Chuyên trang Giáo dục nghề nghiệp

https://gdnn.edu.vn


Công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng

Tóm tắt
            Tự đánh giá/Tự kiểm định là khâu đầu tiên trong tổng thể các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; thể hiện tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong tất cả các hoạt động từ đào tạo, cung cấp dịch vụ, cho đến hoạt động dạy và học. Mục đích của tự đánh giá không chỉ là đảm bảo cho nhà trường đào tạo có chất lượng, mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng toàn trường. Nó còn là cơ sở quan trọng giúp nhà trường nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nhà trường trong tương lai. Đối với Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng hoạt động tự đánh giá giúp nhà trường nhận ra được thực trạng trong hoạt động của mình thời gian qua; những ưu điểm cần tiếp tục củng cố và duy trì; những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp để khắc phục sữa chữa; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng trong mọi hoạt động mà nhà trường đã cam kết thực hiện trong mục tiêu, sứ mạng, chính sách chất lượng mà nhà trường đã xây dựng trong suốt những năm qua.
Abstract
Self-assessment/Self-accreditation is the first step in the overall educational quality accreditation activities; demonstrates the autonomy and self-responsibility of the school in all activities from training, service provision, teaching and learning activities. The purpose of self-assessment is not only to ensure that the school has quality training, but also to provide an impetus to improve and improve the quality of the whole school. It is also an important basis to help the school improve its competitiveness, creating a premise for the school's sustainable development in the future. For Soc Trang Community College, self-assessment helps the school realize the current situation in its activities over the past time; advantages that need to be further consolidated and maintained; shortcomings and limitations that need solutions to overcome and repair; thereby, contributing to improving the quality in all activities that the school has committed to implement in the goals, mission, and quality policy that the school has built over the years.
Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng
Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng

1. Đặt vấn đề
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8 năm 2016, Chính phủ thng nhất giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường sư phạm….” [1]. Theo Nghị quyết này kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ chính thức quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với 201 trường Cao đẳng và 303 trường Trung cấp chuyên nghiệp trên toàn quốc; Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng (CĐCĐ Sóc Trăng) cũng là một trong số các trường đó.

Với vai trò, sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Trường CĐCĐ Sóc Trăng luôn coi trọng chất lượng đào tạo và xem đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm của người học, phụ huynh, các đơn vị sử dụng lao động; đồng thời, chính là câu trả lời thỏa đáng nhất cho những cam kết của Nhà trường đối với người học và xã hội trong những năm qua. Một trong những yếu tố khẳng định chất lượng đào tạo của Nhà trường chính là công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hay còn gọi là công tác tự kiểm định chất lượng. Trước khi được giao về Bộ LĐ-TB&XH quản lý (từ 01/01/2017 trở về trước) định kỳ theo chu kỳ quy định của Bộ GD&ĐT Nhà trường đều tiến hành thực hiện công tác tự kiểm định và báo cáo đúng thời gian theo quy định. Từ 01/01/2017 định kỳ hằng năm Nhà trường thực hiện công tác tự đánh giá theo quy định của Bộ LĐTB&XH. Tuy nhiên, công tác này chỉ dừng lại ở mức tự đánh giá chứ chưa thể thực hiện kiểm định theo các quy định của Bộ LĐ-TB&XH kể cả việc kiểm định các chương trình đào tạo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Nhà trường chưa mạnh dạng thực hiện kiểm định cơ sở GDNN; trong đó, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân khách quan, cũng giống như các Trường thuộc hệ thống cao đẳng cộng đồng khác, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng chỉ mới tham gia hệ thống GDNN từ ngày 01/01/2017 theo Nghị quyết số 76 của Chính phủ, việc tiếp cận các văn bản quy định về công tác kiểm định của Bộ LĐ-TB&XH khá mới mẻ, đòi hỏi cần có thêm thời gian để nghiên cứu, cập nhất. Hơn nữa, chủ trương sáp nhập các trường theo Đề án[2] của tỉnh, mà mỗi trường trước khi sáp nhập lại thuộc quản lý chuyên môn của các Bộ, Sở, ngành,….khác nhau; cần có thời gian để sắp xếp, ổn định cơ cấu, tổ chức và nhất là việc rà soát, nghiên cứu ban hành các văn bản định hướng chung của nhà trường để đảm bảo tính thống nhất trong các hoạt động. Về nguyên nhân chủ quan, Nhà trường chưa có sự chuẩn bị thật tốt cho công tác kiểm định; một số cán bộ, viên chức chưa thật sự nhận thấy tầm quan trọng của công tác kiểm định và vai trò của công tác này đối với hoạt động tuyển sinh và đào tạo của nhà trường.
Từ thực tiễn công tác tự đánh giá ở Trường CĐCĐ Sóc Trăng cho chúng ta thấy những khó khăn, bất cập trong quá trình tự đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục tại trường. Trong phạm vi nội dung bài viết này chỉ tập trung phân tích những khó khăn, thách thức trong hoạt động tự đánh giá và kiểm định chất lượng tại trường, từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục những khó khăn này trong thời gian tới.
2. Một số khó khăn trong công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng
2.1. Tính chưa thống nhất trong hệ thống văn bản quy định cho hoạt động tự đánh giá, kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Từ khi chuyển đổi cơ quan quản lý từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐTB&XH, để đảm bảo cho công tác tự đánh giá, kiểm định cơ sở GDNN được thống nhất, Chính phủ và Bộ LĐTB&XH cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm định chất lượng GDNN quy định về hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng với từng loại hình cơ sở GDNN gồm trung tâm GDNN, trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề; quy định về kiểm định viên chất lượng dạy nghề; quy định về quy trình kiểm định chất lượng cơ sở GDNN cụ thể với 01 Nghị định[3] và 03 Thông tư[4]. Bên cạnh đó, hằng năm Tổng Cục GDNN cũng ban hành các Công văn hướng dẫn các cơ sở GDNN trên toàn quốc thực hiện công tác tự đánh giá, kiểm định cụ thể từng tiêu chí, tiêu chuẩn theo đúng các quy định hiện hành (Năm 2017 là Công văn số 1845[5] của Tổng cục dạy nghề; năm 2018 là Công văn số 23[6] của Tổng cục GDNN và từ năm 2019 đến nay là Công văn số 453[7] của Tổng cục GDNN). Tuy nhiên, chủ trương sáp nhập các Trường vào Trường CĐCĐ Sóc Trăng trong đó có Trường Cao đẳng Sư phạm, đơn vị này từ trước đến nay thực hiện việc tự đánh giá, kiểm định theo Thông tư số 62[8] của Bộ GD&ĐT; do đó, trong quá trình thực hiện tự đánh giá có nhiều điểm chưa thống nhất, tương đồng trong văn bản quy định giữa hai cơ quan quản lý chuyên môn. Mặc dù, trong Thông tư số 15 của Bộ LĐ-TB&XH có đề cập đến nội dung có liên quan đến “sư phạm” nhưng đó lại là “sư phạm dạy nghề” hay còn gọi là sư phạm GDNN. Chính vì thế, trong quá trình thực hiện tự đánh giá Nhà trường hầu như không đề cập đến các nội dung của Khoa Sư phạm trong Báo cáo tự đánh giá dù Khoa này vẫn là một đơn vị thuộc trường. 
2.2. Đội ngũ cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực kiểm định GDNN của Nhà trường còn ít, thậm chí thiếu
Ngay sau khi sáp nhập các trường vào Trường CĐCĐ Sóc Trăng, Nhà trường đã rất coi trọng công tác kiểm định nên đã thành lập ngay một đơn vị chuyên thực hiện nhiệm vụ về tự đánh giá và kiểm định của Nhà trường đó là Phòng Thanh tra - Khảo thí - Kiểm định chất lượng[9]. Cơ cấu tổ chức của đơn vị này gồm 06 viên chức: với 01 Trưởng phòng, 01 Phó trưởng phòng và 04 viên chức; về chuyên môn có 05 viên chức có trình độ Thạc sĩ và 01 đang học cao học. Nhìn vào trình độ chuyên môn, có thể thấy đây là đơn vị có trình độ chuyên môn cao; đặc biệt trong số 05 Thạc sỹ có đến 03 viên chức có chuyên ngành về Đo lường và đánh giá trong giáo dục, nhưng chuyên môn sâu của những viên chức này gắn với Bộ GD&ĐT, còn lãnh đạo thì lại có chuyên môn khác với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Vì thế, trong việc thực hiện nhiệm vụ vừa phải nghiên cứu văn bản, vừa phải trao đổi học hỏi thêm từ các trường và đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm định. Bên cạnh đó, việc cán bộ phụ trách không có chuyên môn sâu về lĩnh vực được phân công nên trong công tác hướng dẫn các đơn vị thực hiện thu thập minh chứng, viết báo cáo còn nhiều bất cập, chất lượng các báo cáo theo tiêu chuẩn, tiêu chí chưa cao. Trong những năm qua Nhà trường chỉ cử được 04 viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiểm định và hiện nay mới chỉ có 01 viên chức đã được tham gia học lớp kiểm định viên do Tổng cục GDNN tổ chức năm 2020.
2.3 Công tác quản lý văn thư lưu trữ, minh chứng phục vụ cho công tác kiểm định còn nhiều hạn chế
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công cũng như phản ánh khách quan, chính xác, trung thực và hỗ trợ đắc lực cho công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng chính là hệ thống các minh chứng. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề nan giải bởi những hạn chế trong công tác quản lý hành chính, văn thư lưu trữ. Trước đây, các văn bản, quyết định, kế hoạch của cấp trên và của Nhà trường được lưu trữ theo năm và chưa được phân loại theo tính chất công việc. Nhiều văn bản chỉ đạo của cấp trên được giao trực tiếp cho đơn vị triển khai thực hiện. Chính vì thế, nhiều văn bản bị thất lạc nên trong quá trình tự đánh giá, phải tìm kiếm lại rất mất thời gian, công sức. Hơn nữa, việc sáp nhập các trường, di chuyển hồ sơ, sổ sách, văn bản giữa các trường về kho lưu trữ chưa được sắp xếp khoa học, do ưu tiên hàng đầu là việc dạy và học nên gây khó khăn trong công tác tìm và thu thập minh chứng.
2.4 Sự không đồng nhất trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm định đối với các hoạt động của Nhà trường
Hoạt động kiểm định của Nhà trường không chỉ đơn thuần là để báo cáo theo quy định về cơ quan cấp trên mà nó còn góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu của Nhà trường. Quan trọng hơn nữa khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định thì đó chính là câu trả lời xác đáng nhất của Nhà trường đối với xã hội và cộng đồng về chất lượng đào tạo mà Nhà trường đã cam kết trong chính sách, mục tiêu chất lượng và sứ mệnh của Nhà trường. Chính vì lẽ đó, công tác tự đánh giá, kiểm định rất quan trọng và đòi hỏi phải có sự thống nhất trong nhận thức và đồng lòng của tập thể cán bộ, viên chức nhà trường, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị thuộc và trực thuộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại sự khác biệt trong nhận thức về vai trò, ý nghĩa và quyết tâm thực hiện kiểm định chất lượng GDNN ở một số cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên trong nội bộ trường. Một số ý kiến vẫn cho rằng công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng của Nhà trường đó là nhiệm vụ chủ yếu của Phòng Thanh tra - Khảo thí - Kiểm định chất lượng. Chính vì, những nhận định đó, việc góp ý hay xây dựng các văn bản, kế hoạch về tự đánh giá, kiểm định chất lượng của Nhà trường thông thường nhận được rất ít ý kiến góp ý; thậm chí là báo cáo tự đánh giá hằng năm của Nhà trường cũng vậy. Mặt khác, việc thu thập minh chứng ở các đơn vị (các nhóm phụ trách) hầu như rất thụ động, mang tính chất đối phó, từ đó mà việc tìm minh chứng còn sơ sài. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động tự đánh giá, kiểm định của Nhà trường cũng còn nhiều hạn chế, dù Công văn 822[10] của Tổng cục GDNN có hướng dẫn cụ thể nội dung chi và mức chi cho hoạt động tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN; trên cơ sở đó, Nhà trường cũng đã căn cứ vào nguồn kinh phí hoạt động tiến hành lấy ý kiến cán bộ, viên chức tại Hội nghị cán bộ viên chức của Trường để bổ sung vào Quy chế chi tiêu nội bộ mức chi cho hoạt động kiểm định. Nhưng do nguồn kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của Nhà trường còn hạn chế, hơn nữa phải dành cho các hoạt động khác cấp thiết hơn nên mức chi cho kiểm định, nhất là đối với việc mời các chuyên gia, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia hoặc các hoạt động khảo sát người học còn thấp. Mức chi cho các hoạt động viết báo cáo, thu thập minh chứng cũng giống như vậy.
2.5 Ảnh hưởng của một số yếu tố khách quan đến tâm lý cán bộ, viên chức
            Việc sáp nhập các trường thành một, ít nhiều tạo tâm lý dao động, bất an trong đội ngũ cán bộ, viên chức. Hơn nữa, những năm gần đây công tác tuyển sinh của Nhà trường gặp nhiều khó khăn, một phần do các trường đại học dân lập, tư thục phát triển mạnh mẽ với đội ngũ giảng viên hùng hậu, cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, có nhiều chính sách về đảm bảo việc làm để thu hút người học. Mặt khác, các trường đại học thuộc hệ thống công lập lại có xu hướng thoáng hơn trong công tác tuyển sinh với nhiều đãi ngộ về học bổng khuyến khích học tập, đa dạng hình thức học tập. Đây chính là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thí sinh đăng ký vào học tại trường ngày càng thấp. Mặc dù, Nhà trường đã có rất nhiều nổ lực trong công tác tuyển sinh, đang dạng trong việc xây dựng chương trình để mở các ngành, nghề mới; nhưng một số ngành, nghề hiện tại số lượng người học vẫn rất thấp. Thêm nữa, tâm lý chung của phụ huynh và các em học sinh từ bao đời nay vẫn mặc định tốt nghiệp Trung học phổ thông là phải thi vào đại học, chứ rất ít chọn trường nghề. Tình trạng thừa giảng viên ở ngành này nhưng lại thiếu hụt giảng viên ở các chuyên ngành khác dẫn đến chất lượng giảng dạy ít nhiều bị ảnh hưởng. Hơn nữa, khi các giảng viên còn lo lắng đến những vấn đề lớn như sự tồn tại của nhà trường, đến công việc thì sự quan tâm đến công tác kiểm định chất lượng sẽ bị giảm sút.
            Chính từ những khó khăn, hạn chế để hoạt động tự đánh giá, kiểm định của Nhà trường trong thời gian tới được hiệu quả, đảm bảo theo mục tiêu đã đề ra, xin phép được đề xuất một số giải pháp góp phần khắc phục những vấn đề nêu trên.
3. Một số giải pháp khắc phục những khó khăn trong công tác tự đánh giá và kiểm định tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại đã phân tích ở trên, ngoài những yếu tố khách quan hay do cơ chế chính sách, xin phép đề xuất một số giải pháp mang tính nội tại như sau:
3.1. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định của Nhà trường về công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng GDNN
Tiếp tục rà soát lại các văn bản của Nhà trường quy định về công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng. Đồng thời, tranh thủ trong các Hội nghị, hội thảo, các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác kiểm định của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN và các cơ quan chuyên môn tổ chức kiến nghị các nội dung còn bất cập, chưa thống nhất trong công tác tự đánh giá, kiểm định. Từ đó, có cơ sở hoàn thiện các văn bản, quy định của Nhà trường đảm bảo sự thống nhất trong tất cả các hoạt động tự đánh giá.
3.2 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng trong Nhà trường
Việc đảm bảo chất lượng dạy và học là yếu tố sống còn đối với các hoạt động của Nhà trường; trong đó, công tác tự đánh giá, kiểm định sẽ giúp nhìn nhận ra những điểm mạnh, những hạn chế của Nhà trường trong công tác chỉ đạo và điều hành. Chính vì thế, từ lãnh đạo Trường, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn cũng như từng giảng viên, cán bộ, viên chức trong toàn trường cần nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động bảo đảm chất lượng GDNN. Từ đó, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao để thực hiện thành công yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Phát huy tốt vai trò của đội ngũ lãnh đạo đơn vị, nhất là người đứng đầu trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, viên chức trong công tác đảm bảo chất lượng và xem đây là một trong những tiêu chí xếp loại, đánh giá thi đua cuối năm.
3.3 Tăng cường đầu tư các nguồn lực về đảm bảo cho hoạt động tự đánh giá và kiểm định chất lượng
Với những tồn tại về đội ngũ phụ trách công tác kiểm định chất lượng trong Nhà trường, giải pháp khắc phục vấn đề này là cần quan tâm hơn nữa đối với công tác tự đánh giá, đảm bảo chất lượng thông qua việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, hoàn chỉnh hệ thống đảm bảo chất lượng. Bên cạnh việc cử cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng kiểm định viên thì thường xuyên tổ chức hoặc cử cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và kiểm định cơ sở GDNN, chương trình đào tạo. Những việc này sẽ góp phần củng cố và xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong một cách vững chắc và hiệu quả. Song song đó, cũng cần có cơ chế phù hợp đối với việc chi cho các hoạt động tự đánh giá, kiểm định hằng năm của Nhà trường; cần thiết có thể vận động xã hội hóa cho các hoạt động này.
3.4 Xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về công tác kiểm định của Nhà trường
            Trong những năm qua mặc dù vẫn thực hiện công tác tự đánh giá hằng năm theo đúng quy định của Tổng Cục GDNN. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mang tính thực hiện theo “mệnh lệnh hành chính”, “đến hẹn lại lên” cho thấy một trong những vấn đề tồn tại là thiếu tư duy phát triển chiến lược. Vì thế, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong trường cần xây dựng các kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn, ngắn hạn thay vì chỉ tập trung xử lý các nhiệm vụ trước mắt, trọng tâm như trước đây. Việc nghiên cứu, thảo luận, xây dựng kế hoạch hành động theo từng giai đoạn (ngắn, trung và dài hạn) nhằm phát huy ưu điểm, từng bước khắc phục những điểm tồn tại được phát hiện sau quá trình tự đánh giá. Đối với các giảng viên, bên cạnh việc phát triển chuyên môn cá nhân, cần huy động trí tuệ vào việc tham gia xây dựng các kế hoạch mang tính chiến lược, đặc biệt là chiến lược phát triển đội ngũ, phát triển năng lực chuyên môn. Mặt khác, Nhà trường cũng cần đẩy mạnh việc tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia, đơn vị sử dụng lao động trong công tác kiểm định; bởi lẽ, sự tham gia của các đơn vị này sẽ giúp Nhà trường nhìn nhận các hạn chế, tồn tại đang diễn ra một cách khách quan, từ đó các giải pháp để củng cố, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kiểm định sẽ dễ dàng và đạt hiệu quả hơn.
            2.5 Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý
Trong công tác quản lý điều hành nhà trường, lãnh đạo Nhà trường cần quan tâm đến tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa mọi hoạt động hơn. Đảm bảo, hệ thống minh chứng được tập hợp theo hệ thống chuẩn, đảm bảo các hoạt động được thực hiện một cách nghiêm túc, trung thực và tin cậy; đẩy mạnh việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trng việc quản lý, lưu trữ minh chứng. Thông qua hoạt động tự đánh giá, kiểm định có kế hoạch rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo đảm bảo thực hiện theo đúng quy định; đồng thời cập nhật những nội dung mới, tham khảo những cách xây dựng chương trình tiên tiến, nhất là phải có sự tham gia của các chuyên gia, người học, đội ngũ sử dụng lao động trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo của Nhà trường sẽ không chỉ gói gọn trong phạm vi cán bộ quản lý, giảng viên, người học mà liên quan đến tất cả mọi đối tượng trong và ngoài nhà trường ở các mức độ khác nhau. Các bên liên quan cũng cần được khuyến khích tham gia nhiều hơn vào công tác quản trị nhà trường, đóng góp ý kiến cho các văn bản cốt lõi của trường,.. Chú trọng hơn đến những phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả của người học phù hợp hơn với từng điều kiện cụ thể nhất là trong lúc diễn ra dịch bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp dạy và học, làm cho người học chủ động hơn trong quá trình học tập, nghiên cứu. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên về công tác đảm bảo chất lượng của Nhà trường, tiêu chuẩn về đội ngũ trong kiểm định cũng tạo ra áp lực, đòi hỏi bản thân từng cán bộ giảng viên Nhà trường phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học và tiếp cận những phát triển mới nhất đảm bảo xu thế phát triển chung và đòi hỏi của xã hội. Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong Nhà trường, nhanh chóng hoàn thiện các quy trình đảm bảo chất lượng, tiến tới xây dựng văn hóa chất lượng trong Nhà trường.
Hoạt động kiểm định giúp các trường có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định. Từ việc thực hiện tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN của Trường CĐCĐ Sóc Trăng đã cho thấy có sự tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến mọi mặt công tác của trường, thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ lãnh đạo đến các giảng viên và người học. Nhà trường cũng đã nhận thấy được những khó khăn, hạn chế trong quá trình tự đánh giá và kiểm định chất lượng trên cơ sở đó cũng đã xây dựng số giải pháp khắc phục để công tác này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới. Với phương châm “Vì cộng đồng - phục vụ cộng đồng”, mọi quan điểm chỉ đạo cho đến kế hoạch và hành động của trường CĐCĐ Sóc Trăng trong thời gian tới không chỉ gắn với việc đảm bảo chất lượng dạy và học mà còn thể hiện trách nhiệm đối với những cam kết mà Nhà trường đã xây dựng trong suốt những năm qua./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1]. Chính phủ (2016), Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 03/9/2016 tại cuộc họp thường kỳ tháng 8.
[2]. Chính phủ (2018), Nghị định số 49/2018/NĐ-CP ngày 30/3/2018 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
[3]. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/6/2017 Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN (Đính chính bởi Quyết định số 1229/QĐ-BLĐTBXH ngày 04/8/2017.
[4]. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 Quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN.
[5]. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2018), Thông tư số  27/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 Quy định về quy chế đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN; quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng GDNN.
[6]. Đề án số 07/ĐA-UBND ngày 20/5/2019 của UBND tỉnh Sóc Trăng.
[7]. Đỗ Năng Khánh (2019), Kiểm định chất lượng Giáo dục nghề nghiệp - Thực trạng và một số khuyến nghị hàm ý chính sách - Tổng cục GDNN.
[8]. Lê Văn Thắng (2019),  Một số khó khăn trong công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ở Trường cao đẳng sư phạm, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định.
[9]. Mai Văn Chung (2018), Kiểm định chất lượng giáo dục và yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh.
 
[1] Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 03/9/2016 tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8 năm 2016
[2] Đề án số 07/ĐA-UBND ngày 20/5/2019 của UBND tỉnh Sóc Trăng.
[3] Nghị định số 49/2018/NĐ-CP ngày 30/3/2018 của Chính phủ Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
[4] Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/6/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN (Đính chính bởi Quyết định số 1229/QĐ-BLĐTBXH ngày 04/8/2017); Thông tư số  28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN; Thông tư số  27/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định về quy chế đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN; quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng GDNN.
[5] Công văn số 1845/TCDN-KĐCL ngày 24/7/2017 của Tổng cục dạy nghề về việc hướng dẫn tự kiểm định chất lượng cơ sở GDNN năm 2017.
[6] Công văn số 23/TCGDNN-KĐCL của Tổng cục GDNN về hướng dẫn chi tiết đánh giá chất lượng cơ sở GDNN năm 2018.
[7] Công văn số 453/TCGDNN-KĐCL ngày 25/3/2019 của Tổng cục GDNN về hướng dẫn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2019.
[8] Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
[9] Quyết định số 85/QĐ-CĐCĐ ngày 07/5/2020 của Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Sóc Trăng về việc thành lập Phòng Thanh tra - Khảo thí - Kiểm định chất lượng.
[10] Công văn số 822/LĐTBXH-TCGDNN về việc hướng dẫn nội dung và mức chi hoạt động tự đánh giá chất lượng GDNN đối với cơ sở GDNN công lập.

Tác giả: Dương Trường Giang - Phòng Tuyển sinh và Đào tạo, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng (dtgiang@stcc.edu.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây