nghị hàm ý chính sách

Thứ sáu - 01/11/2019 04:31
Bài viết trình bày tổng quan về các kết quả đã đạt được trong công tác kiểm định chất lượng GDNN tại Việt Nam trong 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ khi kiểm định chất lượng dạy nghề lần đầu tiên được quy định trong Luật Dạy nghề 2006 và Giai đoạn 2 từ khi Luật GDNN có hiệu lực (ngày 1.7.2015) đến nay. Bài viết cũng nêu ra những hạn chế, tồn tại trong công tác kiểm định chất lượng GDNN tại Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân dân đến các hạn chế, tồn tại, bài viết đề xuất một số khuyến nghị hàm ý chính sách phát triển hệ thống kiểm định chất lượng
GDNN trong giai đoạn sắp tới.
Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở GDNN. Theo đó, công tác kiểm định chất lượng GDNN được xác định là một những cộng cụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng của hệ thống GDNN. Ngày 06/6/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 37- CT/TW, trong đó, nêu rõ “Chú trọng kiểm định chất lượng đào tạo, tăng cường quản lý chương trình, nội dung và chất lượng GDNN, nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao” [1].
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng hay kiểm định chất lượng ở Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa về “đảm bảo chất lượng”. Theo Mạng lưới quốc tế Các cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE) thì "đảm bảo chất lượng” là tổng thể các chính sách, quy trình, thủ tục hệ thống và các biện pháp thực hiện trong nội bộ và từ bên ngoài của tổ chức giáo dục nhằm đạt được, duy trì, và nâng cao chất lượng và các tiêu chuẩn” [10]. Định nghĩa này nhấn mạnh các quy trình, biện pháp thực hiện cả trong nội bộ tổ chức và từ bên ngoài tổ chức để duy trì và nâng cao chất lượng. Trên nền tảng định nghĩa này, “đảm bảo chất lượng bên trong” (Interal Quality Assurance) được định nghĩa là các hoạt động đảm bảo chất lượng do cơ sở giáo dục thực hiện và “Đảm bảo chất lượng bên ngoài” (External Quality Assurance) được thực hiện bởi cơ
quan, tổ chức bên ngoài cơ sở giáo dục.
Có thể thấy, trong những năm qua, GDNN của Việt Nam đã tiếp cận được định nghĩa về đảm bảo chất lượng theo quan điểm của INQAAHE nêu trên.
“Kiểm định chất lượng” (accreditation) trong bài viết này được định nghĩa là một hình thức, công cụ đảm bảo chất lượng bên ngoài cơ sở GDNN, được quy định bởi cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. Công cụ này nhằm đánh giá, công nhận chất lượng cơ sở GDNN hay chương trình GDNN sau khi đăng ký hoạt động GDNN và chỉ thực hiện đánh giá, công nhận chất lượng đối với cơ sở GDNN hoặc chương trình đào tạo sau khi cơ sở GDNN đã có ít nhất một khóa sinh viên tốt nghiệp. Đảm bảo chất lượng bên ngoài trong GDNN Việt Nam còn có các công cụ/quy trình khác bao gồm đăng ký hoạt động GDNN, thanh tra, kiểm tra, đánh giá, công nhận trường chất lượng cao... Tuy nhiên các công cụ nêu trên không thuộc phạm vi đánh giá của bài viết này.
I. thỰc trạng công tác kiểm định chất lượng giáo dục
NGHỀ NGHIỆP TẠI việt nam từ 2006 ĐẾN NAY
  1. Kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề theo quy định Luật Dạy nghề
Các hoạt động nghiên cứu về kiểm định chất lượng GDNN tại Việt Nam bắt đầu được thực hiện trong khuôn khổ Dự án ODA Giáo dục Kỹ thuật và Dạy nghề do Tổng cục GDNN triển khai thực hiện (Dự án VTEP/1999-2009). Từ kết quả của dự án, kiểm định chất lượng dạy nghề lần đầu tiên được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật là Luật Dạy nghề năm 2006 (tại Chương VIII, từ Điều 73 đến Điều 78). Đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành hệ thống kiểm định chất lượng GDNN tại Việt Nam.
Các kết quả chính đã đạt được trong giai đoạn này gồm:
  •  Đã ban hành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng dạy nghề khá đồng bộ, tạo điều kiện pháp lý triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở GDNN trên phạm vi cả nước, gồm: các quy định về hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng với từng loại hình cơ sở GDNN gồm trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề; quy định về kiểm định viên chất lượng dạy nghề; quy định về quy trình kiểm định chất lượng cơ sở GDNN. Các văn bản được xây dựng theo quy trình chặt chẽ, có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ Viện Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục của Hoa Kỳ;
  • Xây dựng và ngày càng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chuyên môn về kiểm định chất lượng dạy nghề như quy trình tự kiểm định, quy trình đoàn đánh giá ngoài, thẩm định, công nhận kết quả đánh giá....đảm bảo cập nhật, tiếp thu kinh nghiệm của quốc tế vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam;
  • Hình thành và kiện toàn tổ chức quản lý kiểm định dạy nghề ở Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là Vụ Kiểm định chất lượng dạy nghề (hiện nay là Cục Kiểm định chất lượng GDNN) - là đơn vị trực thuộc Tổng cục Dạy nghề giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm định chất lượng dạy nghề trên phạm vi cả nước. Trong giai đoạn này, Vụ Kiểm định chất lượng dạy nghề lập kế hoạch triển khai kiểm định hàng năm, hướng dẫn các cơ sở GDNN tự kiểm định, trình thành lập và tổ chức các Đoàn đánh giá ngoài tới các cơ sở GDNN, triển khai thẩm định và trình công nhận kết quả kiểm định, thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác kiểm định chất lượng dạy nghề. Thành viên Đoàn đánh giá ngoài được huy động từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và chuyên gia trong lĩnh vực dạy nghề. Toàn bộ chi phí triển khai kiểm định chất lượng GDNN giai đoạn này do ngân sách nhà nước chi trả từ kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia;
  • Đã xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo cán bộ tự kiểm định chất lượng cơ sở GDNN. Tính đến ngày 30/6/2015, tổng số cơ sở GDNN đã qua đào tạo cán bộ tự kiểm định chất lượng dạy nghề là 419 lượt cơ sở GDNN gồm: 160 lượt trường cao đẳng nghề, 153 trường trung cấp nghề và 106 trung tâm dạy nghề; tổng số cán bộ, giáo viên của các cơ sở GDNN đã qua đào tạo cán bộ tự kiểm định là 2.514 người;
  •  Đã kiểm định, công nhận kết quả kiểm định đối với 184 cơ sở GDNN với tổng số 239 lượt kiểm định. 51% số trường cao đẳng nghề, 20% số trường trung cấp nghề và 3% số trung tâm dạy nghề đã được kiểm định. Nhiều cơ sở GDNN đã tham gia kiểm định 2 đợt. Quy trình triển khai kiểm định chất lượng cơ sở GDNN chặt chẽ, chưa xảy ra khiếu nại, kiện tụng về kết quả kiểm định; kết quả kiểm định được công bố công khai cho xã hội biết. Sau khi tham gia kiểm định, nhiều cơ sở GDNN đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề, đã thành lập Phòng có chức năng, nhiệm vụ về kiểm định chất lượng dạy nghề nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy nghề của cơ sở GDNN;
  • Đã triển khai thí điểm kiểm định chương trình đào tạo; kết quả thí điểm là cơ sở đề xuất quy định kiểm định chương trình đào tạo GDNN trong Luật GDNN và các văn bản hướng dẫn Luật GDNN (Luật Dạy nghề chỉ quy định về kiểm định cơ sở GDNN, chưa quy định về kiểm định chương trình đào tạo);
  • Đăng ký và đã được phê duyệt là thành viên Tổ chức Mạng lưới chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQN - ASEAN - Pacific Quality Network) từ năm 2009, tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về kiểm định và đảm bảo chất lượng dạy nghề; tăng cường các hợp tác quốc tế với Cơ quan Giáo dục quốc tế (AEI - Australian Education International), Đại sứ quán Úc tại Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm của Úc về quy trình đánh giá ngoài cơ sở GDNN và đạo tạo kỹ năng đánh giá ngoài kiểm định viên chất lượng dạy nghề;
phối hợp với Đại sứ quán Úc triển khai tự đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng dạy nghề của Việt Nam theo Khung đảm bảo chất lượng dạy nghề của Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Á (East Asia Summit) (năm 2015) và tổ chức hội thảo để trao đổi về kết quả đánh giá và xác định giải pháp hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng dạy nghề;
  • Đánh giá, tổng kết quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các chiến lược, giải pháp phát triển hệ thống kiểm định chất lượng dạy nghề giai đoạn tiếp theo bao gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về kiểm định chất lượng GDNN trong Luật GDNN.
  1. Kết quả kiểm định chất lượng theo quy định của Luật GDNN
Có thể nói, quy định về kiểm định chất lượng GDNN trong Luật GDNN đánh dấu những thay đổi mang tính bước ngoặt trong hệ thống kiểm định chất lượng GDNN Việt Nam. Những điểm mới cơ bản trong quy định về kiểm định chất lượng GDNN quy định trong Luật GDNN (Chương VI) so với Luật Dạy nghề \gồm: (1) Đối tượng của kiểm định chất lượng GDNN gồm cơ sở GDNN và chương trình GDNN (Luật Dạy nghề chỉ quy định về kiểm định cơ sở GDNN) (2) Kiểm định chất lượng GDNN là bắt buộc đối với cơ sở GDNN và chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành hoặc nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế; cơ sở GDNN và chương trình đào tạo các ngành, nghề phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước (Luật Dạy nghề chưa quy định tính bắt buộc của công tác kiểm định) (3) Tổ chức kiểm định (do Nhà nước thành lập hoặc do tổ chức, cá nhân thành lập) thực hiện đánh giá, công nhận kiểm định chất lượng GDNN (4) Cơ sở GDNN nộp phí kiểm định cho tổ chức kiểm định chất lượng GDNN và được quyền lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng GDNN (Luật Dạy nghề quy định: Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương có thẩm quyền cấp và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề). Các kết quả đạt được từ khi Luật GDNN có hiệu lực (ngày 1.7.2015) đến nay như sau:
  • Đã ban hành các quy định để triển khai công tác kiểm định chất lượng GDNN bao gồm: (1) 01 Nghị định quy định về Điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN; Đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng GDNN; Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng GDNN; Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN; Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên chất lượng GDNN; Đánh giá cấp thẻ, quản lý và cấp, cấp lại, thu hồi thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN; (2) Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN và chương trình GDNN các cấp trình độ; (3) Thông tư quy định quy chế đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN; quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng GDNN;
  • Đã ban hành các hướng dẫn chi tiết đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN và hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo các cấp trình độ GDNN, hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện tự đánh giá chất lượng hàng năm;
  • Đã hướng dẫn các đơn vị quan tâm thực hiện các thủ tục để đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiệm hoạt động kiểm định chất lượng GDNN xem xét cấp giấy chứng nhân (hiện có 04 đơn vị gửi hồ sơ về Tong cục GDNN và 4 đơn vị bày tỏ sự quan tâm mong muốn đầu tư trong lĩnh vực);
  • Đã chuẩn bị các điều kiện để cấp thẻ cho những người được cấp trong giai đoạn chuyển tiếp theo Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng GDNN (dự kiến có 219 người đủ điều kiện cấp thẻ khi có nguyện vọng, 340 kiểm định viên giáo dục đại học sẽ được cấp thẻ khi hoàn thành khóa bồi dưỡng của Tổng cục);
  • Đã ban hành chương trình bồi dưỡng giảng viên hạt nhân cho các lớp đào tạo kiểm định viên chất lượng GDNN; rà soát, chỉnh sửa xây dựng và trình ban hành chương trình đào tạo kiểm định viên chất lượng GDNN; tiếp tục rà soát, chỉnh sửa ban hành chương trình bồi dưỡng kiểm định viên chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp;
  • Tổ chức bồi dưỡng và đào tạo hình thành đội ngũ 40 giảng viên hạt nhân cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên chất lượng GDNN; tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng 400 KĐV chất lượng GDNN sử dụng nguồn kinh phí CTMT (trong đó 360 KĐV GDNN và 40 KĐV chất lượng GD Đại học và trung cấp chuyên nghiệp);
  • Xây dựng 100 Đề thi phục vụ đánh giá, cấp thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN; tổng hợp, rà soát hồ sơ, cấp thẻ KĐV không qua đánh giá cho đối tượng đủ điều kiện; đánh giá, cấp thẻ KĐV cho 200 người;
  • Ban hành và triển khai thực hiện Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH quy định hệ thống đảm bảo chất lượng của cơ sở GDNN (đảm bảo bên trong cơ sở GDNN) để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng và phấn đấu đạt tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định một cách thực chất, chống “đối phó” với đánh giá ngoài trong quá trình kiểm định.
Trước khi Thông tư được ban hành, hệ thống đảm bảo chất lượng của phần lớn các cơ sở GDNN không đảm bảo tính toàn diện, hệ thống và chưa áp dụng các công nghệ quản lý hiện đại. Một số ít các cơ sở GDNN áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001 - 2008 nhưng hệ thống này không phù hợp để áp dụng cả tất cả các hoạt động của cơ sở đào tạo nên chưa đạt được kết quả mong muốn. Từ năm 2017, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm triển khai Thông tư 28 được tăng cường. Đến nay, đã ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức cơ bản về đảm bảo chất lượng trong cơ sở GDNN; hình thành đội ngũ 20 giảng viên hạt nhân cho các lớp bồi dưỡng về đảm bảo chất lượng trong cơ sở GDNN, đã tổ chức được 30 lớp cho 1.189 cán bộ, giảng viên của 307 trường cao đẳng, trung cấp.
Hiện tại có hơn 30 trường đã được nhận chuyển giao các công cụ quản lý hiện đại của nước ngoài để lồng ghép trong hệ thống đảm bảo chất lượng của trường (gồm 20 trường cao đẳng thuộc Chương trình “lồng ghép các công cụ quản lý chất lượng” thực hiện từ 2015-2018 với mô hình hợp tác phối hợp với hội đồng Anh Việt Nam và 20 trường trong chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác phát triển CHLB Đức (GIZ) thực hiện từ 2016-2018). Các trường đều được các chuyên gia nước ngoài trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng và chuyển giao các công cụ đảm bảo chất lượng. Một số trường có cán bộ được tham gia các đoàn học tập, nghiên cứu tại Vương quốc Anh và CHLB Đức về đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường.
Tổng cục GDNN đã đẩy mạnh hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN trong việc triển khai xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở GDNN. Phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp đã thành lập Phòng hoặc phân công bộ phận chuyên trách về công tác đảm bảo chất lượng.
3. Kết quả thí điểm kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế
Thực hiện một số chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, công tác kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng đã có nhiều kết quả tốt:
  • Phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức thí điểm đánh giá toàn diện 02 trường cao đẳng theo tiêu chuẩn của Anh quốc và phối hợp với Dự án EU TVET Toolbox tiếp tục đánh giá 04 trường cao đẳng, trong đó có đánh giá chuyên sâu nghề công nghệ ô tô của 04 trường theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở đào tạo của Anh quốc, công bố xã hội biết kết quả đánh giá.
  • Phối hợp với GIZ, CHLB Đức thí điểm đánh giá 03 trường cao đẳng theo khung chất lượng đánh giá chất lượng trường nghề đang áp dụng tại một Bang của CHLB Đức (bang Sachen).
Ngoài thu được kết quả đánh giá về mức độ các trường đạt được hiện nay so với chuẩn quốc tế để xác định chiến lược, giải pháp về phát triển các cơ sở GDNN và chương trình đào tạo GDNN đạt chuẩn quốc tế, hoạt động thí điểm kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế còn mang lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, hệ thống tiêu chí và quy trình đánh giá chất lượng của quốc tế. Bên cạnh đó, cán bộ của Tổng cục GDNN và kiểm định viên trong nước tham gia vào dự án cũng được tăng cường năng lực, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế về đánh giá, công nhận chất lượng GDNN.
  1. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
  1. Một số tồn tại, hạn chế
  • Mặc dù chúng ta mới hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn về kiểm định chất lượng GDNN theo Luật GDNN, tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn
nhận về một số nội dung chưa phù hợp, thậm chí còn mâu thuẫn trong quy định về kiểm định lượng GDNN trong Luật GDNN và các văn bản hướng dẫn, cụ thể:
+ Theo quy định của Luật GDNN: kiểm định là bắt buộc đối với cơ sở GDNN và chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành hoặc nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế, cơ sở GDNN và chương trình đào tạo các ngành, nghề phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Điều này khẳng định kiểm định nhằm phục vụ yêu cầu quản lý, kiểm soát chất lượng GDNN của Nhà nước. Về nguyên lý, hoạt động phục vụ yêu cầu quản lý, kiểm soát chất lượng GDNN của Nhà nước không thể là hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận. Tuy nhiên, Luật GDNN lại quy định tổ chức kiểm định (do Nhà nước thành lập hoặc do tổ chức, cá nhân thành lập) thực hiện đánh giá, công nhận kiểm định chất lượng GDNN và Luật Đầu tư quy định hoạt động kiểm định chất lượng GDNN là hoạt động kinh doanh có điều kiện (Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2016). Các quy định này đồng nghĩa với việc xác nhận hoạt động kiểm định có thể là hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận (dù phải đáp ứng thêm một số điều kiện ràng buộc so với lĩnh vực khác).
Rõ ràng khi Chính phủ không cho phép thành lập bộ máy/tổ chức mới thực hiện việc kiểm định chất lượng thì căn cứ Nghị định về kiểm định chất lượng GDNN, việc triển khai kiểm định hoàn toàn phụ thuộc vào tổ chức trong nước (các đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp) hay tổ chức nước ngoài có quan tâm đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động kiểm định hay không. Điều này có nghĩa, hoạt động phục vụ yêu cầu quản lý, kiểm soát GDNN của nhà nước lại phụ thuộc vào sự “sẵn sàng” của các tổ chức khác.
+ Luật GDNN có quy định “tổ chức kiểm định do Nhà nước thành lập hoặc do tổ chức, cá nhân thành lập nhưng do Luật Đầu tư quy định hoạt động kiểm định chất lượng GDNN là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên Nghị định về kiểm định chất lượng GDNN không quy định về thành lập tổ chức kiểm định như theo quy định của Luật GDNN mà quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận hoạt động kiểm định đối với tổ chức ở trong nước (gồm 2 loại hình là đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp) và với tổ chức nước ngoài. Thực hiện quy định này sẽ có thể xảy ra trường hợp một đơn vị sự nghiệp là một trung tâm GDNN hay trường trung cấp nghề nếu đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoạt động kiểm định (điều kiện về trụ sở, số lượng kiểm định viên, trang thông tin điện tử có cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm định...) sẽ có thể kiểm định một trường cao đẳng và giấy công nhận chất lượng một trường cao đẳng có thể do một tổ chức kiểm định là một trung tâm GDNN hay một trường trung cấp. Điều này rất đáng phải suy ngẫm.
+ Liên quan đến quy định kiểm định là bắt buộc đối với cơ sở GDNN và chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành hoặc nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế cơ sở GDNN và chương trình đào tạo các ngành, nghề phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và nhiệm vụ của cơ sở GDNN là thực hiện kiểm định chất lượng GDNN theo yêu cầu của cơ quan QLNN có thẩm quyền, từ góc nhìn của nhà đầu tư là tổ chức kiểm định không phải của Nhà nước theo Luật GDNN, nhà đầu tư sẽ không xác định rõ được “khách hàng” của mình do “khách hàng” của họ được xác định theo yêu cầu quản lý, kiểm soát chất lượng của nhà nước và phụ thuộc vào sự “sẵn sàng” tham gia kiểm định của cơ sở GDNN đặc biệt quy định hiện hành cũng chưa rõ chế tài đối với cơ sở GDNN hay chương trình đào tạo thuộc đối tượng bắt buộc thực hiện kiểm định nhưng không thực hiện, cơ sở GDNN có thể sẽ “thờ ơ” với kiểm định để tránh việc bị đánh giá, kiểm soát chất lượng hoặc tránh mất khoản chi phí cho tổ chức kiểm định.
+ Các quy định hiện hành cũng chưa rõ mối liên hệ giữa kiểm định chất lượng GDNN và các hình thức, công cụ đảm bảo chất lượng bên ngoài khác như đăng ký hoạt động GDNN, thanh tra, đánh giá trường chất lượng cao...như thế nào để tránh việc chồng chéo dẫn đến lãng phí, ngoài ra chưa có cơ chế đánh giá, ‘theo dõi” đặc biệt với các cơ sở GDNN hoạt động kém hiệu quả. Câu hỏi nếu cơ sở GDNN đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì ưu đãi gì và nếu cơ sở GDNN không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng hiện thì chịu chế tài gì dường như cũng chưa có câu trả lời cụ thể. Bên cạnh đó, kết quả kiểm định chất lượng GDNN theo văn bản hướng dẫn Luật GDNN hiện nay chia làm 2 mức là đạt tiêu chuẩn và không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng - Kết quả này không đảm bảo phân tầng được chất lượng các cơ sở GDNN và chương trình đào tạo GDNN để công bố cho xã hội, phục vụ việc lựa chọn cơ sở GDNN của người học cũng như để doanh nghiệp tuyển dụng lao động như mục tiêu đề ra.
Các vấn đề nêu trên rất có thể là một trong những nguyên chính dẫn đến thực trạng hiện nay là rất ít nhà đầu tư mong muốn trở thành tổ chức kiểm định và đến nay chưa thành lập được tổ chức kiểm định nào, theo đó, chưa tiến hành kiểm định được cơ sở GDNN nào theo Luật GDNN.
Nghiên cứu về hệ thống đảm bảo chất lượng một số quốc gia có hệ thống
GDNN phát triển hàng đầu như Vương quốc Anh, Úc, New Zealand và CHLB Đức (chỉ đối với GDNN triển khai tại cơ sở đào tạo do chính quyền bang quản lý, không tính với đào tạo do doanh nghiệp thực hiện trong hệ thống đào tạo kép của CHLB Đức) cho thấy cơ quan nhà nước vẫn đảm nhiệm đánh giá, kiểm soát chất lượng cơ sở đào tạo và công bố cho xã hội biết kết quả đánh giá, nhiệm vụ này không giao cho tư nhân thực hiện. Về phí kiểm định, ở Úc hay New Zealand, các cơ sở đào tạo phải trả phí toàn bộ hoặc một phần.. .theo mức phí được Nhà nước ấn định, công khai. Ở Anh và CHLB Đức (đối với GDNN triển khai tại cơ sở đào tạo do chính quyền bang quản lý), Chính phủ tài trợ toàn bộ chi phí hoạt động của các cơ quan đánh giá chất lượng và chi trả chi phí đánh giá ngoài cho đoàn đánh giá.
Quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng bên ngoài GDNN ở 4 quốc gia nêu trên đều được thiết kế đảm bảo tính hệ thống và có sự liên kết chặt chẽ. Mỗi quy trình đảm bảo chất lượng bên ngoài đều có mục tiêu rõ ràng, có mối liên hệ với nhau và sử dụng kết quả đánh giá của nhau. Chế tài đối với cơ sở đào tạo khi kết quả đánh giá là chưa đảm bảo chất lượng được quy định rất rõ, đảm bảo sự giám sát, quản lý chất lượng của nhà nước với cơ sở này. Riêng hệ thống của Anh còn quy định rõ các biện pháp hỗ trợ, hay can thiệp sớm để đảm bảo chất lượng đào tạo, và quyền lợi của học sinh với cơ sở đào tạo có kết quả đánh giá chất lượng chưa tốt.
Kết quả đánh giá chất lượng cơ sở GDNN của Anh chia theo 4 cấp độ là xuất sắc, tốt, đảm bảo chất lượng, và chưa đảm bảo chất lượng. Cơ sở nào đạt kết quả tốt hoặc xuất sắc thì kết quả tạo danh tiếng cho cơ sở, cơ sở có ‘nhãn về chất lượng thuận lợi cho quá trình tuyển sinh, marketing. Cơ sở nào có kết quả đánh giá là “cần cải thiện” hay “không đảm bảo chất lượng” thì sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt. Như vậy một quy trình/thủ tục đánh giá có thể đảm bảo cả mục tiêu kiểm soát chất lượng (mục tiêu chính) và khuyến khích, nâng cao chất lượng. Tương tự, kết quả kiểm định của New Zealand chia làm 4 cấp độ là “Hoàn toàn tin cậy”, “Tin cậy”, “Chưa tin cậy” hoặc “Không tin cậy”. Nếu cơ sở đào tạo có kết quả đánh giá là “Hoàn toàn tin cậy” hoặc “Tin cậy” thì Cơ quan Đảm bảo chất lượng của New Zealand (NZQA) sẽ kết luận việc đánh giá tiếp theo sẽ theo chính sách quy định của NZQA và sẽ diễn ra trong vòng 4 năm kể từ ngày ký báo cáo. Trong trường hợp cơ sở đào tạo có kết quả đánh giá là “Chưa tin cậy” hoặc “Không tin cậy” thì NZQA thống nhất với cơ sở đào tạo về các hành động cụ thể để đạt ít nhất là cấp độ “tin cậy” trong một giai đoạn cụ thể. NZQA sẽ theo dõi quá trình cải thiện của cơ sở đào tạo và sẽ tổ chức đánh giá ngoài ở một thời điểm thích hợp. Điều này cũng tương tự như hệ thống của Úc hay của Anh, các cơ sở đào tạo ‘rủi ro’ về đảm bảo chất lượng hơn sẽ bị theo dõi sát sao hơn các cơ sở khác.
  • Mặc dù, đã có văn bản quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng bên trọng cơ sở GDNN đồng thời Tổng cục GDNN đã tổ chức nhiều đợt hội thảo, tập huấn và thực hiện các hoạt động truyền thông đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện hệ thống chất lượng bên trong cơ sở GDNN nhưng kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy vẫn còn nhiều trường trung cấp, cao đẳng chưa quan tâm và chưa triển khai thực hiện hệ thống đảm bảo chất lượng theo quy định hoặc còn chậm so với yêu cầu. Tuy số cơ sở thực hiện tự đánh giá chất lượng hàng năm đều tăng khoảng 20%, tuy nhiên, đến 50% các trường trung cấp, cao đẳng vẫn chưa triển khai công tác tự đánh giá chất lượng theo quy định. Đối với trung tâm GDNN, con số này lên tới 90%. Việc triển khai tự đánh giá và lập báo cáo tự đánh giá chất lượng hàng năm tại nhiều cơ sở GDNN còn mang tính hình thức, đối phó.
  • Các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích đối với cơ sở GDNN đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN.
  •  Với các cơ sở GDNN đã được kiểm định theo Luật Dạy nghề, người học chưa sử dụng kết quả này để lựa chọn cơ sở GDNN và người sử dụng lao động cũng chưa sử dụng kết quả kiểm định để tuyển dụng lao động như mục tiêu đặt ra đối với công tác kiểm định.
  1. Nguyên nhân
  • Nhận thức về bản chất hoạt động kiểm định chất lượng phục vụ yêu cầu
quản lý nhà nước còn chưa rõ, đồng thời chưa có cái nhìn tổng thể, hệ thống về các biện pháp đảm bảo chất lượng bên ngoài từ đó xác định rõ mục tiêu của từng biện pháp, thủ tục đảm bảo chất lượng bên ngoài cũng như sự “gắn kết” giữa các biện pháp, thủ tục đảm bảo chất lượng bên ngoài. Quan điểm hoạt động kiểm định chất lượng GDNN có thể là hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận cần phải được điều
chỉnh.
  •  Đội ngũ chuyên gia của Việt Nam được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng giáo dục nói chung và GDNN nói riêng không nhiều, đặc biệt là những người có kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng bên ngoài. Hầu hết các chuyên gia được đào tạo bài bản về đảm bảo chất lượng giáo dục (ở nước ngoài hoặc trong nước) đều nghiên cứu, học tập về đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở đào tạo do các chuyên gia này thường là giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục, không có kinh nghiệm về quản lý nhà nước.
  • Việc xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng trong cơ sở GDNN là một vấn đề mới, phức tạp, không chỉ đòi hỏi sự cam kết mà còn đòi hỏi sự am hiểu của lãnh đạo nhà trường cũng cán bộ, giáo viên trong trường về đảm bảo chất lượng, về khoa học quản lý, về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý...Việc thay đổi “nếp cũ” trong quản trị tổ chức bao giờ cũng rất khó khăn. Ngoài ra, nhiều trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sau khi chuyển đổi cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN dành thời gian tập trung để chuyển đổi nội dung, chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu của sự chuyển đổi nên chưa dành thời gian xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng khoa học, hiện đại. Chủ trương rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn của một số địa phương dẫn đến việc xáo trộn về tổ chức bộ máy của các trường đã được sáp nhập, chia tách hoặc làm cho các trường thuộc diện sắp xếp vẫn đang chờ đợi việc ổn định tổ chức (đặc biệt đối với các trường trung cấp) dẫn đến khó khăn cho việc triển khai việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng và tự đánh giá chất lượng.
  • Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội nói chung về công tác kiểm định còn hạn chế nên chưa huy động được quan tâm và tham gia của các chủ thể liên quan như cơ quan quản lý địa phương, cơ quan chủ quản cơ sở GDNN, người sử dụng lao động, người học...đối với công tác đảm bảo, kiểm soát chất lượng GDNN đồng thời các chủ thể này cũng chưa khai thác, sử dụng kết quả kiểm định (cơ quan chủ quản sử dụng kết quả kiểm định để xác định chiến lược, giải pháp phát triển cơ sở GDNN, người học sử dụng chưa sử dụng kết quả kiểm định để lựa chọn cơ sở GDNN, người tuyển dụng chưa sử dụng kết quả kiểm định để tuyển dụng lao động...).
  • Các cơ sở GDNN gặp nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện tự đánh giá chất lượng và đảm bảo chất lượng, nhất là các cơ sở GDNN tư thục phải tự chủ động về kinh phí.
  1. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Trên cơ sở phân tích các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong công tác kiểm định chất lượng GDNN, bài viết đề xuất một số khuyến nghị như sau:
  1. Sớm chỉnh sửa những điểm chưa phù hợp trong các quy định, cơ chế, chính sách hiện hành về kiểm định chất lượng GDNN nêu trên. Quá trình nghiên cứu, hoàn thiện cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt kinh nghiệm của các quốc gia có GDNN phát triển và lịch sử phát triển hệ thống kiểm chất lượng GDNN lâu đời. Một điểm đáng lưu ý là, Việt Nam đã tiếp nhận chuyển giao đồng bộ 12 bộ chương trình đào tạo của Úc và 22 bộ chương trình của CHLB Đức bao gồm nội dung, công nghệ đào tạo kèm theo các tiêu chuẩn, quy trình đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, theo đó, việc nghiên cứu, học tập các quy định về kiểm định chất lượng GDNN của các quốc gia này cũng là điều cần làm.
Mô hình tổ chức hệ thống kiểm định chất lượng GDNN được đề xuất như sau:
  • Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trực tiếp quản lý, tổ chức việc đánh giá, công nhận chất lượng cơ sở GDNN; Tổng cục GDNN thành lập các Đoàn đánh giá ngoài (huy động đội ngũ kiểm định viên từ các các cơ sở GDNN, các chuyên gia về đảm bảo chất lượng, chuyên gia về các lĩnh vực liên quan đến chuyên môn chương trình đào tạo...) để triển khai đánh giá ngoài các cơ sở GDNN; các cơ sở GDNN trả kinh phí kiểm định theo mức phí do Nhà nước quy định theo nguyên tắc thu bù đắp chi phí. Cách làm này đảm bảo chức năng quản lý nhà nước của Tổng cục GDNN về kiểm soát, đánh giá chất lượng GDNN đồng thời phù hợp chủ trương của Nhà nước là không thành lập thêm bộ máy, tổ chức và Tổng cục GDNN không trả chi phí kiểm định cho các cơ sở GDNN và chi phí sẽ do các cơ sở GDNN tự chi trả.
  • Sử dụng cách tiếp cận “dựa trên rủi ro” (risk - based) trong việc lựa chọn cơ sở GDNN hay chương trình GDNN để kiểm định chất lượng. Cách tiếp cận này thể hiện rất rõ nét trong hệ thống của Úc và Anh, đảm bảo cơ quan quản lý nhà nước sẽ “để mắt” nhiều hơn tới các cơ sở GDNN bị đánh giá là “rủi ro” về chất lượng, tránh đánh giá, kiểm định dàn trải các cơ sở GDNN. Phương pháp này sẽ giảm chi phí đồng thời tập trung được nguồn lực để kiểm soát cũng như hỗ trợ các cơ sở GDNN được đánh giá là có “rủi ro” hơn và nhờ đó công tác kiểm định có ý nghĩa và hiệu quả hơn. Ở hệ thống GDNN của New Zealand, do số lượng cơ sở đào tạo ít, nên New Zealand không theo phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro để lựa chọn cơ sở đánh giá, kiểm soát chất lượng mà vẫn áp dụng chế độ đánh giá định kỳ, tuy nhiên, nếu kết quả đánh giá là “chưa tin cậy” hoặc “không tin cậy” thì Cơ quan đảm bảo chất lượng của New Zealand là NZQA sẽ giám sát các cơ sở này chặt chẽ hơn. Về bản chất, điểm này cũng thể hiện cách tiếp cận “dựa trên rủi ro” của NZQA.
  • Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm định chất lượng GDNN, có sự kết nối thông tin về đảm bảo chất lượng giữa cơ sở GDNN và cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo cần cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước phụ trách các chỉ số/dữ liệu quan trọng phản ánh hiệu quả hoạt động của cơ sở GDNN. Cả hệ thống của Anh và Úc, cơ quan đảm bảo chất lượng theo dõi sát sao các chỉ số/dữ liệu như tỷ lệ người học tiếp tục theo học sau khi được tuyển sinh, tỷ lệ người học tốt nghiệp, người học có việc làm sau đào tạo...Hệ thống dữ liệu này là nên tảng quan trọng để sử dụng phương pháp, cách tiếp cận trong đánh giá dựa trên rủi ro (risk-based) nêu trên.
  • Hoàn thiện chính sách ưu đãi vay vốn, ưu tiên về đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với các cơ sở GDNN đạt chuẩn kiểm định chất lượng GDNN, hoặc trường có chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng, hỗ trợ quảng bá, nâng cao hình ảnh các cơ sở GDNN đạt chuẩn kiểm định chất lượng đồng thời xác định rõ chế tài cũng như cơ chế hỗ trợ với cơ sở GDNN không đạt chuẩn kiểm định;
  • Kết quả kiểm định cần đảm bảo phần tầng chất lượng các cơ sở GDNN và tương ứng với từng tầng cần có biện pháp tác động riêng.
  1. Phát triển đội ngũ chuyên gia về đảm bảo chất lượng, đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kiểm định và đảm bảo chất lượng GDNN, có chiến lược phát triển, đào tạo đội ngũ kiểm định viên chất lượng GDNN đảm bảo đạt chuẩn trình độ, kỹ năng theo quy định, tăng cường đào tạo cán bộ, giáo viên các các cơ sở GDNN để tăng cường đội ngũ chuyên gia về đảm bảo chất lượng.
  2. Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong cơ sở GDNN, công tác tự đánh giá chất lượng GDNN tiến tới xây dựng văn hóa chất lượng trong các cơ sở GDNN; tích cực hỗ trợ các cơ sở GDNN về triển khai, áp dụng các công cụ đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở GDNN.
  3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng GDNN, huy động sự tham gia và phát huy vài trò của các chủ thể liên quan đến GDNN, đặc biệt là người học và người sử dụng lao động.
  4. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm quốc tế, tham gia là thành viên, mở rộng các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế về kiểm định và công nhận chất lượng GDNN, phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng, chuyển giao các công cụ quản lý tiên tiến hiện đại cho các cơ sở GDNN, phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện đánh giá công nhận theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, nhân rộng các kết quả thu được từ các dự án hợp tác.
Có thể nói, so với hệ thống kiểm định chất lượng GDNN ở nhiều các quốc gia khác với lịch sử phát triển đến ba, bốn thập kỷ thì hệ thống kiểm định chất lượng GDNN Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu hình thành, phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh nhiều kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, chúng ta cũng không tránh được những tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thực trạng cần được đánh giá đúng để xác định đúng “con đường phía trước”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Ban Chấp hành Trung ương (2014), Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06-6-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao;
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2018), Báo cáo đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN - Giải pháp đột phá đến năm 2020;
  1. Cục Kiểm định chất lượng GDNN, Báo cáo về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng GDNN các năm từ 2008 - 2019;
  2. Quốc hội (2006), Luật Dạy nghề, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội
  3. Quốc hội (2014), Luật GDNN, NXB Chính trị quốc gia;
  4. Bateman. A & Coles. M (2017). Towards Quality Assurance of Technical and Vocational Education and Training. Publication of UNESCO;
  5. Hien Pham Thi Minh (2014). Master‘s thesis. Institutional staff perceptions on the impact of accreditation: A study in two Vietnamese vocational training colleges;
  6. Hiền Phạm Thị Minh (2016). Nghiên cứu về hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN của Anh, Úc, New Zealand - Bài nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Khoa học GDNN đặt hàng cho chủ đề xây dựng Khung đảm bảo chất lượng quốc gia Việt Nam;
  7. IIEP (2010a). External quality assurance: options for higher education managers, Module 1: Making basic choices for external quality assurance systems;
  8. IIEP (2010b). External quality assurance: Options for higher education managers, Module 4: Understanding and assessing quality;
  9. INQAAHE (2013). Statement on EQA. Retrieved from http://www.inqaahe.org/admin/files/assets/subsites/1/documenten/1236866920 sta tement-on-eqa.pdf;
Saroyan, A. (2011). Quality assurance - Concepts and Practices. Prepared for the World Bank.

Tác giả: Đỗ Năng Khánh - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh ngôn

Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình

Can Jung

Văn bản

1978/QĐ-BLĐTBXH

Quyết định Về việc ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

12/2019/TT-BLĐTBXH

Thông tư Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

454/TCGDNN-KĐCL

Công văn V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng

453/TCGDNN-KĐCL

Công văn V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng

452/TCGDNN-KĐCL

Công văn V/v hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Tìm kiếm

Khảo sát nhanh

Theo bạn để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào nội dung nào sau đây?

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Hỏi - Đáp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây